flag header

Tin tứcNhàn Đàm

“Bác sĩ” không mặc áo… blouse trắng

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 384

Khởi nghiệp từ một đôi cá sấu bằng tài năng và cái tâm với loài bò sát “xấu xí”, đến nay Công ty Cá Sấu Hoa Cà (Quận 12, TPHCM) của Tôn Thất Hưng đã phình ra với hơn 1200 “công dân” cá sấu. Công ty của ông đã tạo ra nguồn hàng phong phú về thực phẩm, trang sức và may mặc, mang lại lợi nhuận hàng năm đến 10 con số, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Không chỉ vậy “anh Ba Hưng” còn mong muốn đưa Việt Nam trở thành “cường quốc cá sấu”.  Ít ai biết được để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, Tôn Thất Hưng đã phải bán hết tất cả đồ đạc trong đó có cả chiếc xe Mobylette yêu quý để mua được 2 chú cá sấu con.
Anh Tôn Thất Hưng kiểm tra trứng cá sấu
 
Người đàn ông trót leo lên lưng… cá sấu
 
Khác với hình dung về một “Võ Tòng” phương Nam chuyên bắt cá sấu, Tôn Thất Hưng xuất hiện với sự niềm nở chân thành, như móc hết ruột gan nói chuyện với người đối diện. Nếu như sự hung tợn là vũ khí để thuần phục loài cá sấu hung hãn kia thì “anh Ba Hưng” là một ngoại lệ.
 
Anh kể: “Năm 1991, khi vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Nông nghiệp Thú y, ôm tấm bằng trong tay, xin việc mấy nơi nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu. Rồi tình cờ, được người bạn mach nước Thảo Cầm Viên đang tuyển người làm trong Tổ bò sát, “nhắm mắt làm liều” tôi vào phỏng vấn và may mắn được nhận”. Từ một kẻ sắp thất nghiệp, hơn 30 năm gắn bó với loài vật xấu xí này, anh đã lập ra “Ngôi làng cá sấu Sài Gòn - Làng nghề đầu tiên của Việt Nam về cá sấu” với hơn 20ha và 1200 “công dân cá sấu”.
 
Chúng tôi hỏi anh sao lại đặt tên công ty là “Cá sấu Hoa Cà?”, anh cười: “Khi người dân phát hiện có 2 con cá sấu ở cửa biển Cần Giờ”, ban giám đốc Thảo Cầm Viên chỉ định tôi đi bắt. Sau vài ngày tìm kiếm, tôi thấy 2 con cá đang ẩn mình dưới bãi hoa cà dại và reo lên “A! Cá sấu hoa cà”. Và từ đó cái tên “cá sấu hoa cà” ra đời là do cái sự lãng mạn của anh Ba Hưng.
 
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, đối với anh đều do chữ ‘”duyên” quyết định. Nuôi cá sấu và phát triển như vậy, điều đầu tiên trong anh xuất phát từ việc thiếu… tiền. Lúc đó, có lẽ không nuôi cá sấu anh cũng không biết làm gì, anh chia sẻ. Trước đó, ở Thảo Cầm Viên có một người Campuchia tên là Gia chuyên làm công việc ấp nở trứng cá sấu. Và việc cho ấp trứng cá sấu có vẻ nhiều “phép màu khó hiểu” quá. Hưng – lúc đó là nhân viên nuôi voi của Thảo Cầm Viên – đã quyết tâm tìm hiểu. “Thầy” Gia càng giấu nghề, Hưng càng trổ tài học lỏm. Dần dần anh phát hiện ra rằng, bí quyết chính là ở thời gian và nhiệt độ, độ ẩm, chứ chẳng phải cần đến thứ đất “phải về tận Campuchia mua”. Với sự cần mẫn và quyết tâm, năm 1985 anh trở thành người mang lại kỹ thuật ấp nở cá sấu thành công đầu tiên ở Việt Nam.
 
Khi thành công với việc ấp trứng cá sấu, anh lại khiến nhiều người ngỡ ngàng với việc chăm sóc và tận dụng tất cả giá trị của nó. Tìm hiểu được người nước ngoài cho bò nghe nhạc thì thịt bò sẽ ngon hơn thì ở Việt Nam anh lại cho cá sấu nghe… nhạc Trịnh, và theo sự đánh giá của nhiều người thì thịt cá sấu sau khi ‘hấp thụ nhạc Trịnh” ngon hơn hẳn. Rồi để giảm bớt sự đau đớn cho cá sấu khi bị xẻ thịt anh thường chích điện cho cá chết, chứ không cắt đầu như các nơi thường làm.
Kiểm tra chất lượng cao cá sấu trước khi sử dụng cho bệnh nhân
 
Được mệnh danh là “Ông Vua cá Sấu” nhưng khi được hỏi về tình yêu với loài động vật này thì anh khẳng định: “Không có tình yêu với cá sấu mà chỉ biết ơn thôi. Cá sấu giúp mình kiếm tiền nhưng mình ăn nó thì sao gọi là yêu được”, anh dí dỏm. Chính từ lòng biết ơn này mà năm 2001, anh đã thả 25 con cá sấu về rừng Quốc gia Cát Tiên. Chiến dịch thả cá sấu về thiên nhiên mang tên “Happy to be home” (Hạnh phúc trở về nhà) của anh thu hút giới truyền thông trong và ngoài nước.
 
Mục đích của chúng tôi là muốn thế giới biết được, Việt Nam mặc dù kinh doanh động vật nhưng vẫn có trách nhiệm với thiên nhiên”, anh tâm sự.
 
“Sợ núi cao thì không tìm được cách leo núi”
 
Năm 2000, Tôn Thất Hưng cùng bạn bè góp vốn chính thức thành lập Công ty Cá sấu Hoa Cà. Nhưng cũng đúng lúc này khủng hoảng kinh tế trầm trọng, cá sấu rớt giá, không ai mua khiến anh điêu đứng, không còn cười chê mấy ông làm ăn phá sản rồi tự tử như người ta vẫn chiếu trên phim. Tôn Thất Hưng phân biệt rạch ròi giữa đam mê và trách nhiệm, giữa thư giãn và nghiêm túc, giữa kinh doanh và sự biết ơn. Khi đến điểm giao thoa giữa tâm huyết và sự chân thành, những lời nói của anh dường như thành chân lý. “Sợ núi cao thì chúng ta không bao giờ tìm được cách leo núi; bất kể từ đâu, chỉ cần đặt mục tiêu là sẽ đến nơi”.
 
Tôn Thất Hưng làm việc bằng cảm hứng, càng trở ngại càng thấy hứng thú, vì làm việc bằng cảm hứng nên chưa bao giờ anh cảm thấy khó khăn. Có lẽ khi khó khăn nhất là khi hoàn thành công việc, có tiền rồi mà không có mục tiêu tiếp theo thì dễ mất phương hướng”. Từ những suy nghĩ đó, anh vận động nhiều người thành lập hiệp hội cá sấu rồi đến làng nghề cá sấu, với đội ngũ nhân viên đông đảo, có chuyên môn, anh đem tất cả các kiến thức mình có được chia sẻ cho bà con nông dân, hỗ trợ con giống ban đầu… để mọi người có thể phát triển. Nhiều người thấy vậy, bảo Hưng quá dại, nhưng anh bỏ ngoài tai. Tất cả những việc anh làm không vì tư lợi cá nhân mà vì mục tiêu biến miền Tây thành vựa cá sấu.
Anh Tôn Thất Hưng và các bác sĩ kiểm tra sự phát triển xương của một cháu bé mắc bệnh xương thủy tinh sau khi được điều trị bằng cao xương cá sấu
 
Niềm hi vọng của bệnh nhân xương thủy tinh
 
Khi công việc làm ăn khấm khá lên, anh lại không cho phép mình được ngồi yên, anh tìm mọi cách chia sẻ với mọi người và cộng đồng. Anh nghĩ, cá sấu lấy thịt làm thực phẩm, da làm đồ trang sức vậy xương làm gì? Bỏ ra ngoài thì gây ô nhiễm môi trường lại vừa lãng phí. Thế là anh lân la lên mạng tìm hiểu cách “tái chế” xương cá sấu. Tình cờ anh đọc được bài báo “Đôi chân của cô bé xương thủy tinh” và biết căn bệnh này phát triển là do thiếu chất collagen. Trong khi, bản thân xương cá sấu có rất nhiều collagen mà chất này có thể cải thiện tình trạng cho những người bị bệnh xương thủy tinh. Vì vậy, anh đưa xương nấu thành cao và nhờ các bệnh viện chấn thương chỉnh hình nghiên cứu thêm về cao cá sấu trong phương pháp cải thiện cho người bị bệnh xương thủy tinh.
 
Tuy nhiên, mỗi lần gõ cửa nhà các bác sĩ, anh đều bị đuổi về vì bị cho là người đi… buôn cao. Nhưng trời không phụ lòng người, anh xách hũ cao đến nhà GS.TS Nguyễn Quang Long (nguyên trưởng Bộ môn chấn thương chỉnh hình Đại học Y Dược TPHCM) nhờ ông cho thí nghiệm trên các bệnh nhân bị bệnh xương thủy tinh. Kết quả không ngờ là 70 bệnh nhân được sử dụng cao cá sấu kết hợp với chương trình luyện tập và phẫu thuật chỉnh hình thì có 90% bệnh nhân không cảm thấy đau, không ngại va chạm và có thể tự bơi.
 
Thành công ở Việt Nam, Hưng mang công trình nghiên cứu qua Mỹ để trình bày với giáo sư thế giới. Đề án của anh được đánh giá cao nhưng lại chưa được công nhận vì thiếu yếu tố thực nghiệm. Có lẽ cách làm việc theo cảm hứng của Hưng không lạ nhưng thật ấn tượng, bởi anh dám theo cảm hứng của mình đến nơi đến chốn. Tôi cảm thấy anh như một chàng họa sĩ lãng tử: Ly rượu, cây cọ và sự chân thành với vài nét chấm phá cũng đủ để anh tạo ra một kiệt tác. Một kiệt tác có thể được vinh danh trong giải Nobel khoa học.
 
Từ những thành công ban đầu, anh lập ra nhà trẻ Kim Cương – nơi những bệnh nhi bị xương thủy tinh được nuôi dưỡng và điều trị miễn phí. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Trần Văn Năm (phó viện trưởng Viện Y học Dân tộc TPHCM) và được trị liệu theo pháp đồ “4T” (Thuốc – Tập Luyện – Tâm lý – Thực phẩm) 30 đứa trẻ có thể vô tư chơi bóng, bơi lội là cả một quá trình cố gắng, phấn đấu của chính bản thân anh.
 
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, vui chơi nhưng mang trong mình căn bệnh quái ác “chỉ cần giật mình cũng có thể gãy xương” anh Hưng chia sẻ: “Đừng thương hại các em, đừng xuýt xoa và khóc. Bởi các em cũng là những người bình thường khác. Hãy để các em tự lập và hành động như một người bình thường”.
 
Tôn Thất Hưng luôn nghĩ rằng những gì mình nhận được cũng cần phải cho đi. Nỗi khổ tâm của anh không biết chia sẻ cùng ai, cứ đến rồi tự chịu, lúc nào cũng chỉ một mình. Hơn nửa cuộc đời Hưng dành cho việc lóc xương, lột da cá sấu và cũng chỉ có cá sấu mới đem lại thành công cho anh. (Anh đã từng nuôi bò lấy sữa nhưng chúng chết hết, nuôi hươu lấy nhung cũng thất bại và lập một trang trại nuôi chó béc-giê cũng chẳng đi đến đâu). Tự đặt cho mình một mục tiêu cho những năm tháng còn lại là “trẻ nào bị bệnh xương thủy tinh đều phải nhận được thuốc”. Với Tôn Thất Hưng không có mục tiêu nào là lớn hay nhỏ, khi anh làm việc đến nơi đến chốn, dẫu cho thành công hay thất bại. Có lẽ sự nhiệt thành quá đỗi với cuộc đời, 56 cái xuân thời – Người đàn ông trót leo lên lưng cá sấu này vẫn còn là kẻ đơn thân.
 
Cái sự thành đạt của anh đã thấm đẫm trong chiếc áo sơ mi bạc màu, khuôn mặt lấm tấm nếp nhăn da cá sấu với mái đầu nồng nặc mùi mồ hôi và bèo mây nước đục. Có lẽ anh đã đúng khi khẳng định, “thành công đến từ niềm đam mê và những giọt mồ hôi”. Một con người vừa hội tụ cả trí tuệ, niềm tin và sự quyết tâm nhưng lại sợ… nghiện facebook như xem phim Hồng Kông lại làm con người ta phải suy nghĩ nhiều.

 

Hoàng Minh