flag header

Tin tứcTin tức

45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (19/1/1974): Trung Quốc đe dọa hòa bình khu vực và thế giới

Ngày đăng: 19-01-2019 Lượt xem: 3127

Ngày 19/1/2019 là tròn 45 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại Geneve, vấn đề gây nên tranh cãi nhất trong việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính là vạch giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam.

Âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hiệp định Genève

Theo  PGS.TS Hoàng Chí Hiếu (ĐH Sư phạm Huế), tại hội nghị Genève 1954, đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16. Tuy nhiên, phái đoàn Pháp không chấp nhận giải pháp này, mặc dù họ đã lui dần từ vĩ tuyến 19 xuống 18, thậm chí là 17,5 theo gợi ý của Mỹ.

Trước đó, phe Đồng minh đã sử dụng vĩ tuyến 16 làm ranh giới để giải giáp quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lựa chọn này cũng phù hợp tương quan kiểm soát thực tế của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp trên chiến trường.

Chu Ân Lai (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France (trái) tại Hội nghị Geneva 1954, ảnh: Getty. Đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16.

Chu Ân Lai (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France (trái) tại Hội nghị Geneva 1954, ảnh: Getty.
Đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16.

Thế nhưng phái đoàn Quốc gia Việt Nam muốn giới tuyến phải nằm phía bắc Huế, nơi có lăng tẩm của tổ tiên Quốc trưởng Bảo Đại, trong khi vương quốc Lào muốn có lối ra biển mà quốc lộ 9 chính là con đường ngắn nhất và thuận tiện nhất. Để đảm bảo hành lang an toàn cho lối đi này, đường giới tuyến phải ở phía Bắc của quốc lộ 9.

Trên thực địa, cách đường 9 khoảng 10km về phía Bắc có con sông Hiền Lương, là điều kiện tự nhiên lí tưởng dùng để làm ranh giới phân cách đôi bên tham chiến và nó trùng với vĩ tuyến 17.

Tuy nhiên, với vị thế của Lào và Quốc gia Việt Nam lúc đó thì áp lực của họ khó có đủ sức nặng để buộc đại diện phái đoàn Pháp phải đấu tranh cho bằng được vĩ tuyến 17, nhất là khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận vĩ tuyến 16 với nhượng bộ:

1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian.

2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển.

3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ mà đơn giản là vĩ tuyến 17 trùng hợp với quan điểm của Mỹ, Pháp và đặc biệt là ý đồ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn đơn giản, vĩ tuyến 16 hay 17 đối với Pháp và Trung Quốc không quan trọng, bởi đó không phải đất của hai quốc gia này và nhất là khi họ đã xem Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở giữa làm “trái độn”. Việc Trung Quốc không “giúp” Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm phục vụ ý đồ sâu xa của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, khi gần như toàn bộ quần đảo này (ngoại trừ đảo Tri Tôn và Đá Bắc) nằm gọn trong vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 17.

Như vậy, sự dịch chuyển vị trí giới tuyến quân sự tạm thời từ vĩ tuyến 16 lên 17 không chỉ là 200km từ Đà Nẵng ra sông Hiền Lương, gồm tỉnh Thừa Thiên Huế và phần lớn Quảng Trị trên đất liền, mà còn cả quần đảo Hoàng Sa ngoài biển. Với vĩ tuyến 16, Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ là chủ thể quản lý quần đảo Hoàng Sa chờ ngày tổng tuyển cử theo tinh thần Hội nghị Geneva.

Điều này Trung Quốc nắm rất rõ bởi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, theo quy định của Hội nghị Potsdam, song song với việc vào bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa Dân quốc đã có mặt ở Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật và chỉ vừa rút khỏi quần đảo này vào tháng 4/1950.

Nhìn lại quá trình bành trướng của Trung Quốc xuống Hoàng Sa từ năm 1909, nhất là sau khi đề nghị của Liên Xô chuyển giao chủ quyền quần đảo này từ Nhật Bản qua Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị San Francisco 1951 và bị bác bỏ, mới thấy thâm ý của Trung Quốc ở Hội nghị Genève. Với việc đẩy Hoàng Sa ra khỏi tay Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay từ Hội nghị Genève, Trung Quốc đã chuẩn bị xong điều kiện “cần” để xâm lược quần đảo này.

Trên thực tế, chỉ chưa đầy 2 năm sau Hiệp định Genève, lợi dụng lúc Pháp rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đưa quân chiếm một nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Và cuộc chiến xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chính là bước đi cuối cùng để hoàn thành ý đồ đã được vạch ra từ Hội nghị Genève 1954.

Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới

Chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định, hiện nay, cùng với việc tiếp tục bồi lấp và quân sự hóa phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa sau khi cưỡng chiếm, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành bồi lấp thành đảo nhân tạo và từng bước xây dựng các công trình trái phép phục vụ mục đích quân sự trên 7 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Xu Bi, Vành Khăn, Châu Viên, Tư Nghĩa).

Khi Trung Quốc hoàn tất quân sự hóa tại các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp tại 2 quần đảo thì sẽ rất nguy hiểm đối với an ninh và hòa bình của khu vực cũng như trên thế giới. Điều này đã gây căng thẳng và lo ngại cho rất nhiều quốc gia. Trung Quốc rất có thể sẽ tuyên bố một Vùng nhận diện phòng không trên khu vực Biển Đông tại các thực thể mà nước này đang kiểm soát. Điều này sẽ đe dọa tới tự do thương mại, tự do hải hành và tự do hàng không tại khu vực và sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Mặc dù bị chiếm giữ song Nhà nước Việt Nam luôn đấu tranh, truyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Cuộc hội thảo khoa học “nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa hiện nay” vừa qua không đơn thuần là chủ đề của hội thảo mà còn là trăn trở làm sao công tác nghiên cứu phải được chuyển hóa hiệu quả vào công tác tuyên truyền, tạo nhận thức sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Bởi thực tế hiện nay, còn rất nhiều người dẫn mơ hồ về hiện trạng của cần đảo Hoàng Sa.

Tại hội thảo khoa học này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng, muốn sớm đòi lại Hoàng Sa, người Việt không thể nôn nóng mà cần điềm tĩnh chính trị. Nhưng đấu tranh vì chủ quyền Hoàng Sa không thể buông xuôi theo tư duy thế hệ với lý rằng, đây là việc lâu dài có thể chờ các thể hệ sau giải quyết còn chưa muộn. Chúng ta cần phải thấy đây là cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn và khẩn trương. Các thế hệ đi trước nỗ lực hết mình để thế hệ sau kế tiếp có cự li gần so với mục tiêu. Do đó, cần giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta về chủ quyền Hoàng Sa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc giáo dục là để các em phải biết hành động phản ứng khi vô tình nhìn thấy tấm bản đồ của đất nước bị vẽ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là một sự nhận thức về chủ quyền giúp các em hiểu hết ý nghĩa.

Hơn hết, để công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa chúng ta cần xuất bản các tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, xuất bản những công trình cụ thể để giới thiệu ra thế giới. Đặc biệt, cần làm cho người trẻ hiểu rõ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ vào năm 1974 như thế nào vào 45 năm nay không ngừng có những hành động phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của chúng ta.

Hoàng Minh