Ngày đăng: 05-06-2020 Lượt xem: 1859
Vài tuần gần đây, liên quan đến dịch Covid-19, khi tình trạng đã cơ bản được khống chế, có lẽ người Việt Nam quan tâm nhiều đến tình trạng của “bệnh nhân 91”, một phi công người Anh đã nhiễm bệnh từ “ổ dịch” Buddha Bar (quận 2). Ban đầu, không ít người nghi ngại diễn biến phức tạp đến bệnh nhân này, nhất là khi có thông tin việc thay phổi khó thực hiện. Thế nhưng, sau đó, nhiều người lại theo dõi các tiến triển tích cực về sức khỏe của bệnh nhân này và gần như vỡ òa khi biết tin anh đã thôi thở máy, bắt đầu nhận biết được nhiều điều xung quanh. Thực sự có nên xem đây là một trường hợp kỳ diệu, ngoạn mục không?
Hôm 2-6 là lần đầu tiên bệnh nhân 91 (phi công người Anh) mỉm cười, lắc đầu hoặc bắt tay với nhân viên y tế
Đại dịch Covid-19 đã làm hơn 6 triệu người nhiễm bệnh, hơn 380.000 người đã tử vong. Trong bối cảnh đó, thêm một bệnh nhân nhiễm hay thêm một người không qua khỏi thì gần như không phải là điều gì quá bất ngờ. Thế nhưng, với bệnh nhân 91, mọi việc không phải là bất ngờ mà là đáng kinh ngạc và thần kỳ. Từ chỗ bệnh nhân có rất ít hy vọng khi tình trạng bệnh rất nặng, có lúc phổi gần như đã hỏng hoàn toàn nhưng dần dần, bệnh nhân được điều trị hết virus Covid-19 rồi tiến tới phương án ghép phổi và cuối cùng là bệnh nhân tỉnh lại, có nhận thức tích cực và đang hồi phục nhanh chóng. Nhiều người đã nói ngay: chỉ có ở Việt Nam thì điều kỳ diệu đó mới đến với bệnh nhân 91!
Câu chuyện của bệnh nhân phi công đã minh chứng cho sự nỗ lực tột độ của ngành y tế nước ta trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trước khi dịch bùng phát, hẳn không ít người lo lắng là trong điều kiện hạn chế về phương tiện, vật chất, nếu có nhiều người nhiễm cùng lúc có thể ngành y tế Việt Nam khó chữa trị được cho tất cả người nhiễm. Thực tế ở một số nước đã cho thấy, khi số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều người đã không được cứu chữa đầy đủ và kịp thời, có người được yêu cầu tự điều trị tại nhà, thậm chí không trường hợp được “chọn lựa” chữa hay không chữa; khi đó những người trẻ tuổi, ít bệnh nền, khả năng hồi phục cao ưu tiên được chọn. Còn ở nước ta, tất cả các ca nhiễm đều được chăm sóc, cứu chữa một cách tích cực, tận tình, gần như bằng mọi điều kiện có thể. Kể cả với các bệnh nhân người nước ngoài. Thái độ đó xuất phát từ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta trong việc ứng phó với đại dịch này: tính mạng và sức khỏe của con người (chứ không phải chỉ là người dân!) là quan trọng nhất!
Lâu nay, không ít người vốn có thành kiến với chế độ chính trị ơ Việt Nam hay tung ra các luận điệu sai trái về quan điểm, thái độ của Đảng và Nhà nước đối với người dân. Một số người hay so sánh một cách sai lệch về cái mà họ gọi là “sự tôn trọng nhân dân” ở các nước tư bản, từ đó nói rằng ở Việt Nam chỉ có tôn trọng nhân dân chỉ có trên lý thuyết. Nhưng qua đại dịch Covid-19, đặc biệt ở trường hợp bệnh nhân 91, Đảng và Nhà nước ta không chỉ có sự tôn trọng mà còn có sự trân trọng mạng sống của từng con người đang sinh sống ở đất nước này, chứ không chỉ là người dân Việt Nam. Thái độ nhân văn là điều không chỉ người Việt Nam mà thế giới đã nhìn nhận về Việt Nam trong việc ứng xử với đại dịch. Hẳn điều này đã làm bẽ mặt không ít kẻ cứ ra rả khen ngợi những “nền dân chủ” nước ngoài!
Điều thứ ba cũng rất đáng chú ý là năng lực y học của nước ta có thể nói đã đạt đến trình độ cao của thế giới. Trong khi nhiều nước còn loay hoay với các phương pháp xét nghiệm thì nước ta đã sớm công bố bộ kit xét nghiệm covid-19. Trong khi người dân một số nước hoang mang với các thiết bị xét nghiệm do có những thiết bị cho kết quả sai lệch thì điều đó ở Việt Nam lại gần như hoàn toàn không xảy ra. Trong khi một số nước chưa tìm được phác đồ điều trị một cách hiệu quả, dẫn đến việc người dân nước họ nghe theo tin đồn mà tự điều trị hoặc tự phòng ngừa bằng những cách thức sai lầm, thì ở nước ta, gần như tất cả các bệnh nhân đều được chữa trị thành công, bằng những phương pháp khoa học, hiệu quả, bằng chứng là bệnh nhân nặng nhất là phi công người Anh cuối cùng cũng đã qua cơn nguy kịch. Tất nhiên, Việt Nam có may mắn là số ca nhiễm không quá nhiều và mức độ tăng cũng không dồn dập nên chúng ta có điều kiện để huy động cả nhân lực, vật lực để ứng phó kịp lúc. Nhưng dù vậy, nếu không có một nền tảng khoa học y học phát triển đến tầm cao thì cũng không thể đối phó thành công như vậy.
Không phải đến thời điểm này chúng ta mới ghi nhận đầy đủ nỗ lực và tính hiệu quả của ngành y tế nước nhà mà từ nhiều tháng trước, rất đông bệnh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã tìm mọi cách về nước để được chữa bệnh, trong đó, có cả những người phải tốn rất nhiều tiền. Nhiều bệnh nhân người nước ngoài sau khi được chữa trị thành công đã phát biểu, họ tin rằng họ được sống bởi vì họ ở một đất nước như Việt Nam! Những đánh giá đó còn được nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài thể hiện với thái độ khách quan, tôn trọng sự thật.
Đến giờ này, chúng ta vẫn chưa thể đánh giá hết hậu quả của đại dịch Covid-19. Dẫu vậy, dịch bệnh này đã để lại cho chúng ta nhiều câu chuyện đẹp mà chuyện về bệnh nhân 91 là một trong những điển hình. Nhìn nhận một cách khiêm tốn, có thể Việt Nam chưa phải là hình mẫu tiêu biểu của thế giới về cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhưng nhất định Việt Nam là một điển hình về sự chăm lo cho người dân trong đại dịch này!
Do đó, bệnh nhân 91 hồi phục không chỉ là câu chuyện của một con người cụ thể mà là câu chuyện của một đất nước, một xã hội, một thể chế. Câu chuyện đó đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm!
NGŨ YÊN