Ngày đăng: 19-09-2019 Lượt xem: 2689
Ngày 18/9/2019 báo chí đồng loạt đưa tin về việc 2 nhân vật cầm đầu trong “băng cướp Alibaba” bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người ta đón nhận thông tin này cũng với rất nhiều tâm trạng khác nhau hệt như những gì mà “câu chuyện Alibaba” đã tạo ra đối với dư luận trong thời gian qua. Người thì tỏ ra hả hê cho rằng đó là cái kết tất yếu đối với những kẻ có những phát ngôn và hành vi ngông cuồng, coi trời bằng vung, vô thiên, vô pháp. Người thì nặng lời phán xét cho rằng các cơ quan chức năng đã quá chậm chạp trong việc bảo vệ người dân trước những chiêu trò lừa đảo của Alibaba để nhiều người bị lừa mất số tiến rất lớn. Người thì lo lắng “như ngồi trên đống lửa” vì không biết khi những kẻ cầm đầu bị bắt rồi thì ai sẽ là người thực hiện cam kết, lời hứa của Alibaba? Người thì tỏ vẻ nghi ngờ, không tin rằng Luyện đã bị bắt, thậm chí có một vị “luật sư” nọ (tự giới thiệu là luật sư tư vấn pháp luật cho Alibaba” còn “ bắn” thông tin trên FB cá nhân cho rằng “hình như chiều nay, cánh báo chí XHCN ăn cú lừa quá nặng về vụ Alibaba. Chuẩn bị xóa tin, gỡ bài hàng loạt để tránh bị sập tiệm”. Có lẽ vị này cho rằng, Alibaba đã có “luật sư” đại tài như mình tư vấn pháp luật thì sẽ bất khả xâm phạm?
Xung quanh câu chuyện Alibaba có rất nhiều luồng ý kiến nhìn nhận, đánh giá thể hiện từ nhiều góc nhìn khác nhau.Ở đây tôi xin chọn góc nhìn từ chính những người có thể coi là “người trong cuộc” đó là những người làm việc cho Alibaba và những khách hàng của Alibaba.
Vấn đề đặt ra ở đây là rõ ràng những dấu hiệu bất thường trong phát ngôn và hành vi của anh em Luyện, Lĩnh (có nhiều người đề nghị nên đổi thành Liều, Lĩnh), kể cả những chiêu trò mà họ thực hiện đều đã bị dư luận, các cơ quan chức năng “lật tẩy” và cảnh báo từ lâu nhưng tại sao những “người trong cuộc” lại không nhận ra để rồi đẩy mình trở thành “người tiếp tay” hoặc “ nạn nhân tự nguyện” của Alibaba.
Với những nhân viên của Alibaba, tôi tin rằng họ đã nghe, đã biết hết những thông tin mà dư luận nói về Alibaba trong thời gian qua, không những thế là “người trong cuộc” họ có thể còn tận mắt thấy, tai nghe nhiều việc làm, lời nói “động trời” khác nữa của Luyện. Hơn thế nữa tôi cũng được nghe một vài người biết việc kể về những quy định và cách hành xử rất “kỳ quái” của Luyện đối với nhân viên trong Alibaba tỷ như bắt úp mặt vào tường khi đi trễ, bị quăng điện thoại cá nhân khi sử dụng trong giờ làm việc, buộc phải tôn thờ Luyện như vị thánh tại công ty… Tôi tin chắc rằng những nhân viên này có đủ kiến thức và trình độ để nhận thức được đúng sai và hẳn đa số họ cũng là những người tử tế, có liêm sỉ để biết cách đối nhân, xử thế. Vậy thì tại sao họ cứ nườm nượp đầu quân vào đội ngũ Alibaba, tình nguyện bảo vệ cho anh em nhà Luyện (thậm chí đã có người vào tù vì nghe theo lời Luyện) để rồi bị Luyện lợi dụng, lấy họ làm “con tin” để đối phó với các cơ quan chức năng? Vì mức tiền lương cao ư? Không lẽ họ không biết mọi đồng tiền đều có giá của nó. Hay là họ bị anh em nhà Luyện bỏ “bùa mê thuốc lú”?
Với những khách hàng của Alibaba, tôi cũng tin chắc rằng đa số họ đều đã suy nghĩ, cân nhắc, tính toán, kiểm tra, đối chiếu mọi thông tin liên quan rất kỹ trước khi quyết định “ra tiền tấn” để nộp cho Alibaba. Báo chí có nêu về một số khách hàng đã dốc những đồng tiền dành dụm cả đời hoặc vay mượn khắp nơi để nộp cho Alibaba. Nếu đúng vậy thì hẳn là họ càng phải “nâng lên đặt xuống” cẩn thận gấp nhiều lần hơn những người khác. Hẳn rằng họ đã nghe, đã biết những thông tin cảnh báo của chính quyền và các cơ quan chức năng về các dấu hiệu bất thường cũng như các chiêu trò của Alibaba. Vậy thì tại sao họ vẫn không tin vào những cảnh báo này, nhiều người không hợp tác khi cơ quan công an kêu gọi trình báo về hoạt động của Alibaba, thậm chí một số ít người còn hết sức bênh vực, bảo vệ cho Alibaba? Do chiêu thức của Alibaba quá cao siêu, tinh vi hay là họ bị “ngáo đất” như cách mà cư dân mạng gọi những khách hàng này?
Đối với mỗi “người trong cuộc” có rất nhiều lý do để lý giải con đường đã dẫn họ đến việc “ dính líu” với Alibaba, với anh em nhà Luyện. Câu trả lời tại, bị, bởi của mỗi người sẽ rất khác nhau, thậm chí một vài câu chuyện sẽ cực kỳ lâm ly, bi đát. Tuy nhiên trong số đó theo tôi ít nhất sẽ có một lý do chung. Đó là họ đã mất sáng suốt, tỉnh táo khi đã tham gia hoặc không rời bỏ Alibaba và anh em nhà Luyện. Thứ đã làm họ lu mờ lý trí chính là lợi ích cá nhân, là lòng tham của chính mình. Chính vì mất tỉnh táo mà họ đã sai lầm và đương nhiên mọi sai lầm đều phải trả giá.
Bắt giữ anh em nhà Luyện không phải là hồi kết của câu chuyện Alibaba. Qua câu chuyện này mong rằng mỗi người đều thấy mình trong đó, để biết rằng câu khẩu hiệu “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” có ý nghĩ như thế nào và để học bài học về cái giá của sự sai lầm.
Châu Lưu