flag header

Tin tứcTin tức

Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường đấu tranh, giải phóng dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 07-11-2019 Lượt xem: 10428

             Năm 1917, cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Đây là cuộc cách mạng triệt để đã “biến người nô lệ thành người tự do”.

1. Chiều 31-8-1858, thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) nổ súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Một dân tộc suốt hàng nghìn năm sống yên lành dưới lũy tre làng nay bỗng rung chuyển bởi tiếng gầm đại bác. Cùng với tiếng gào thét của đại bác ấy, số phận của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam từ đây cũng ngả nghiêng theo.

Đâu phải người Việt Nam khi ấy không có lòng yêu nước cháy bỏng thiết tha. Tất cả những thất bại của lớp tiền bối đi trước cuối cùng đã được lịch sử chứng minh là do không có một đường lối cứu nước đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến.

2. Năm 1911, có một người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Người thanh niên ấy mặc dù rất khâm phục các chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…nhưng không hoàn toàn đồng ý với con đường của các cụ. Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[1].

Trong cuộc hành trình này, Người đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và gần 30 nước. Chứng kiến đời sống khổ cực của nhân dân các nước thuộc địa và ở ngay cả người dân chính quốc và bản thân cũng trải qua những ngày cơ cực nên Nguyễn Tất Thành sau này đã rút ra một chân lí: “Nhân dân lao động trên thế giới ở đâu cũng là bạn; chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù”. Năm 1917, một sự kiện không chỉ gây chấn động toàn thế giới mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Ái Quốc: Cách mạng tháng Mười Nga thành công, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người nô lệ đứng lên tự giải phóng cho mình.

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản – Quốc tế III do Lênin sáng lập ra đời. Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản.

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh cho biết thêm rằng: trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ[2]”.

Tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

3. Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết cuốn “Đường cách mệnh” làm tài liệu huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Trong tác phẩm viết về đạo đức cách mạng quan trọng và sớm nhất này, những bài học của cách mạng thế giới đã được Hồ Chí Minh đưa ra phân tích để rồi Người rút ra chân lý rằng trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Và, muốn cách mệnh thành công thì phải theo chủ nghĩa Lênin. Điều này đã người nhiều lần khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[3]” để rồi từ đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước để xây dựng nên một chính đảng cách mạng. Về sự cần thiết của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “…Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sự sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó tựa như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn[4]”.

          Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc. Đi theo con đường của Lênin vĩ đại, những người Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc; xây dựng đất nước trong hòa bình và đã thu được những thành quả to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nền kinh tế tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới trong 30 năm đổi mới với bình quân trên 6,5%/năm. 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi các nước kém phát triển với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.584 USD. Công cuộc xóa đói giảm nghèo thu được thành tựu to lớn từ trên 50% xuống còn 5.35% hiện nay; trình độ dân trí của người dân không ngừng được nâng cao; tuổi thọ bình quân tăng nhanh; chính trị ổn định; các mặt xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ.

Từ một dân tộc không có tên trên bản đồ thế giới trước năm 1945, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới, có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, cơ quan quyền lực nhất của tổ chức quốc tế lớn nhất, rộng rãi nhất….Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao….

Là một dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam vẫn sẽ không quên Cách mạng Tháng Mười Nga và vẫn không quên công ơn của Lênin.

                                                                         Hồng Phúc

 

[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.11.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr.128

[3] Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr. 314
 

[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.570-571