flag header

Tin tứcĐiểm nóng

75 năm thành lập nước: Nghĩ về niềm tin của nhân dân

Ngày đăng: 02-09-2020 Lượt xem: 3933

Những ngày này của 75 năm trước, Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được hun đúc bằng niềm tin. Nếu không có niềm tin chắc chắn cuộc cách mạng này không thể thành công nhanh chóng, không có niềm tin, chắc chắn Chính phủ Dân chủ cộng hòa non trẻ khó đứng vững sau ngày 2-9 trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài” được đánh giá là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nếu tính từ khi lệnh Tổng Khởi nghĩa được phát ra đến khi cuộc cách mạng thành công trên cả nước, thời gian vẻn vẹn chỉ trong 12 ngày. Không có sự ủng hộ, không có sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, làm sao cuộc cách mạng có thể thành công nhanh chóng như vậy?. Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy có khoảng 5 nghìn đảng viên, nhưng 1/3 số đảng viên ấy đang bị giam giữ trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Nếu không phải vì sức mạnh vĩ đại của Nhân dân, làm sao có cuộc cách mạng ấy. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội diễn ra dưới khí thế sục sôi của các tầng lớp Nhân dân và hầu như không gặp phải kháng cự nào. Sở dĩ có không khí ấy bởi Khâm Sai đại thần Bắc Bộ của triều đình là cụ Phan Kế Toại trước khi rời nhiệm sở đã căn dặn cấp dưới tuyệt đối không được chống cự và nổ súng mà phải mở cửa giao lại quyền cho phía cách mạng. Cũng chính cụ Phan Kế Toại khi còn làm tổng đốc ở một tỉnh đã ngầm ủng hộ tín phiếu cho Việt Minh và dù biết con trai mình tham gia Mặt trận Việt Minh song cụ vẫn ngầm ủng hộ con trai. Cho dù phát xít Nhật đã đầu hàng nhưng quân Nhật ở Đông Dương vẫn còn đông đảo. Trước tình thế ấy, chính phủ Trần Trọng Kim đã không chấp nhận với đề nghị của phía quân Nhật nổ súng đàn áp người dân. Chính phủ Trần Trọng Kim, một chính phủ tập hợp nhiều các nhân sĩ, trí thức tiếng tăm đã thức thời thúc đẩy và nhanh chóng đi đến quyết định từ chức để tạo ra một khoảng trống quyền lực giúp cho phía cách mạng nắm bắt thời cơ giành chính quyền nhanh chóng. Sau này, nhiều thành viên chính phủ Trần Trọng Kim đã tham gia vào chính quyền mới, tham gia công cuộc xây dựng, kiến thiết, bảo vệ đất nước. Vua Bảo Đại đã thoái vị để tránh cảnh nồi da xáo thịt, chém giết lẫn nhau tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ” v.v…

Cái gì đã tạo nên niềm tin ấy trong các tầng lớp Nhân dân? Có lẽ trước hết là niềm tin về sức sống vững bền của dân tộc, niềm tin về một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Thế nhưng rõ ràng, khi ấy, rất nhiều các lãnh tụ của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám mà đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thật sự trở thành ngọn cờ, là hình mẫu tiêu biểu mà người dân gửi gắm và phó thác niềm tin của mình. Thậm chí, vua Bảo Đại sau rất nhiều chần chừ nhưng khi biết Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì ngài đã sẵn sàng thoái vị. Trong cuộc cách mạng ấy, nhiều gia đình giàu có đã ủng hộ rất lớn cho cách mạng. Họ ủng hộ nhưng vì tin rằng những đồng tiền ủng hộ ấy sẽ được những người cách mạng sử dụng tiết kiệm, đúng nơi, đúng chỗ và tất cả vì lợi ích của đất nước và dân tộc.

Sách xưa viết rằng, có một học trò hỏi đức Khổng Tử rằng một quốc gia cần phải có những điều kiện gì để cường thịnh. Đức Khổng Tử trả lời cần phải có ba điều: thứ nhất, phải có đủ lương thực cho dân ăn; thứ hai, phải có quân đội đủ mạnh để bảo vệ đất nước; thứ ba, phải có niềm tin của nhân dân. Học trò hỏi trong ba điều ấy nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào? Đức Khổng Tử nói bỏ quân đội. Người học trò hỏi tiếp nếu bất quá phải bỏ tiếp điều thứ hai thì đó là điều kiện nào? Đức Khổng Tử nói bỏ lương thực. Ngài nói rằng xưa nay không có lương thực thì nhân dân trong nước ấy tất sẽ chết đói, song một chính quyền mà không có niềm tin của nhân dân thì chính quyền ấy không thể nào tồn tại được.

Trong những phát biểu gần đây, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước ta đã nói nhiều về niềm tin của Nhân dân, rằng có niềm tin sẽ chiến thắng, mất niềm tin sẽ mất tất cả. Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngày 10/01/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hành trang lớn nhất là niềm tin của nhân dân" v.v... Nhận thức ấy, phát ngôn ấy đã được các nhà lãnh đạo thể hiện bằng các quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ bằng những việc làm ích quốc, lợi dân để củng cố lại niềm tin của Nhân dân: Đó là chống tham nhũng, lãng phí; là kỷ luật nghiêm minh; là chăm lo đến những người yếu thế trong xã hội; là đẩy mạnh phát triển kinh tế và cân bằng, chính xác hơn trong phân chia thành quả v.v…

Trong cuộc chiến chống COVID-19, theo xếp hạng của tổ chức nghiên cứu Dalia (Dalia Research), Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng cao nhất thế giới về phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh. Nước có độ hài lòng cao thứ 2 là Argentina với 61% và tiếp đến là Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%) và Nam Phi (56%). Rõ ràng, trong cuộc chiến chống dịch covid-19 lần này, khi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân nên đã khơi dậy và bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân. Chính niềm tin ấy mà người dân đã tuân thủ nghiêm túc theo những chỉ dẫn của các cơ quan có trách nhiệm giúp đẩy lùi dịch bệnh. Thực tiễn này đúng như nhận định và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục”.

                                                                       HỒNG PHÚC