flag header

Tin tứcChống DBHB

Cần tỉnh táo trước những thông tin quy chụp!

Ngày đăng: 05-08-2020 Lượt xem: 1227

Mới đây, bộ phận tham mưu của Ban Tổ chức Hội nghị đã có nhầm lẫn khi chuẩn bị bài phát biểu cho Thủ tướng tại Hội nghị "Gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ" nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng ở thông tin về nhân thân một số văn nghệ sĩ. Rất nhanh chóng, Ban Tổ chức Hội nghị đã có lời xin lỗi đăng trên trang thông tin điện tử của Tạp chí Tuyên giáo[1], đồng thời đăng trên nhiều trang báo khác, trong đó có Quân đội nhân dân, Vietnamnet, Thể thao – Văn hóa, Báo Tin tức… Dù vậy, một số người có thành kiến đã “chụp” rất nhanh lấy dịp này để đưa ra những lời công kích, suy cho cùng chỉ là sự lợi dụng một “cơ hội” để bộc lộ thái độ hằn học, thiếu tính xây dựng, thậm chí phá hoại, của họ!

 

1. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (xuất bản năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”[2].

Trong bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28-11-1959, được Báo Nhân dân số ra ngày 9-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lenin có nói rằng: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài”[3].

          Ở phương Đông, từ lâu cũng đã có câu cách ngôn: Chỉ có hai hạng người không bao giờ có sai lầm, đó là những người chưa sinh ra đời và những người đã chết.

Hay trong thể thao, nhiều người vẫn nói, sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá. Vì trọng tài dù tinh mắt, giàu kinh nghiệm, có thái độ khách quan nhưng trong những tình huống diễn ra rất nhanh, lại bị những yếu tố khác tác động, vẫn có thể đưa ra những quyết định sai lầm.

Như vậy, sai lầm, khuyết điểm là điều khó tránh khỏi trong quá trình hoạt động của bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ tổ chức nào. Chúng ta khẳng định như thế không phải để che đậy hay làm nhẹ đi các sai lầm, khuyết điểm của người khác, nhất là với cán bộ, đảng viên hay với tổ chức đảng, mà chính là để có thái độ đúng đắn với sai lầm, khuyết điểm của bất kỳ ai. Điều quan trọng với người đã mắc sai lầm vẫn là thái độ cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận và có biện pháp khắc phục, sửa chữa hợp lý.

2. Tại cuộc họp báo trực tuyến lần thứ hai diễn ra vào tối 6-7-2006 (giờ Moscow), với 2 giờ 15 phút, Tổng thống Nga Putin đã trả lời 49 trong tổng số hơn 150.000 câu hỏi gửi đến từ hai website Yandex.ru (Nga) và bbc.co.uk (Anh). Về quyền mắc sai lầm của nguyên thủ, ông Putin nói: "Nguyên thủ trước hết là một con người, rồi sau đó mới là chính khách”[4]. Dù không trả lời cụ thể rằng nguyên thủ có sai lầm hay không nhưng lời nói đó của ông Putin cho thấy ông không tránh né việc một nguyên thủ có thể mắc sai lầm, vì trước hết đó là con người.

Nếu nhắc đến một nguyên thủ có nhiều sai lầm, hẳn chúng ta không thể “quên” Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Các công cụ xác minh tuyên bố chính trị bỗng dưng làm không hết việc dưới thời ông Donald Trump - vị tổng thống Mỹ mà theo tờ Washington Post đã đưa ra hơn 16.000 tuyên bố sai sự thật trong 3 năm đầu tại Nhà Trắng. Chỉ riêng trong đại dịch Covid-19, ông Trump đã có ít nhất 5 phát biểu sai lệch đáng chú ý! Chẳng hạn, ông từng nói: "Không ai ngờ sẽ có một đại dịch hay dịch bệnh lây lan ở quy mô như thế này" hay "Covid-19 sẽ biến mất. Một ngày nào đó, giống như một phép màu, đại dịch sẽ biến mất" hoặc "Người dân Mỹ sẽ sớm có vắc xin, tôi nghĩ là sẽ tương đối sớm thôi"…[5] Chúng ta đều biết, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố của ông, Mỹ dần trở thành quốc gia bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất, tính đến ngày 4-8-2020, nước này có hơn 4,862 triệu ca nhiễm, gần 159.000 người tử vong[6] và đến nay tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Hay ông Trump từng xem nhẹ việc đeo khẩu trang, thậm chí cười nhạo những chuyên gia đề nghị bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang nhưng rồi đến tháng 7-2020, ông phải kêu gọi dân Mỹ “đeo khẩu trang là yêu nước”!

Hay trong một tweet đăng ngày 7-6-2019, Tổng thống Trump viết: “Họ [NASA] nên tập trung vào những thứ to lớn hơn như sao Hỏa (mà Mặt Trăng là một phần của nó), quốc phòng và khoa học”. Tuyên bố này của ông Trump trái ngược hoàn toàn với ý kiến của ông chưa đầy 1 tháng trước. Vào tháng 5, tổng thống Mỹ đã khen ngợi nỗ lực trở lại Mặt Trăng của NASA. Không chỉ vậy, những người có kiến thức khoa học đều ngạc nhiên với hiểu biết của ông Trump, khi cho rằng Mặt Trăng là một phần của sao Hỏa, trong khi không có sự liên hệ giữa Mặt Trăng và sao Hỏa, hành tinh nằm cách đó khoảng 225 triệu km![7]

3. Sai lầm về mặt kiến thức đối với một số văn nghệ sĩ của những người tham mưu bài phát biểu cho Thủ tướng tại Hội nghị nói trên là đáng tiếc. Chúng ta có thể phê bình những người trực tiếp chấp bút văn bản, đồng thời sự việc trở thành một bài học kinh nghiệm chung rất sâu sắc cho rất nhiều người, không chỉ những người làm công việc tham mưu mà còn những người có trách nhiệm duyệt văn bản hay những người ban hành các quyết sách.

Vậy chúng ta có thể ứng xử như thế nào với sai lầm của người khác để thể hiện mình là một người văn minh và độ lượng? Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta dù không chủ ý nhưng đã thể hiện được điều đó khi đánh giá vấn đề một cách nhẹ nhàng, chừng mực. Chúng ta dù không thể chấp nhận sự nhầm lẫn, sai sót đó nhưng hoàn toàn chia sẻ với áp lực công việc, thông cảm với khối lượng kiến thức phong phú được tích hợp trong một bài phát biểu. Hoặc nếu chúng ta chưa có sự chia sẻ, thông cảm đó thì hẳn chúng ta cũng thể lấy đó làm lý do để công kích một cơ quan, một tổ chức, lẽ dĩ nhiên càng không thể phê phán một hệ thống, một chế độ.

4. Ấy vậy mà có những người rất “nhiệt tình” làm cái “công việc” đó. Họ làm vì động cơ gì? Có lẽ không khó để nhận thấy. Nếu là người có tinh thần trách nhiệm, có ý thức xây dựng, có sự độ lượng thì hẳn họ sẽ không làm những điều sau: quy chụp một sự việc cụ thể thành một “lỗi hệ thống”; biến lỗi của một (hoặc một vài người) thành lỗi của rất nhiều người, trong đó có các vị lãnh đạo; sử dụng thuật ngụy biện để mê hoặc người đọc hay làm cho họ nhận thức sai lệch về bản chất sự việc theo ý đồ của mình; dùng những lời lẽ nặng nề, thô tục để quy kết; khuyến khích, dẫn dắt người khác bình luận quá đà ở bài viết về vấn đề đó của mình…

Có lẽ mục đích sâu xa của những người này không quá khó để nhận thấy, đó là bôi nhọ cá nhân các vị lãnh đạo, từ đó hạ thấp uy tín của Đảng, của Nhà nước và đi xa hơn là phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ muốn biến một “điểm” thành “diện”, tức là đánh đồng một sự việc đơn lẻ thành một bức tranh chung về Đảng, về đất nước. Đó là cách họ đã làm ở nhiều trường hợp khác, nhiều vụ việc khác; chẳng hạn khi có một vài chiến sĩ công an tiêu cực thì họ hê lên rằng toàn bộ lực lượng này chẳng qua là “công cụ trấn áp của Đảng” chứ không quan tâm đến người dân, trong khi nếu không có lực lượng công an nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung thì trật tự, an toàn xã hội ở nước ta không thể được các nước đánh giá là một nước yên bình bậc nhất thế giới. Hay khi Đảng ta phát hiện một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực thì họ lại quy thành bản chất của Đảng là tham nhũng, là lợi ích nhóm, là tìm mọi cách tước đoạt của cải của đất nước và của nhân dân…, mà quên mất rằng sự phát triển của đất nước trong mấy mươi năm đổi mới chính nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, thông qua các đảng viên cụ thể, đồng thời nếu Đảng không giữ nghiêm kỷ luật thì liệu có thể phát hiện hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, tiêu cực, tham nhũng?

Sự quy chụp một cách bừa bãi, tùy tiện của các phần tử cơ hội chính trị, chống phá Đảng và Nhà nước, đu bám các tổ chức phản động nước ngoài… tuy là thủ đoạn không mới nhưng có thể làm một số người nhẹ dạ tin theo. Do đó, mỗi người khi tiếp nhận các nhận định có biểu hiện đi quá xa bản chất sự việc cần bình tĩnh suy xét, phân tích, lý giải và đối chiếu với nhiều nguồn thông tin khác. Có như vậy mới hạn chế được sự cả tin rồi vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho các phần tử đó!

NGŨ YÊN

 

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.323.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 12, tr.335.

[4] Duy Văn – Sơn Nguyễn, Quyền mắc sai lầm của một nguyên thủ, Báo Tuổi trẻ ngày 8-7-2006.

[5] 5 phát biểu sai lầm nhất của Tổng thống Donald Trump về đại dịch Covid-19, Vietnambiz.vn, ngày 31-3-2020.

[6] Ta có thể so sánh thêm: Trong gần 15 năm trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, Mỹ có hơn 58.000 người chết và mất tích.

[7] Tổng thống Mỹ lại bị cười vì nhầm lẫn khó hiểu, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn), ngày 8-6-2019.