flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Ngày đăng: 11-10-2021 Lượt xem: 1419

 

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" do đồng chí Võ Văn Thưởng- Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký và ban hành ngày 22/9/2021 (Kết luận số 14) không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên/lá chắn để bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các nhà khoa học

đang làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty VABIOTECH -

các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 _Ảnh: VGP

 

1. Từ "Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đến "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá"

Thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng đã cho thấy: Việc cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” có vai trò quan trọng không chỉ đối với vấn đề hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước nói chung và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng. Trước những khó khăn, thách thức của thực tiễn, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là sự quyết tâm, táo bạo, dám ra quyết định đột phá của người cán bộ lãnh đạo, để họ không chỉ hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó mà trong những trường hợp cụ thể có thể tránh được những tổn hại không cần thiết cho tập thể, cộng đồng.

Thực tế là, trước khi có Kết luận số 14, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW khóa VI, ngày 20/6/1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI) đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vào trong hệ tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: "Tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ lãnh đạo là phẩm chất chính trị, trước hết thể hiện ở lòng trung thành với đường lối của Đảng, ở thái độ tích cực đối với công cuộc đổi mới, ở sự trung thực đối với Đảng; có quyết tâm cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, có lối sống trong sạch, lành mạnh; có kiến thức và năng lực tiếp thu và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào lĩnh vực mình phụ trách, biết tổ chức và điều hành công việc, có khả năng đoàn kết cán bộ; có phong cách dân chủ tập thể, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, sâu sát quần chúng và cơ sở; có ý thức tổ chức kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm". Với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI, lần đầu tiên, Đảng ta coi “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một phẩm chất cần phải có; đồng thời, đó cũng là một tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Những năm sau đó, cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng và thực tiễn công tác cán bộ của Đảng, tại Đại hội XII (1/2016), nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, vấn đề “đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,… để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”[1] đã được đề ra. Thực tế cũng cho thấy, công tác đánh giá về đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng bên cạnh những nhận xét, đánh giá của các cơ quan chức năng, v.v.. thì cơ bản vẫn dựa vào "lá phiếu". Vì thế, trong những trường hợp cụ thể, có cán bộ sáng tạo trong suy nghĩ và thực thi nhiệm vụ, đột phá triển khai công việc có lợi cho tập thể, mang lại hiệu quả thiết thực, song lại không "vừa lòng" một ai đó/một số người nào đó, cho nên khi tiến hành đánh giá bằng "phiếu" thì thường sẽ bị thấp/mất phiếu. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, việc "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của cán bộ không đồng nghĩa với làm liều, với việc nhân danh "sáng tạo, đột phá" để mưu lợi ích cho bản thân hoặc nhóm lợi ích; lại càng không phải là quyết định triển khai một ý tưởng, một công việc bất chấp cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng vào cuộc sống, Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ - Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” không chỉ đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, mà còn lần đầu tiên nêu rõ trong phần "2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ" - một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải "bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung". Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý, được chân lý kiểm nghiệm, vì thế, báo cáo đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII tại Đại hội XIII (1-2/2021) đã nhấn mạnh yêu cầu cần phải “có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[2].

Từ khuyến khích, đề ra yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đến yêu cầu cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" là một bước tiến; đặc biệt, yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng. Yêu cầu cần phải có "cơ chế" đó là đòi hỏi của thực tiễn, để không chỉ giúp mỗi người cán bộ khi quyết định sáng tạo "đột phá" được yên tâm hơn trong quá trình thực thi thí điểm những sáng tạo của mình, mà còn đồng thời cho thấy ý nghĩa lịch sử và giá trị thời sự lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng tuyệt đối không nên "theo đuôi" quần chúng” được nêu ra trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc từ tháng 10/1947.

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại cũng đã từng có tấm gương những người cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc- người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; có Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”; có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”,v.v.. Đặc biệt, những quyết định “xé rào, bung ra” của nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt; của nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm "Kế hoạch 3 phần"; của bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của Thành phố mang tên Bác từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980… cũng chính là những minh chứng sinh động cho thấy: Từ trong thực tiễn đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà còn phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn sáng tạo trong từng suy nghĩ và việc làm, "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" vì lợi ích chung của nhân dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đến thăm bệnh nhân COVID - 19

là chiến sĩ công an công tác tại quận Tân Phú đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

2. Kết luận số 14 là một đột phá trong khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ cán bộ

Trước Kết luận số 14, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung". Tuy nhiên, trong hệ thống văn kiện của Đảng cũng chưa có quy định nào để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo, song đó luôn là những việc mới và khó, lại chưa có tiền lệ. Cho nên, khi khai phá "mở đường và triển khai thực hiện" có lúc hái được quả ngọt và cũng có khi rủi ro/kết quả không đạt được như mong muốn. Hơn nữa, thời gian qua, khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì không phải là không có xu hướng co lại, không dám nghĩ, không dám đột phá, sáng tạo ở một vài địa phương, cơ quan, đơn vị. Do vậy, sự ra đời của Kết luận số 14 thực sự là một đột phá, một cứu cánh để cán bộ phát huy sức sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn; đồng thời, góp phần bảo vệ họ.  

Kết luận số 14 nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thì cần phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trên tinh thần đó, Kết luận số 14 nhấn mạnh yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời, Kết luận số 14 cũng nêu rõ, cấp ủy, người đứng đầu không chỉ khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách… mà còn tạo điều kiện để cho những thí điểm đột phá, sáng tạo nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn được triển khai khi: 1- Những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ được báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; 2- Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng (quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện).

Cùng với đó, việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm theo Kết luận số 14 là rất quan trọng, góp phần để những đề xuất sáng tạo, đột phá của cán bộ vừa được thực thi vừa được bảo vệ bằng cơ chế.

Đặc biệt, những nội dung: 1- Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. 2- Yêu cầu xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 3- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó; đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao…trong Kết luận số 14 này chính là điểm nhấn quan trọng để "mở đường", "cởi trói" cho cán bộ sáng tạo và cống hiến nhiều hơn trước đòi hỏi của thực tiễn.

Kết luận số 14 không chỉ khuyến khích mà còn bảo vệ cán bộ khi những ý tưởng "xé rào" của họ (đổi mới, sáng tạo trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung) được cấp ủy, người đứng đầu ủng hộ, phê duyệt và tạo điều kiện để triển khai hoặc thí điểm thực hiện. Đặc biệt, Kết luận số 14 chỉ thực sự là "liều thuốc hiệu nghiệm", đi vào cuộc sống khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trong địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai hoặc thực hiện thí điểm được những đề xuất đổi mới, sáng tạo của họ. Đây chính là "chìa khóa" để sự khuyến khích sáng tạo và bảo vệ sự sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ được thành công.

TS. Văn Thị Thanh Mai

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.206 - 207

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.243