Ngày đăng: 21-12-2020 Lượt xem: 1577
Sau 5 năm đấu tranh gay go và quyết liệt (1954-1959), tình hình miền Nam ngày càng trở nên căng thẳng bởi hành động phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cự tuyệt hiệp thương của Mỹ-Diệm. Đảng Lao động Việt Nam căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ cụ thể của mỗi miền Nam, Bắc để đề ra chủ trương thành lập mặt trận khác nhau. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) khẳng định: “Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng và toàn dân ta. Nhưng vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có mặt trận riêng cho miền Nam”. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, đã hoàn chỉnh những nội dung cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam. Đại hội cho rằng nhiệm vụ trước hết đó là “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công - nông làm cơ sở”.
Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị đã họp Đại hội, quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là một trong những chủ trương đúng đắn, sáng tạo xuất phát từ yêu cầu khách quan của lịch sử và trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm phong phú, quý báu trong công tác xây dựng mặt trận suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ khi Đảng được thành lập năm 1930.
Với chủ trương phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam, Mặt trận nhận sứ mệnh đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái, tôn giáo và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm; đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm, mục tiêu giải phóng miền Nam, hoà bình thống nhất Tổ quốc. Ngày 25/4/1961, đánh giá việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Một Mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ-Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng nhanh chóng ra đời như: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng; Hội Liên hiệp thanh niên học sinh; Hội Nông dân giải phóng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; Hội Lao động giải phóng (sau đổi thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng); Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam. Mặt trận ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. Mặt trận không chỉ tập hợp lực lượng yêu nước vào các tổ chức chính trị – xã hội của mình mà còn tổ chức tập hợp quần chúng dưới các hình thức “ngoài mặt trận” như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, liên hệ mật thiết với các hội, nhóm độc lập của những người có cảm tình với cách mạng, thậm chí với cả những phần tử thân Pháp, những tầng lớp trung gian có khuynh hướng chủ hòa. Sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam giương cao ngọn cờ đoàn kết cứu nước.
Dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào miền Nam từ công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên, nhân sỹ, trí thức, dân tộc, tôn giáo… ngày càng diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi; kể cả có những người trong chính quyền và quân đội Sài Gòn trước đây cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đi theo con đường chính nghĩa, đứng về phía nhân dân, có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên cơ sở tập hợp lực lượng, Mặt trận tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Với hệ thống tổ chức của mình từ Trung ương đến cơ sở, Mặt trận vận động, tổ chức được một đội quân chính trị và phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, đều khắp trên tất cả các địa bàn. Chỉ tính từ năm 1961-1969, “đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào đã tham gia đấu tranh chính trị”. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Trong suốt 21 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ (1954-1975), sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) có ý nghĩa đặc biệt trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta. Mặt trận hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình là tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ.
60 năm đã trôi qua nhưng bài học kinh nghiệm về việc tập hợp lực lượng một cách sáng tạo, độc đáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn nguyên vẹn. Kinh nghiệm, bài học quý giá đó đã và đang được thực hiện, được phát huy trong một hình thức mặt trận rộng rãi - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ cần phải phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà còn đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhi Ái