flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đến tư tưởng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 7484

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, một cuộc cách mạng vừa phải giành độc lập dân tộc thực sự, vừa phải giải quyết vấn đề dân chủ triệt để, giải phóng nhân dân lao động hoàn toàn thoát khỏi áp bức, bóc lột. Và, luận điểm trung tâm, xuyên suốt để giải quyết triệt để cả hai vấn đề ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, như thế, vấn đề dân tộc cần phải được giải quyết theo lập trường của giai cấp vô sản. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, căn bản, có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8-1957. Ảnh:Vietnam+ 


 

 
Thế nhưng, gần đây lại có luận điểm cho rằng: “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc”. Đây là một luận điểm không hiểu hoặc cố tình không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ở trong nước và nước ngoài, một số người mạo danh “nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, đã truyền bá luận điểm “Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc”. Họ giải thích tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ tiền đề này, họ rút ra kết luận:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn chủ nghĩa Mác-Lênin là lý luận đấu tranh giai cấp. 
- Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu tranh giai cấp “tả” khuynh của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ các đảng cộng sản lớn. 
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, thông qua lịch trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng những điều chính Người nói về tư tưởng của mình dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, chúng ta hãy xem luận điểm trên có phải là “tìm tòi sự thật” hay là sự xuyên tạc lịch sử. 
 Cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ nước Anh trở lại nước Pháp. Mặc dù sống tại “kinh đô ánh sáng”, nhưng do sự bưng bít thông tin của Chính phủ Pháp, Nguyễn Ái Quốc vẫn “biết rất ít về Cách mạng Tháng Mười”, thậm chí, Người “chưa hề đọc tác phẩm nào của V.I.Lênin”. Tuy nhiên, trực cảm đúng đắn đã giúp Người “thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Nhân tố tác động trực tiếp đến nhận thức của Nguyễn Ái Quốc chính là bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, mà ở đó, V.I.Lênin khẳng định: Các dân tộc thuộc địa đều có quyền tự quyết về mọi mặt, chứ không chỉ là quyền tự trị về văn hóa, cách mạng ở chính quốc phải ủng hộ cách mạng thuộc địa, Quốc tế III và Nhà nước Xô viết có trách nhiệm giúp đỡ cách mạng thuộc địa... Những quan điểm của V.I.Lênin hoàn toàn phù hợp với khát vọng giải phóng, cũng như mong muốn tìm sự ủng hộ, giúp đỡ trên bình diện quốc tế của Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, Người “đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo V.I.Lênin”, tức là đi theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Khi đã gắn bó với học thuyết tiên tiến nhất thời đại, Hồ Chí Minh ngày càng thấu hiểu tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga. Năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người khẳng định: “Trên thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật... Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và các dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trên thế giới”.
Từ kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh quả quyết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga và sớm tiên liệu nguy cơ tha hóa của bộ máy công quyền, nếu quyền lực không nằm trong tay nhân dân, nên Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng ở Việt Nam Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Được trang bị phép biện chứng khoa học và thế giới quan cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên coi “cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận của cách mệnh thế giới”. Là cái bộ phận trong cái toàn thể, cái đặc thù trong cái phổ biến là phong trào giải phóng dân tộc, ngoài những tác động chung mà Việt Nam nhận được với tư cách là bộ phận của cách mạng thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga còn có những tác động hết sức cụ thể đến tiến trình cách mạng Việt Nam. Là người con của dân tộc bị mất nước, điều làm Hồ Chí Minh trăn trở nhất là con đường giải phóng dân tộc, nên Người đã nhìn thấy ở Cách mạng Tháng Mười Nga ánh sáng chỉ đường và khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ đưa Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, mà còn gợi mở cho Người con đường giải phóng dân tộc, hợp với trào lưu của thời đại và phương hướng phát triển phù hợp với lòng dân. “Như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã gián tiếp chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cách mạng và mở ra triển vọng tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Khi Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, Người cũng lựa chọn cho dân tộc Việt Nam lực lượng dẫn đường.
Người viết: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì … phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Chủ nghĩa Mã Khắc Tư và V.I.Lênin”.
Vì vậy, Người đã trở về phương Đông, nhen lên ngọn lửa cách mạng và chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 là mốc son trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, như đồng chí Trường Chính đã chỉ rõ: “chúng ta không được quên rằng, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”.
Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải quyết vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam lúc đó, là sự khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo. Nhờ có lực lượng dẫn đường là Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Tháng 8/1945, trong hoàn cảnh quốc tế hết sức thuận lợi, Hồ Chí Minh quyết định “chớp” lấy cơ hội “ngàn năm có một” để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên trên thế giới giành được thắng lợi, Cách mạng Tháng Tám là sự tiếp bước con đường của Cách mạng Tháng Mười trong hoàn cảnh mới.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám… đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại đã vạch ra”.
Cũng như Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Trong chặng đường lịch sử gian lao, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức rõ và vận dụng sáng tạo những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười về vai trò lãnh đạo của Đảng, về liên minh công - nông, về bạo lực cách mạng của quần chúng, về chuyên chính vô sản, về tinh thần cách mạng triệt để, về kết hợp lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, không chỉ thành quả của Cách mạng Tháng Tám được giữ vững, mà thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên quy mô toàn thế giới; vị thế của dân tộc Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam cả trước và sau khi Đảng ra đời, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng XHCN. Thời đại Hồ Chí Minh lịch sử - thời đại vẻ vang trong hàng nghìn năm phát triển của dân tộc Việt Nam chính là hệ quả của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ở chiều cạnh khác, cách mạng Việt Nam cũng tôn cao giá trị, tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và làm giàu cho kho tàng lí luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đi theo con đường do V.I.Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với V.I.Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”./.

 

Phương Nghi