flag header

Tin tứcChống DBHB

Cảnh giác với luận điệu kêu gọi không đi bầu cử vì phòng chống dịch Covid-19

Ngày đăng: 15-05-2021 Lượt xem: 1461

Hiện nay, một số trang mạng của các thế lực xấu đang ngấm ngầm kêu gọi người dân không đi bầu cử. Luận điệu của họ thoạt nghe có vẻ hợp lý: “Đi bầu làm gì, người đã sắp đặt ai trúng cử hết rồi!”; “Không cần đi bầu, không có mợ thì chợ vẫn đông”; “Đang lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chen vào chỗ bầu để cùng nhau bị nhiễm à?”…

Đưa hòm phiếu tới nơi đang cách ly. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Những luận điệu như vậy nhìn chung không làm lung lạc được nhiều người bởi không đúng với thực tế và để lộ ra ý đồ không tốt. Tuy nhiên, với một số người ít thông tin, cả tin thì có thể có những ngộ nhận nhất định.

Trước hết, bầu cử là quyền và trách nhiệm của mỗi cử tri. Với mỗi người, quyền và trách nhiệm gắn liền với nhau, không ai chỉ có quyền mà không có trách nhiệm hay nghĩa vụ. Do đó, mỗi cử tri đi bầu cử là thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, gắn với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều người nói, kỳ bầu cử là ngày hội non sông; đã là ngày hội trong lúc mọi người hăng hái, nô nức đi bầu mà bản thân không tham gia có nghĩa là tự mình đứng bên lề ngày hội đó.

Còn bảo “không mợ thì chợ vẫn đông” đó là luận điệu phủ nhận vai trò cá nhân của từng người trong một hoạt động tập thể. Một tập thể hay một cộng đồng chắc chắc phải được kết hợp từ các cá nhân riêng lẻ, không có tập thể hay cộng đồng nào tự dưng mà có nếu không được hình thành từ những cá nhân. Vì vậy, trong tất cả các hoạt động chung, cần có sự tham gia của các cá nhân, trong nhiều trường hợp, sự thiếu vắng một vài cá nhân có thể tập thể hoặc cộng đồng sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, nếu ai đó nói: “Mọi người cứ đeo khẩu trang, một mình tôi không đeo cũng không ảnh hưởng gì” thì rõ ràng công tác phòng chống dịch Covid-19 có thể sẽ không thành công, do nguy cơ lây lan từ cá nhân đó là không nhỏ.

Trong công tác bầu cử, nhiều người cho rằng “Đảng cử dân bầu” mà Đảng cử ai thì người đó đều gần như trúng cử (?). Trên thực tế, Đảng lãnh đạo để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp nhưng Đảng không thể quyết định người nào sẽ trở thành ứng cử viên (do quy trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó), cũng không thể quyết định được ai trúng cử. Chúng ta đọc tiểu sử của các ứng cử viên thì đến cuối sẽ có câu: “Ông/bà… được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam … giới thiệu ra ứng cử đại biểu…, đơn vị bầu cử số…, quận/huyện”. Như vậy, Đảng đã chọn lựa và cử một số cán bộ của Đảng (theo một cơ cấu nhất định, với những tiêu chuẩn khắt khe) để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu người đó ra ứng cử.

Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng không làm thay các công việc của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người nào trúng cử là do cử tri quyết định trên cơ sở nhìn nhận về năng lực, phẩm chất, mức độ tín nhiệm. Trong một cuộc bầu cử có số dư (trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, số dư thậm chí lên đến 100%) thì cơ hội của các ứng cử viên cơ bản là như nhau. Nói “nhìn vào danh sách ứng cử thì biết ai trúng cử” thực chất là… đoán mò, không có căn cứ nào cả!

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 gắn với hoạt động cầu cử, các cơ quan chức năng đã triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa dịch trên tinh thần đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết. Ngày 4-5-2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban  hành hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cần thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trao đổi, thống nhất với ủy ban bầu cử cung cấp quyết định tổ chức số lượng cuộc tiếp xúc cử tri phù hợp để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch theo quy định. Với những địa phương có đường biên giới trên đất liền, những địa phương đã phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng và những địa bàn khác có nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh, số lượng cuộc tiếp xúc cử tri cần được cân nhắc tổ chức hợp lý và phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch. Thời gian qua, nhiều cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, có giới hạn số cử tri tại một khu vực và bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.

Còn Bộ Y tế yêu cầu ủy ban bầu cử các địa phương phải tổ chức các khu vực bỏ phiếu đều được đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn các bề mặt và hòm phiếu, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh thực phẩm; các sở y tế bố trí tổ cấp cứu ngoại viện, mỗi tổ gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và có xe cứu thương đủ thiết bị kèm theo; mỗi điểm bầu cử bố trí một cán bộ y tế và có phương án xử trí các trường hợp như ngộ độc hàng loạt, cấp cứu…

Tại TP.HCM, ngoài việc tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế, Ủy ban Bầu cử thành phố yêu cầu bố trí lực lượng kiểm tra, hướng dẫn y tế và giám sát người tham dự; sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Các tổ phụ trách bầu cử phải chuẩn bị phương án phòng chống dịch Covid-19 trong ngày bỏ phiếu theo các khu vực khác nhau. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, tổ phụ trách bầu cử tăng cường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu. Xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2 m giữa những người tham dự. Hướng dẫn quy trình bầu cử, phân luồng ra và vào một chiều. Bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư… Trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà…

Như vậy, công tác phòng chống dịch vẫn tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm ngặt trong đợt bầu cử. Với ý thức trách nhiệm của mỗi cử tri, khi đến tham gia bầu cử cần bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch, đặc biệt là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, giữ khoảng cách an toàn và rời ngay khu vực bỏ phiếu sau khi thực hiện xong việc bỏ phiếu… Dĩ nhiên, việc lựa chọn giờ bỏ phiếu cũng rất cần thiết, để tránh tập trung cùng lúc quá đông người.

Chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn nữa là đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Mỗi công dân và nhất là mỗi cử tri cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình và sáng suốt lựa chọn những người thực sự đủ đức, đủ tài tham gia vào các cơ quan đại diện của nhân dân, nhằm góp phần xây dựng đất nước, xây dựng địa phương giàu mạnh!

NGŨ YÊN