flag header

Tin tứcChống DBHB

Bác Hồ với Miền Nam trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Ngày đăng: 30-01-2018 Lượt xem: 3601

Có một số người cho rằng "Mậu Thân 1968 là do đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo thực hiện chứ không phải là ý của Bác. Lê Duẩn đưa Bác Hồ đi Trung Quốc chữa bệnh để dễ bề thực hiện Mậu Thân". Thế như cứ liệu lịch sử cho thấy rất rõ sự sai trái của quan điểm này. Sự thật là Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Từ năm 1965, để giữ gìn sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị quyết định hằng năm Bác ra nước ngoài chữa bệnh. Cuối năm 1967 sức khỏe của Bác suy giảm rất nhanh do nhiều bệnh chuyển biến xấu, cho nên theo yêu cầu của Bộ Chính trị, ngày 10/9, Người rời Hà Nội qua Bắc Kinh điều trị tại một khu nghỉ dưỡng trên núi. Chuyến đi này của Bác kéo dài hơn bảy tháng, mãi đến ngày 21/4/1968, Người mới trở lại Hà Nội.

Giữa năm 1967, cơ quan Tổng hành dinh bắt tay vào soạn thảo kế hoạch tác chiến năm 1968 cho các chiến trường. Đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gợi ý Cục Tác chiến soạn thảo kế hoạch theo hướng đánh thẳng vào cơ quan đầu não, trung tâm đô thị và các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy. Trong suốt nửa cuối năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị họp nhiều lần xem xét, điều chỉnh kế hoạch tác chiến này. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 12/10/1967, Cục Tác chiến hoàn thành dự thảo kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, điều chỉnh một lần nữa để trình dự thảo kế hoạch cho Bộ Chính trị họp mở rộng có đại diện chiến trường Đường 9 - bắc Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ họp năm ngày liền, từ 20 đến 24/10/1967. Kế hoạch này mang mật danh “Quyết tâm chiến lược mùa Thu”[1].

Trong quá trình soạn thảo và đi đến quyết định tổng công kích - tổng khởi nghĩa khi Bác đang ở nước ngoài, vì vậy, ngày 21/12/1967, Bộ Chính trị điện sang Trung Quốc mời Người về họp Bộ Chính trị để báo cáo kế hoạch với Bác. Tối ngày 23/12/1967, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra sân bay đón Bác.

Đã hơn ba tháng Bác chưa xuất hiện trước đồng bào và chiến sĩ cả nước, vì vậy, ngày 25/12/1967, mặc dù ngày kỷ niệm đã qua, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn tổ chức mít tinh kỷ niệm 21 năm ngày toàn quốc kháng chiến và 23 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì và phát biểu để cổ vũ đồng bào và chiến sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 28/12/1967, Người chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị tại nơi ở của Người để nghe đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa và quán xuyến việc thảo luận chung. Tại cuộc họp này nhiều tướng lĩnh cao cấp được mời đến báo cáo kế hoạch tác chiến của từng chiến trường. Cuộc họp này kéo dài cả ngày 28/12 đến 30/12. Theo đồng chí Vũ Kỳ cho biết: “sau phiên họp kéo dài và căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ có một điều gì đó khiến Bác chưa thật yên tâm”[2].

Cũng trong ngày 28/12/1967, Bác hai lần làm việc riêng với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, người lãnh đạo cao nhất của quân đội, trực tiếp chỉ huy cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân sắp tới. Đồng thời trong dịp về Hà Nội, Bác trực tiếp gặp riêng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước để nắm vững tình hình mọi mặt và dặn dò những vấn đề cơ mật. Chiều muộn ngày 30/12, Người chủ trì phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ và sáng sớm ngày 31/12, Bác sang Phủ Chủ tịch để ghi âm “Thư chúc mừng năm mới” của Người sẽ phát vào giao thừa sắp tới. Chiều ngày 01/01/1968, tại nhà sàn, Người làm việc với tập thể Bộ Chính trị một lần nữa, sau đó Người ra sân bay trở lại Trung Quốc chữa bệnh, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Văn Lương cùng đi với Bác.

Mặc dù chỉ có chín ngày đêm ở Hà Nội với bao vấn đề hệ trọng và làm việc căng thẳng, nhưng Bác dành hai buổi tối cuối cùng để tiếp những vị khách đặc biệt của Người: Tối 30/12, Người cho mời phu nhân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và hai cháu nhỏ đến ăn cơm với Người. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin cậy bởi tài năng và phẩm chất của mình, đã lăn lộn nhiều năm trên chiến trường Nam Bộ, vừa qua đời cách đó 6 tháng. Cả Đại tướng và phu nhân đều là người miền Nam - quê ở Thừa Thiên Huế.

Tối 31/12,Người mời cơm phu nhân đồng chí Phạm Hùng, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chị Mười (Đồng Tháp), cả ba đều là phụ nữ của “Nam Bộ thành đồng”.

Qua hai bữa tối này, dường như Bác muốn nhắn nhủ: miền Nam, Nam Bộ luôn trong trái tim nồng ấm của Người.

Trở lại Trung Quốc, Bác bị sốt và ho nhiều, phải dùng kháng sinh liều cao kết hợp với chữa bằng Trung y. Các bác sĩ và nhiều lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc quan tâm đặc biệt để chữa cho Người. Mặc dù hằng ngày vẫn nhận được báo cáo đều đặn từ Hà Nội, nhưng ngày 11/01/1968, Người viết thư hẹn hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị sang Bắc Kinh làm việc với Bác trước Tết 10 ngày. Trong biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh ta thấy ngày 20 và ngày 21/01/1968, Bác làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ vừa từ Hà Nội sang báo cáo với Người.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc gần nửa tháng, thì ngày 13/01, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp thông qua Nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Sau cuộc họp này 5 ngày, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí Trung ương Cục miền Nam được triệu tập từ chiến trường ra đã có mặt tại Hà Nội, ngày 18/01, Bộ Chính trị họp tuyệt mật mở rộng gồm các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh và Vũ Lăng (Cục Tác chiến) quyết định thời điểm nổ súng là giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Tối cùng ngày quyết định này được điện báo cho các chiến trường. Như vậy, lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường chỉ có 10 ngày triển khai chuẩn bị cho giờ tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Ngày hôm sau 19/01 Bộ Chính trị tiếp tục họp, sau khi phân tích cân nhắc mọi mặt đã khẳng định quyết tâm tổng công kích - tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trong năm 1968. Đây là cuộc họp cuối cùng Bộ Chính trị xác định quyết tâm chiến lược. Với quyết định cực kỳ hệ trọng trong điều hành cuộc kháng chiến, Bộ Chính trị thấy nhất thiết phải báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, vì vậy Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III được triệu tập gấp, họp bí mật tại Kim Bôi - Hòa Bình những ngày sát Tết âm lịch. Diễn giả chính của Hội nghị Trung ương lần này là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Côn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và đồng chí Lê Toàn Thư. Chính Nghị quyết của Bộ Chính trị sau nhiều cuộc họp và trao đổi với các chiến trường ba tháng cuối năm 1967 và tháng 01/1968 đã trở thành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa III với tiêu đề: “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

Những ngày cuối năm này, khi miền Nam chuẩn bị đánh lớn, tại khu nghỉ dưỡng trên núi ở ngoại ô Bắc Kinh đêm về vắng lặng, theo đồng chí Vũ Kỳ, tâm trạng Bác có vẻ không yên, thường ngồi im lặng trong phòng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân cắt nghĩa tâm trạng của Người, nhưng theo tôi có ba sự kiện mới diễn ra có thể làm lòng Bác không yên:

- Tháng 5/1967, sau hơn 3 năm lãnh đạo, chỉ huy chiến trường Nam Bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội và ở lại miền Bắc hai tháng liền để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thảo với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng về kế hoạch tác chiến chiến lược sắp tới. Ông là người chủ trương đánh thẳng vào các đô thị và các cơ quan đầu não của địch. Rạng sáng ngày 06/7/1967, đúng ngày trở lại chiến trường, ông lên cơn đau tim đột ngột và qua đời. Đây là tổn thất cực kỳ to lớn cho Đảng, Nhà nước ta, cho cách mạng miền Nam khi bước vào giai đoạn quyết định. Là một trong hai vị Đại tướng của quân đội, là người lãnh đạo cao nhất trực tiếp chỉ huy trên chiến trường Nam Bộ, lại dày dạn trận mạc, hiểu rõ địch, hiểu rõ ta, nếu ông còn sống để tổ chức, chỉ huy cuộc tổng tiến công chiến lược sắp tới thì hẳn là thắng lợi sẽ còn to lớn hơn nữa, và tổn thất không thể nghiêm trọng như vậy.

- Cuối tháng 10/1967, khi Bác đang ở Bắc Kinh, thì tại Hà Nội xảy ra vụ án chống Đảng và làm gián điệp cho nước ngoài. Trong chuyên án lớn này, nhiều cán bộ quan trọng bị bắt, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp nắm giữ nhiều chức vụ cơ mật của quân đội ta, gây chấn động thời bấy giờ.

- Từ cuối tháng 10/1967 đến cuối tháng 1/1968, khi Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị bàn thảo và thông qua quyết định mở cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam, thì Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của quân đội bị lâm bệnh, được gợi ý đi chữa bệnh ở nước ngoài, vì vậy ông không thể tham gia soạn thảo kế hoạch chiến lược cơ mật này. Theo Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chữa bệnh ở Hung-ga-ri về Bắc Kinh gặp người. Trong Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử ghi rõ ba ngày liền, từ ngày 25 đến ngày 27/01/1968 (tức là những ngày sát Tết nguyên đán), Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục làm việc với Đại tướng - Tổng Tư lệnh. Sau những cuộc làm việc với Bác, từ Bắc Kinh, Đại tướng mới về Việt Nam và đến Hà Nội chiều ngày 31/01/1968, khi cuộc tổng công kích đã diễn ra. Mãi ngày 8/02/1968 ông mới nghe Cục Tác chiến báo cáo và trở lại trực tiếp lãnh đạo, điều hành chỉ huy quân đội.

Sau này, trong một số hồi ký và một số bài báo, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác đã nói rõ tâm trạng bồn chồn lo lắng của Người trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 ấy: “Tối nay, từ Bắc Kinh xa xôi, hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi chầm chậm. Vẻ mặt Bác trầm ngâm, đượm buồn”[3]. Khi tiếng pháo đón giao thừa râm ran nổ thì từ Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời chúc tết của Bác Hồ: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Khi câu cuối cùng của bài thơ kết thúc, Bác nói khẽ với đồng chí Vũ Kỳ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”. Thì ra “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” theo quy ước với các chiến trường là phát súng lệnh, là lời hiệu triệu đồng bào, đồng chí miền Nam xông lên phía trước trong thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy.

Sau nhiều tiếng chờ đợi từ lúc giao thừa, gần trưa mồng một Tết, Người nhận được báo cáo đầu tiên từ Hà Nội: “Đã đánh khắp miền Nam”. Bác lộ vẻ vui mừng.

Mặc dù trong quá trình chuẩn bị kế hoạch cũng như trong quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam, Bộ Chính trị đã thường xuyên điện báo và nhiều lần cử các đồng chí lãnh đạo sang trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Người, nhưng Người vẫn gửi hàng chục bức thư cho Bộ Chính trị hoặc cho cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một số bức thư quý giá đó đã được công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập (2011), hoặc nội dung đã được trình bày trong Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (2016). Hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm đã sưu tầm thêm và lưu giữ được bản gốc gần một chục bức thư của Người chưa được công bố. Rồi đây, khi được phép của các cơ quan có thẩm quyền, chúng ta sẽ được tiếp cận với những tài liệu quý giá hãy còn đang được lưu trữ quá cẩn trọng đó. Từ rất nhiều nguồn có được, trong báo cáo này, tôi xin trình bày nội dung một số điều Bác gửi cho Bộ Chính trị khi Người đang chữa bệnh tại Trung Quốc, biểu hiện rõ sự quan tâm, lo lắng của Người đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu. Hai ngày sau khi nổ ra cuộc tổng tiến công chiến lược, Bác gửi cho đồng chí Lê Duẩn một bức thư ngắn. Trong thư Người nêu ra hai câu hỏi, xem như hai gợi ý cho Bộ Chính trị đối với tình hình miền Nam:

“1. Nên chăng vũ trang cho những quần chúng ta tin cậy, chắc chắn?

2. Bác nên chăng có điện khen mừng và khuyến khích quân, dân và cán bộ miền Nam? Điện nên do Trung ương Mặt trận giải phóng chuyển”[4].

Cuối bức thư, hay đúng hơn là bên lề bức thư này, Bác viết mấy dòng gửi riêng đồng chí Lê Duẩn: “Chú có ý muốn đi thăm bà con. Những ngày đầu xuân này là dịp thích hợp nhất để đi thăm anh em… Bao giờ đi và bao giờ trở về đến nhà, mong chú viết thư và báo cho tôi biết”. Nội dung này hé lộ một điều nếu cuộc Tổng tiến công Tết giành thắng lợi quyết định thì đồng chí Bí thư thứ nhất sẽ vào chiến trường thăm và động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Nhưng rất tiếc cuộc tiến công không diễn ra thuận lợi như dự kiến, cho nên chuyến vào Nam của đồng chí Lê Duẩn không thể thu xếp được. Vì vậy, từ Trung Quốc, Bác càng nung nấu một ý muốn cháy bỏng là phải vào bằng được Nam Bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu.

Trong một bức thư không đề ngày tháng, tiêu đề là Các đồng chí, cuối thư đề Gửi đồng chí Lê Duẩn, nhưng qua nội dung thư ta biết thời điểm Bác viết thư là ngay sau Tết âm lịch và trước ngày 04/02/1968. Trong thư, Bác biểu đạt sự vui mừng: “Trong mấy ngày đầu Xuân, quân và dân ta ở miền Nam đánh rất giỏi, rất đều, rất nhịp nhàng, đánh khắp nơi, mà nơi nào cũng có thắng. Chỉ trong vài ngày mà từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, ta đã đánh vào hoặc đã đánh chiếm 64 thành phố to nhỏ, 35 cơ quan đầu não của địch, nhất là Đại sứ quán Mỹ, dinh Độc lập, v.v… phá 24 sân bay và 5 đài phát thanh… và tiêu diệt gần 4 ngàn Mỹ và Ngụy. Thắng lợi bước đầu ấy làm bạn ta rất vui mừng và khâm phục” (Những con số thống kê này Bác trích dẫn từ nguồn Thông báo của Bộ Tư lệnh Mỹ ngày 02/02).

Trong thư Bác nhận định tình hình và nhắc nhở Bộ Chính trị: Cuộc thắng lợi đầu xuân đã đưa đến một tình thế mới có lợi cho ta đặc biệt về chính trị. Ta phải có kế hoạch để củng cố và tiếp tục phát triển tình thế ấy thì hoàn toàn thắng lợi ắt về ta.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần phải nhớ rằng: “càng gần thắng lợi, càng nhiều khó khăn”. Đứa con sắp ra đời càng mập, càng to, thì đợt đau đẻ càng nặng nề.

Bị một vố như trời giáng vừa rồi, địch hết sức hoảng hốt, hoang mang, lúng túng, bi quan. Nhưng sau một thời gian, chúng sẽ hoàn hồn dần dần và sẽ dùng mọi thủ đoạn để báo thù một cách cực kỳ dã man, độc ác. Vậy toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải sẵn sàng để đối phó lại một cách mạnh mẽ.

Phần cuối thư, Người còn dặn dò rất tỉ mỉ: Hễ đánh chiếm được thành thị nào, bất kỳ to nhỏ, ta nên:

- Lập tức tổ chức, giáo dục và vũ trang nhân dân;

- Đôn đốc nhân dân phòng gian, bảo mật;

- Đào hầm trú ẩn và hào giao thông cho tốt;

- Có kế hoạch cụ thể phân phối lương thực và nước uống;

- Phải tổ chức ngay đội tuyên truyền nhằm ủng hộ chính quyền nhân dân, ủng hộ bộ đội cách mạng, phục vụ nhân dân.

Cuối thư, Người yêu cầu Bộ Chính trị nhận định tình hình mới thế nào cho Bác biết những nét chính.

Trên đây là nội dung chính ý kiến của Bác gửi Bộ Chính trị. Nhưng trong thư còn một đoạn hết sức đặc biệt. Sau khi nêu thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam trong dịp Tết, Người viết:

Khi các cụ dân quân già bắn rơi một chiếc máy Mỹ, Bác lập tức có thư khen ngợi và thưởng huy hiệu (ý nói thư khen trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/7/1967). Nhưng đối với cuộc thắng lợi ở miền Nam, đến nay Bác chưa có điện khen ngợi và khuyến khích. Chiến sĩ và đồng bào miền Nam không thể hiểu. Bạn không hiểu. Thiên hạ không thể hiểu, và bản thân Bác càng không hiểu. Hôm nay gửi điện mừng thì đã hơi chậm rồi. Nhưng chậm còn hơn không gửi như tục ngữ Pháp nói: “Mieux vaut tard que jamais”.

Nếu vì một lý do gì mà không tiện phát thanh và đăng báo thì ta có thể:

- Nội dung điện viết cho hợp với tình hình hiện tại,

- Hoặc “anti-dater” bức điện (đề lùi ngày tháng),

- Hoặc chỉ truyền đạt đến từng đơn vị.

Nếu im bặt đi thì không lợi, vì tôi chắc rằng sau cố gắng to lớn phi thường, đồng bào và chiến sĩ đang chờ đợi một lời khuyến khích.

Chính vì thế, ngày 06/02/1968, đúng 10 ngày sau khi quân và dân ta tiến hành Tổng tiến công - nổi dậy, báo Nhân dân đăng bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, điện đề ngày 04/02/1968. Nội dung bức điện cơ bản giống như nội dung thư Bác gửi Bộ Chính trị. Ngày tháng thì đã được anti-dater như hướng dẫn của Bác.

Trong Hồ Chí Minh toàn tập, công bố bức thư của Bác gửi đồng chí Lê Duẩn, đề ngày 10/3/1968. Nội dung thư, Bác yêu cầu đồng chí Bí thư thứ nhất sắp xếp để Bác đi thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Qua thư ta thấy:

- Địa điểm đi từ một hải cảng của Trung Quốc.

- Cách đi: làm công trên tàu biển.

- Địa điểm đến: Cảng Xihanúc Vin - Miên, sau đó về nhà anh Sáu (Thọ), anh Bảy (Cường) - tức đồng chí Phạm Hùng - Trung ương Cục miền Nam ở Đông Nam Bộ.

- Thời gian chuẩn bị: mươi ngày.

- Thời gian trên tàu biển: dăm hôm.

- Cùng đi có đồng chí Bảo và đồng chí Kỳ.

- Thời gian ở Trung ương Cục: ít thì mấy ngày, nhiều nhất chỉ một tháng.

- Thời điểm có mặt ở miền Nam: trước khi mở màn đợt 3.

Đây là đề nghị rất nghiêm túc của Bác, vì Bác yêu cầu đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị chu đáo, kỹ càng (tính ngày cho khớp), báo cho Trung ương Cục biết để bố trí hoạt động của Bác ở miền Nam. Để giữ bí mật, Bác yêu cầu đồng chí Lê Duẩn chỉ bàn với vài đồng chí trong Bộ Chính trị.

Ngày 19/3/1968, khi đang chữa bệnh tại Trung Quốc, Người gửi thư khen ngợi chiến công của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, trong đó Người căn dặn phải:

- Ý chí phải kiên quyết.

- Kế hoạch phải thật tỉ mỉ.

- Kiểm tra phải thật kỹ càng.

- Phối hợp phải thật ăn khớp.

- Chấp hành phải thật chu đáo.

- Cán bộ phải thật gương mẫu.

- Bí mật phải giữ triệt để.

Vậy tại sao giữa lúc này, Người lại đề nghị đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị cho Người đi miền Nam?

Dịp Nôen, ngày 24, 25/12/1967, khi Người có mặt ở Hà Nội để dự lễ kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến và ngày thành lập quân đội và sau đó dự cuộc họp Bộ Chính trị để quyết định cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, chắc rằng trong không khí phấn khởi, tin tưởng, đồng chí Lê Duẩn khuyên Người đi thăm miền Nam ngay sau khi miền Nam thắng lớn. Lời khuyên của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn biểu hiện sự quyết tâm cao độ và tin tưởng tuyệt đối cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ giành thắng lợi quyết định - xem như lời hứa, sau cuộc Tổng tiến công này sẽ đưa Người đi thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Năm 1911, từ bến cảng Sài Gòn, Người xuống tàu sang phương Tây tìm đường cứu nước, mãi năm 1941, Người mới trở về Tổ quốc ở mảnh đất địa đầu Cao Bằng. Vì vậy, được trở lại miền Nam để thăm hỏi động viên đồng bào và chiến sĩ luôn là khát vọng cháy bỏng trong trái tim Người, là quyết tâm của Người trong dịp này.

Theo dõi sát sao tình hình chiến sự, Người hiểu rằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam chưa thể giành thắng lợi quyết định. Cuộc chiến đấu còn phải lâu dài và gian khổ. Quả thật sau 7 năm nữa, vào mùa xuân 1975 đất nước mới thống nhất, giang sơn mới thu về một mối. Là người “tri thiên mệnh”, Bác biết rằng không thể chờ đến ngày đó. Vì chỉ hơn một năm sau, vào ngày 02/9/1969, Người đã về cõi vĩnh hằng. Vì vậy Người yêu cầu bố trí cho Người đi thăm miền Nam “trước ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Trước khi bước vào đợt 2 của cuộc Tổng công kích, từ lời khai phản bội của một sĩ quan quân Giải phóng bị bắt, toàn bộ kế hoạch tiến công của ta bị lộ. Cùng với mạng lưới tình báo, gián điệp, an ninh dày đặc, chúng ta biết rõ địch đã nắm được toàn bộ ý đồ và kế hoạch tác chiến đợt tiến công mùa hè 1968 của ta - tức là yếu tố bí mật không còn. Nhưng thắng lợi của đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta ở miền Nam đã làm nước Mỹ choáng váng, chính trường Mỹ rung chuyển dữ dội. Bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ chia rẽ sâu sắc. Những người lãnh đạo chính trị của cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu suy nghĩ đến khả năng thương lượng để kết thúc chiến tranh. Nhưng giới quân sự Mỹ chỉ huy ở chiến trường Việt Nam lại có cái nhìn khác. Qua quan sát và trực tiếp chỉ huy tác chiến chống lại cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, người Mỹ có bị bất ngờ, có bị tổn thất lớn nhưng quân Mỹ vẫn trụ vững, và ta đã bị tổn thất nặng. Họ sẵn sàng tiếp tục đương đầu với các cuộc tiến công của chúng ta vì họ cho rằng Việt cộng ở trong rừng thì khó đánh, nhưng khi từ rừng núi về đồng bằng, đánh vào đô thị là cơ hội để họ tiêu diệt chúng ta. Vì lẽ đó, dù đã cố gắng ở mức cao nhất nhưng ta không giành thắng lợi quyết định như mong muốn, ngược lại đã bị tổn thất nặng nề ở đợt tiến công Hè và Thu năm 1968.

Sau đợt I, L.Johnson choáng váng mạnh, đã hội kiến với những bộ óc sừng sỏ nhất của nước Mỹ để đến ngày 31/3/1968 đã phải ra tuyên bố:

- Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.

- Bỏ chiến lược Tìm diệt thay bằng chiến lược Quét và giữ.

- Không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai.

- Ngỏ ý đàm phán với ta để tìm lối thoát danh dự.

Nghiên cứu kỹ tuyên bố của Tổng thống Mỹ, khi chưa biết ý kiến của Bộ Chính trị, ngày 3/4/1968, từ Trung Quốc, Bác gửi Bộ Chính trị Mấy ý kiến về tuyên bố của L.Johnson, đại ý:

- Đối với tuyên bố của L.Johnson, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ, không nên vội trả lời.

- Cần nghiên cứu thật kỹ trong tuyên bố đó có những điểm mập mờ xảo quyệt, như ngừng ném bom thì mập mờ; nó không nói gì đến Mặt trận Giải phóng coi như nó chỉ đánh nhau với miền Bắc thôi; nó vẫn nhắc lại công thức San Antôniô,.v.v… Lại có những điểm mâu thuẫn như nói tìm hòa bình mà lại tăng thêm quân…

- L.Johnson buộc phải tuyên bố như vậy chứng tỏ nó thất bại. S. McNamara rồi đến Westmoreland đều bị đẩy đi. Nay tự nó cũng phải tuyên bố không ra tranh cử. Vì nó hiểu dân chúng không ủng hộ nó về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Ta cũng nên theo dõi phản ứng của các nước và dư luận của thế giới thế nào?

- Khi Chính phủ ta tuyên bố, Bộ Chính trị phải xem đi xem lại thật kỹ, cân nhắc hết sức cẩn thận, để tránh sơ hở và dồn thêm Mỹ vào thế bị động.

- Trong nội bộ cán bộ, bộ đội và nhân dân, cần củng cố tư tưởng, quyết chiến quyết thắng và chớ mất cảnh giác. Tuyệt đối chớ chủ quan, vì địch có thể bất thình lình đánh lại.

- Đối với các đại sứ ta và các cán bộ đang ở ngoài cần dặn dò cho rõ ràng để ý kiến được nhất trí, tránh mỗi người nói một cách.

- Cần điện ngay cho anh em miền Nam rõ chủ trương của Bộ Chính trị để trong đó tăng cường lãnh đạo tư tưởng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.

Ngày từ nước ngoài Bác viết thư về dặn dò thì cũng là ngày ở Hà Nội, Chính phủ ta ra tuyên bố: “Sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”.

Về tuyên bố của Chính phủ ta, sau này Pitơ Apulơ trong cuốn sách Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn đã nhận xét: “Tốc độ đáp ứng của Hà Nội rõ ràng đã làm cho chính quyền L. Johnson bị bất ngờ - điều này được thể hiện qua việc giải quyết một cách lúng túng xung quanh vấn đề chủ yếu thuộc về thủ tục là triệu tập hội nghị ở đâu”[5].

Ngay tối 03/4/1968, tại Viên Chăn, Đại sứ Mỹ đã gặp Đại sứ Việt Nam và đề nghị tiếp xúc ở Giơnevơ, Việt Nam đề nghị Phnôm Pênh. Rồi sau đó hai bên nhùng nhằng lúc thì ở Viên Chăn, Rănggun, Vácxava, Côlômbô, Kátmadu Cualalămpơ, Raoapindi, Cabun, Tôkyô, Brúcxen, Henxinhki, Viên, Rôma rồi cuối cùng hai bên thống nhất gặp nhau ở Pari. Cuộc gặp đầu tiên ấn định vào ngày 10/5. Ngày 09/5 đoàn Việt Nam đến Pari. Ngày 10 và 11/1968, chuyên viên hai bên gặp nhau và ngày 13/5 đại diện chính thức của hai bên bước vào đàm phán.

Sau khi Chính phủ ta ra tuyên bố, từ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi phản ứng của Liên Xô, Trung Quốc và dư luận quốc tế.

Đối với Trung Quốc thì Bác thấy:

Ngày 03/4/1968, Nhân dân nhật báo đăng lại bài xã luận của báo Quân đội nhân dân ngày 02/4/1968 dưới đầu đề chữ to kêu gọi quân và dân ta đưa cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng và quyết tâm đánh bại mọi âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ.

Ngày 06/4/1968, Nhân dân nhật báo đăng bài bình luận dưới tiêu đề: Cuộc lừa bịp mới ngừng ném bom để dụ dỗ hòa bình của tên đầu sỏ đế quốc Mỹ L.Johnson. Trong bài bình luận có nhắc lại lời của Mao Chủ tịch: “Tất cả thế lực phản động, khi chúng sắp diệt vong thì đều tiến hành những cuộc giãy giụa. Chúng tất nhiên dùng các thủ đoạn mạo hiểm quân sự và lừa dối chính trị để hòng cứu vãn chúng khỏi diệt vong”. Bài bình luận cũng trích đăng lại lời của Hồ Chủ tịch: “Chính nghĩa ở về phía ta, đồng bào và chiến sĩ cả nước, muôn người một lòng, anh dũng mưu trí, quyết chiến quyết thắng. Chúng ta nhất định giành được thắng lợi cuối cùng”.

Đến ngày 07/4/1968 tức là ngày Bác viết bức thư này, Bác thấy Nhân dân nhật báo chưa đưa tin về lời tuyên bố của Chính phủ ta.

Từ ba việc trên đây, Bác đoán rằng: “Bạn không đồng ý với lời tuyên bố của ta, nhất là đoạn ta sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ”.

Còn đối với Liên Xô: Lời tuyên bố của đồng chí Kossiguine ở Téhéran, của báo Pravda và của TASS còn cứng rắn hơn lời tuyên bố của ta.

BBC đưa tin từ Tôkyô rằng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết là Bắc Việt đã cử đại diện để tiếp xúc với Hoa Kỳ.

Bác cũng đã biết tin Giônxơn chọn hai bợm già Hariman và Thompson để đi nói chuyện. Nay mai Mỹ sẽ giục ta đi gặp chúng. Ta tính thế nào? Bác còn cho biết Dean Rusk đã nói toạc ra: Nếu cuộc nói chuyện không có kết quả thì chiến tranh sẽ quyết liệt hơn.

Do ở nước ngoài, chưa nắm rõ được chủ trương mới của Bộ Chính trị, cho nên sáng chủ nhật, ngày 07/4/1968, Người viết một bức thư rất trang trọng: Kính gửi Bộ Chính trị, bày tỏ ý kiến của mình: “Sự thật thì nội dung đoạn đó rất đột ngột (đoạn ta sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ). Nó có thể làm cho quân và dân ta trong nuớc và bầu bạn ta ở nước ngoài lầm tưởng rằng chúng ta đã thay đổi chủ trương. Vì từ trước đến nay ta vẫn đòi Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom miền Bắc rồi mới nói chuyện. Nay Mỹ mới nói chỉ ngừng ném bom một vùng, ta đã nói sẵn sàng gặp đại diện Mỹ, v.v…

Bác tự trách mình vắng nhà quá lâu, không cùng các đồng chí bàn bạc mọi việc cho kỹ hơn.

Trong thư Bác yêu cầu: cần phủ nhận tin ta đã cử đại diện để gặp Mỹ.

Theo ý Bác thì hơn bao giờ hết, ta phải làm cho quân và dân ta nâng cao cảnh giác hơn nữa, làm tốt hơn nữa công việc phòng chống ném bom, sẵn sàng hơn nữa đập tan mọi âm mưu xảo quyệt của giặc Mỹ.

Theo ý Bác, miền Nam cứ đánh mạnh, quyết chiến quyết thắng, không cần tuyên bố gì.

Bác cũng nhắc nhở Thủ tướng Phạm Văn Đồng nên chuẩn bị ý kiến đầy đủ để giải thích khi nói chuyện với các bạn. Và nhắc nhở anh em miền Nam tuyên truyền với lính Mỹ da đen về việc bọn thống trị Mỹ đã ám sát lãnh tụ da đen - mục sư Luther King của họ, lại còn lừa dối họ bằng trò tổ chức quốc tang mục sư da đen, cho lính Garde Nationale đàn áp người Mỹ da đen biểu tình. Báo chí ta cần viết về các cuộc đấu tranh này.

Cuối thư Bác thông báo sức khỏe Bác tiến bộ nhiều. Ý nói Người muốn sớm về nước.

Khi đọc bản tin tham khảo của Trung Quốc dẫn nguồn tin Reuter cho biết: “Trong một tiệm café ở Sài Gòn. Khi nghe tin Chính phủ Bắc Việt nhận tiếp xúc với đại diện Mỹ thì sĩ quan và lính Mỹ cười nói vui vẻ. Nhưng có mấy người bồi Việt Nam thì ứa nước mắt, đột ngột…”, thì ngày 09/4/1968, Bác đã lập tức điện về yêu cầu xem kỹ tin Reuter và nêu Vài ý nghĩ về việc gặp gỡ Việt - Mỹ: “Ở miền Nam, ta phải tuyên truyền giải thích thế nào, để tránh khỏi địch dò đoán được chiến lược chiến thuật ngoại giao của ta; đồng thời tránh được đồng bào, chiến sĩ và cán bộ hiểu lầm, tưởng rằng miền Bắc lại bỏ rơi miền Nam”.

Và sự thật hai tuần sau, ngày 21/4/1968, Người đã về Hà Nội, để cùng Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu của quân và dân ta.

Ngay ngày hôm sau, 22/4, Người đã họp Bộ Chính trị, nghe báo cáo toàn bộ tình hình cuộc Tổng tiến công Tết. Về ngoại giao, Người nhắc nhở dùng lời trên báo phải cân nhắc. Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ. Nên hỏi kinh nghiệm Triều Tiên. Người đề nghị Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Đức Thọ đang ở chiến trường miền Nam về tham gia đoàn, có thể làm cố vấn. Mỹ nói ta không tin, nhưng cứ chuẩn bị người.

Về cuộc Tổng tiến công Tết, Người nhận xét: Mỹ đã phải rút S.McNamara, Westmoreland mà báo ta không có bài nào hay cả.

Từ Bắc Kinh trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nung nấu một quyết tâm sắt đá phải vào bằng được căn cứ Trung ương Cục ở Bắc Tây Ninh để cổ vũ đồng bào, chiến sĩ miền Nam cho thỏa lòng mong ước của Người. Bác âm thầm luyện tập nâng cao sức khỏe để có thể đi bộ dài ngày. Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, từ Nhà sàn của Bác đến đình Hội Đồng có con đường nhỏ rộng 1,6m và dài 260m cỏ mọc dày và không người qua lại, trở thành con đường mòn Bác đi bộ hàng ngày sau khi đi chữa bệnh về, và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Năm 1969, Đại đội 1, Đoàn Tân Trào đã rải xỉ than tôn cao con đường để Bác tập luyện. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hàng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy, đầu năm 1969, một mặt trận mới rộng rãi hơn là Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam, do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch đã ra đời. Tháng 8/1969 đoàn các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Liên minh lần đầu tiên ra thăm miền Bắc. Khi đoàn vừa đến Hà Nội thì ngày 05/8/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến tận nhà khách thăm đoàn. Trong vòng tay nồng ấm Bắc - Nam, Luật sư Trịnh Đình Thảo thật bất ngờ và xúc động khi đột ngột Bác hỏi con đường Trường Sơn trong khuôn viên nhà riêng của Luật sư giữa Sài Gòn có còn không. Luật sư Chủ tịch Liên minh không thể hiểu được vì sao một việc nhỏ như vậy trong gia đình ông mà Bác cũng biết.

Như vậy, ngoài hai con đường mòn vượt Trường Sơn và con đường mòn trên biển Đông mang tên Hồ Chí Minh chi viện cho cách mạng miền Nam, thì giữa Thủ đô Hà Nội, trong vườn Bác và tại Sài Gòn, trung tâm đầu não của kẻ thù, trong nhà riêng của một nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của miền Nam đều có hai con đường mang tên Trường Sơn, biểu hiện ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc chúng ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng.

Từ tháng 5 đến hết năm Mậu Thân 1968, do công việc rất bộn bề và sức khỏe không được tốt, Bác ít đi thăm các địa phương và hãn hữu lắm Bác mới tiếp vài đoàn của các tầng lớp nhân dân miền Bắc. Nhưng đối với miền Nam thì lại khác. Hầu như tất cả đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác đã đến tận nơi thăm hỏi hoặc mời về nhà sàn nói chuyện và ăn cơm cùng Bác. Có những anh hùng, chiến sĩ tiêu biểu của miền Nam được Bác đón tiếp nhiều lần như các chị Trần Thị Lý, Tạ Thị Kiều và các cháu thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ…

Trong những tháng ngày cam go, ác liệt này, ở những thời điểm khác nhau, Bộ Chính trị lần lượt triệu tập đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục; đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Đức Anh - Tư lệnh và Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội báo cáo, cùng với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương bàn thảo về cách mạng miền Nam. Ngoài các cuộc họp thảo luận chung, Bác cho mời riêng từng đồng chí để trao đổi tình hình và ăn cơm cùng Bác. Trong những bữa cơm thân mật ấy Bác đều kiên định yêu cầu các đồng chí lãnh đạo cao nhất của chiến trường Nam Bộ tổ chức cho Người vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh kể lại: “Bác ăn hết một bát cơm đầy rồi bảo: “Chú thấy Bác còn khỏe đấy! Chú hãy chuẩn bị cho Bác đi vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam”. Lúc này, tôi rất hiểu tâm trạng và tấm lòng yêu thương của Bác… Tôi cố nén xúc động, im lặng, chỉ “vâng”, chứ không dám hứa với Bác”[6]. Đồng chí Lê Đức Anh đã báo cáo chuyện này với đồng chí Phạm Hùng và xin phép nếu đồng chí Bí thư Trung ương Cục đồng ý thì sẽ tổ chức được chuyến đi vào Nam cho Bác. Nhưng vì chiến trường ác liệt, bất trắc khó lường nên đồng chí Phạm Hùng nói dứt khoát: “Chưa được, Bác cũng đã nói với tôi, nhưng tôi thưa với Bác khó lắm”.

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, Người đặc biệt thương và quý trọng cán bộ nữ đang chiến đấu trên chiến trường. Từ Hà Nội, Người cho làm ba chiếc lược nhỏ xinh bằng đuyara từ xác máy bay Mỹ bắn rơi trên miền Bắc, gửi tặng bà Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, chị Phan Thị Quyên - vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp thanh niên và sinh viên giải phóng. Khi nhận được món quà nhỏ này của Bác, các chị đều xúc động và cảm nhận rõ tình yêu thương bao la của Người, không chỉ dành riêng cho mỗi chị, mà cho cả đồng bào chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu.

Miền Nam luôn khắc khoải trong trái tim đau đớn và nồng ấm của Người.

 

[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chữa bệnh ở Trung Quốc, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nằm viện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chữa bệnh và nghỉ dưỡng ở Hung-ga-ri, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa từ trần hồi tháng 7/1967, đồng chí Phạm Hùng đang ở chiến trường

[2] Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 99 - 100

[3] Vũ Kỳ, sđd, tr. 103

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 423 - 424.

[5] Pitơ Apulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 255.

[6] Đại tướng Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 152

(Theo Tham luận của TS. Lưu Trần Luân - Nguyên Vụ trưởng - Ủy viên Hội đồng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; Viện trưởng Viện phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh)