flag header

Tin tứcTin tức

Cái kết buồn của kẻ phản động vong quốc!

Ngày đăng: 11-08-2018 Lượt xem: 11606

(Codotphcm) Trên một số đài báo, trang web phản động vừa cho biết: “Bùi Tín vừa qua đời tại bệnh viện André Grégoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp, lúc 1 giờ 25 phút sáng (giờ địa phương) Thứ Bảy, 11 Tháng Tám, hưởng thọ 91 tuổi”. Vậy là một con người từng nhiều năm chống đối nhà nước, chống đối chế độ XHCN Việt Nam đã phải lìa bỏ cõi trần trong cô độc, trong sự ghẻ lạnh của nhân dân Việt Nam. Một cái kết buồn!

Bùi Tín từng được biết đến với một quá khứ huy hoàng của gia đình và từ vị trí của chính mình từng là phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, và từng là đại tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Ông là con của Bùi Bằng Đoàn, từng là Thượng Thư Bộ Hình của triều đình Huế và từng là chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong Cách Mạng Tháng Tám 1945, ông trở thành người hoạt động chính trị về mặt báo chí. Sau đó ông gia nhập Việt Minh, nhập ngũ năm 18 tuổi, vừa cầm súng và nổi tiếng khi viết cho báo Quân Đội Nhân Dân với bút danh Thành Tín.

Bùi Tín (1927 - 2018)

Tuy nhiên, là người có tham vọng lớn và mắc bệnh thèm địa vị, trước biến cố của Liên Xô và các nước trong hệ thống XHCN vào cuối thập niên 90, vị đại tá này đã “tiên đoán” rằng chỉ vài tháng nữa, nước Việt Nam XHCN rồi cũng sẽ bị sụp đổ và nhanh chóng lên kế hoạch “chiêu hồi” với những mong sẽ quay trở lại với vị thế cao hơn. Tháng 9 năm 1990 Bùi Tín được cử sang Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L’Humanites (Nhân Đạo, báo của Đảng Cộng sản Pháp), do đã cấu kết với các tổ chức chống cộng từ trước, Bùi Tín trốn ở lại, rồi xin tỵ nạn chính trị tại Pháp, với lý do là để “đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền”. Và để bắt đầu con đường chống lại chế độ, phản lại dân tộc, ông ta đã trả lời phỏng vấn các đài quốc tế, viết bài, viết sách, nói chuyện… bằng mọi cách thức miễn là để chứng minh được với các quan thày hải ngoại rằng ông ta là một tên vong nô số 1. Bùi Tín lớn tiếng xuyên tạc tình hình trong nước, đả phá cái chế độ mà mới ngày hôm qua đây thôi còn trọng dụng và nuôi dưỡng ông. Cực đoan hơn, ông ta còn xuyên tạc và bôi nhọ Bác Hồ - người đã hy sinh suốt cuộc đời vì dân, vì nước, Cũng là người đã tạo điều kiện để Bùi Tín được phát triển. Bùi Tín cũng là tác giả nhiều cuốn sách xuyên tạc, bôi nhọ chế độ XHCN, như Hoa Xuyên Tuyết (1991), Mặt Thật (1995). Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Bùi Tín cũng lại trả lời phỏng vấn RFI bôi nhọ vị Tướng kính yêu của cả dân tộc chúng ta. Tuy nhiên, những hành vi chống phá này của Bùi Tín đã không làm thay đổi được thực tế về sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của đất nước, của nhân dân ta ngày nay.

Cũng thật đáng thương hại cho Bùi Tín. Khi về già, giống như bao người bình thường khác, Bùi Tín cũng đã nghĩ đến hậu sự của mình cũng mong muốn có một mái nhà bình yên, con cháu vui vầy khi về già và nhất là khi ốm đau được người thân chăm sóc, khi ra đi, linh hồn mình được thấy người thân đưa tiễn thương tiếc, khóc than và hơn hết được nằm ở đâu đó gần gũi với quê hương và được con cháu thỉnh thoảng đến viếng thăm. Tất cả những điều giản dị tưởng như tất yếu với những người bình thường thì với Bùi Tín đó chỉ là những giấc mơ không có thật. Bởi ngay khi còn sống, người thân, gia đình, đồng đội, bè bạn đã chôn chặt ông ta với tấm bia miệng ghi rõ “sống nhục, chết càng nhục”. Nhà báo Tường An Ca Dao (một nhà báo người Việt sống ở Pháp) cho biết, từ năm 2011 Bùi Tín đã viết tâm thư cho các bạn bè, người thân và viết di chúc. Trong di chúc của mình ông muốn khi chết được hoả thiêu. Tuy nhiên vào lúc này nhà báo Tường An, người được Bùi Tín tin tưởng thực hiện di chúc chưa thể cho biết tro cốt của ông ta sẽ được đưa đi đâu?

Dân gian ta có câu: “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” -  dù đi đâu nhưng vào lúc gần cuối của cuộc đời vẫn muốn quay về nơi mình đã sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn. Cái kết cuối đời của Bùi Tín là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những ai đã và đang hành động chống lại quê hương, dân tộc phải suy xét nhiều hơn để hành động đúng hơn và sáng suốt hơn trong cuộc sống của chính bản thân mình.

Cờ đỏ Tp. Hồ Chí Minh