flag header

Tin tứcTin tức

65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954-2019): KHÚC TRÁNG CA VANG MÃI!

Ngày đăng: 07-05-2019 Lượt xem: 2598

Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ đã được cả thế giới biết đến, trở thành biểu tượng người sáng của chủ nghĩa yêu nước, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần quyết đánh và biết thắng của dân tộc Việt Nam; trở thành biểu tượng chiến thắng, là giá trị văn hóa quân sự không chỉ của dân tộc ta mà còn của cả thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Gienever, rút quân về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7-5-1954)

Sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được toàn thể nhân loại tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc ngưỡng mộ và suy tôn thành những biểu tượng cao đẹp nhất, là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và phẩm giá con người.

Dựa trên phương châm chiến lược tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tích cực, chủ động cơ động, linh hoạt”, Người dự báo về chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Kế hoạch tác chiến của ta là phát triển rộng rãi chiến tranh du kích trên toàn bộ chiến khu sau lưng địch kể cả Khu 5, Nam Bộ và phối hợp tác chiến chặt chẽ với quân giải phóng Lào ở Trung, Hạ Lào, phá tan kế hoạch tập trung binh lực của địch, đồng thời tập trung chủ lực của ta nhằm nơi địch sơ hở và chiến trường thuận lợi cho ta tiêu diệt địch”.

Để động viên sức mạnh toàn quân và dân, trung tuần tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, căn dặn: “Phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh. Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi”. Ngày 21/12/1953, trong thư gửi cho cán bộ chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị ra sức thi đua giết giặc lập công và hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người khẳng định, chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam.

Bên cạnh việc động viên tinh thần quân dân hăng hái thi đua giết giặc lập công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần phải chọn một danh tướng có mưu lược để người đó các vị tướng thủ lĩnh khác lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng và Người đã sớm nhìn nhận và trao trọng trách cao cả đó cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào tài cầm quân và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Người đưa ra câu đối: “Giáp phải giải Pháp” là khẳng định niềm tin, tấm lòng yêu mến của Người khi giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài ba này. Và đúng như tầm dự tính của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định xuất thần trong việc cầm quân chỉ huy trận đánh lịch sử này đó là quyết định “Đánh thắng chắc” và chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Người biết, việc tiếp tế, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch sẽ vô cùng khó khăn, vì vậy Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Người chỉ thị hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung cán bộ cho việc huy động hậu cần phục vụ Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tìm mọi biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao… để chi viện cho chiến trường Điện Biên. Các chiến trường trong cả nước được lệnh cùng phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đẩy mạnh tiến công, chiến tranh du kích phát triển, làm phá sản kế hoạch tập trung binh lực của Nava. Hậu phương chi viện cao nhất cho chiến dịch lịch sử.

Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh lớn nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, tỉnh Lai Châu

Hội tụ sức mạnh của quân và dân

Báo chí Pháp đã từng khẳng định: “Ở Điện Biên Phủ, tàu bay của Pháp thua “đôi bồ” của dân công Việt Nam”. Điều đó thể hiện chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là sức mạnh của cả một dân tộc đoàn kết đứng lên giành quyền sống, quyền tự quyết; ý chí quyết chiến quyết thắng của một quân đội từ dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hi sinh, nòng cốt của chiến tranh nhân dân độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam; sự ủng hộ, chi viện của anh em, bạn bè quốc tế.

Mỗi khẩu pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều do xương máu của bao nhiêu chiến sĩ mới có. Trong một bài viết về Anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu trên báo Nhân Dân (ngày 5/7/1957) phần nào chỉ rõ sức mạnh của người lính cụ Hồ. “Trong chiến dịch yểm trợ đồi E1, Phùng Văn Khầu, khẩu đội trưởng pháo 75 ly, đứng ngồi không yên. Hàng tấn thép của khẩu pháo và mưa rét đêm qua đã đánh quỵ họ rồi. Phùng Văn Khầu nhìn vào các bộ phận súng, lo lắng, “mỗi khẩu, thường phải mấy chục người khiêng, mà nay chỉ còn có bảy pháo thủ, cả Trung đội trưởng Quí là tám”. Nhưng chẳng lẽ khoanh tay chịu thua? Khầu nghĩ mãi rồi bàn:

- Phải quyết tâm mà khắc phục thôi vậy! Những bộ phận trước bốn người khiêng bây giờ chỉ hai thôi và những bộ phận hai người nay chỉ một!

- Tất cả những cặp mắt đã đỏ ngầu vì đói ngủ, ngước lên nhìn Khầu giây lát. Những đường gân chạy rần rật trên trán họ. Cuối cùng tất cả phải đồng ý theo kế hoạch ấy. Không còn cách nào hay hơn nữa! Bây giờ phải dùng lòng quyết tâm sắt đá mới có thể bẩy được những khối thép này lên trận địa. Khầu và một người nữa nhận một bộ phận nặng nhất…

- Mọi người vừa khiêng vừa tranh thủ ăn. Những bàn tay đầy mùn móc cơm nắm trong túi ra. Qua trận mưa đêm qua, cơm đã nát vữa. Nhưng pháo thủ vẫn đưa lên miệng nhai một cách ngon lành. Đói thì chịu bẩn một chút vậy. Biết làm thế nào hơn?”.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hoạt động của đoàn hậu cần. Họ sử dụng xe đạp thồ vượt qua những đường đèo hiểm trở. 

Trong suốt cả cuộc chiến, ngoài số lượng người lính tham gia trực tiếp còn kể đến lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia gián tiếp góp phần bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Khó khăn lớn nhất khi tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ là khâu bảo đảm vật chất hậu cần. Chỉ có sự ủng hộ, sự đồng tình của nhân dân, kháng chiến mới thắng lợi. Trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, Đảng ta đã huy động mọi nguồn lực trong dân từ dân công đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới, đến thanh niên xung phong tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilomet đường; nhiều bến, cầu; vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận… trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi.

Ngoài nhiệm vụ phục vụ, nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đơn vị quân đội. Đây là “cuộc ra quân lớn nhất” của cả nước kể từ đầu cuộc kháng chiến. Riêng đội xe đạp thồ đã lên đến 20.000 người, mỗi xe chở 200-300kg. Tính chung, dân công chiến dịch đã phục vụ lên đến 12 triệu ngày công. Sức mạnh này nằm ngoài dự đoán của các cấp chỉ huy quân Pháp vì họ cho rằng Việt Minh không thể đảm bảo hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sức mạnh vô địch của sự đoàn kết giữa tiền tuyến và hậu phương. Hậu phương chúng ta đại đa số là nông dân được phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất đã đẩy mạnh phong trào sản xuất và phục vụ tiền tuyến. Cho nên dù chiến dịch kéo dài 6 tháng, yêu cầu của tiền tuyến kể cả có hàng vạn tấn lương thực, đạn dược, hàng chục vạn dân công, hậu phương cũng đã tích cực cung ứng kịp thời cho tiền tuyến. Toàn thể quân đội, nhân dân và Đảng ta vô cùng phấn khởi, đẩy mạnh mọi mặt công tác. Nông dân lao động càng tin tưởng và hăng hái tham gia đấu tranh cải cách ruộng đất và đẩy mạnh sản xuất.

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kéo cờ trắng đầu hàng. Quân và dân ta tháng 5 ấy lại có một chiến công lớn mừng ngày sinh của Bác Hồ. Thư khen ngợi của Bác tới ngay ngày hôm sau: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu…”.

Trở lại Điện Biên trong những ngày hòa bình chúng ta vẫn còn nhớ lại lời của đồng chí Phạm Văn Đồng nêu cao với cả thế giới lịch sử chiến đấu vẻ vang của dân tộc ta và tỏ rõ lập trường của nhân dân ta cao quý. Nếu ngày còn đang chiến đấu, mỗi chiến sĩ, mỗi người dân đều có ý thức thật sâu sắc rằng chúng ta chiến đấu vì hòa bình hôm nay trên chính đất nước ta nữa thì ở Điện Biên Phủ, chúng ta chiến đấu sẽ còn dũng mãnh đến thế nào! Chính như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng nhấn mạnh: “Trận Điện Biên Phủ không những là trận đánh một mất một còn giữa hai đạo quân lớn. Đây cũng là trận đọ sức dữ dội giữa hai thế giới, hai chế độ xã hội, hai lối sống và mục đích sống của con người”!

HOÀNG MINH

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Kỷ yếu hội thảo “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Những giá trị trường tồn” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức năm 2014.
  2. Tuyển tập những bài viết trên Báo Nhân Dân “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi” của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản 2014.