Ngày đăng: 09-05-2018 Lượt xem: 5039
Cách đây 73 năm, Liên Xô tham gia Thế chiến II với tư cách là một trong những quốc gia bị xâm lược, buộc phải cầm súng chống lại phát xít Đức và đã giành chiến thắng vang dội, dù chịu nhiều thiệt hại nhưng chính Liên Xô đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của lực lượng Đồng minh trước các nước phát xít. Đến nay, một số kẻ có thành kiến với lý tưởng cộng sản vẫn không ngừng đưa ra những luận điệu hạ thấp vai trò Liên Xô và ý nghĩa của chiến thắng này, đồng thời đề cao vai trò của Mỹ, Anh, Pháp… trong khi thực tế lịch sử đã chứng minh ngược lại.
Chiến thắng này có những ý nghĩa lịch sử mang tầm thời đại, xin mời bạn đọc cùng Cờ đỏ TPHCM điểm lại các giá trị lịch sử của chiến thắng này.
Thứ nhất, chiến thắng phát xít của Liên Xô đã bảo vệ được thành quả của Cách mạng tháng Mười và nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Trong 2 năm sau khi Thế chiến II bùng nổ, Liên Xô đã có nhiều hành động hòa hoãn với phát xít Đức nhằm củng cố lực lượng. Ngày 22-6-1941, Đức bất ngờ tấn công Liên Xô và nhanh chóng chiếm ưu thế. Ở các mặt trận Leningrad, Kiev…, quân Đức vây hãm và đặt Hồng quân vào thế chống đỡ khó khăn; ở khu vực Moskva, có lúc quân phát xít chỉ cách thủ đô chưa đầy 30km… Thế nhưng, từ ngày 7-11-1941, sau cuộc diễu binh kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười ở Quảng trường Đỏ, Hồng quân đã phản công dữ dội. Từ lúc này, tinh thần chiến đấu của quân dân Xô viết lên cao chưa từng có, trong khi đó, quân Đức có phần chủ quan, cộng với sự ủng hộ của thời tiết vào mùa đông năm 1941, Hồng quân bắt đầu đẩy lui các cánh quân Đức. Từ đây, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Hitler bị phá sản hoàn toàn, mở ra cục diện mới của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng như Thế chiến II[1].
Ở châu Á, từ năm 1944, phát xít Nhật bị tấn công dồn dập ở hầu hết các mặt trận và sang năm 1945, tình thế gần như đã ngã ngũ. Thế nhưng, chính sự tham chiến của Liên Xô đã tác động mạnh mẽ đến sự ngã ngũ đó, ở nhiều phương diện, như đánh bại các đạo quân chủ lực của phát xít Nhật, tạo điều kiện cho sự các cuộc phản công tại chỗ; thúc đẩy phát xít Nhật sớm đầu hàng Đồng minh…
Như vậy, chiến thắng phát xít của Liên Xô, trong đó thắng lợi quan trọng nhất là trước phát xít Đức, đã bảo vệ được nhà nước Xô viết, bảo vệ được thành quả của Cách mạng tháng Mười, nhà nước và cuộc cách mạng mà tất cả các nước đế quốc đều muốn lật đổ. Có một sự trùng hợp thú vị, năm 1918, 14 nước đế quốc đưa quân vào Nga nhằm tiêu diệt chính quyền Xô viết non trẻ nhưng đã thất bại thảm hại thì hơn 25 năm sau, cuộc xâm lược của phát xít Đức[2] không những không lật đổ được nhà nước Xô viết mà còn để nhà nước đó phản công tiêu diệt hoàn toàn chế độ của mình.
Thứ hai, chiến thắng phát xít của Liên Xô đã mở ra một cao trào cách mạng mạnh mẽ và rộng khắp trên thế giới.
Kết thúc Thế chiến II và thắng lợi của Liên Xô là điều kiện hết sức quan trọng để thúc đẩy phong trào cách mạng ở nước trên thế giới, trong đó có việc đấu tranh giải phóng đất nước của nhiều nước thuộc địa. Ở châu Á, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Lào, Brunei, Ấn Độ, Pakistan… đã giành được độc lập sau nhiều năm bị thực dân phương Tây chiếm đóng. Ở Đông Âu, trong những năm 1947 - 1949, nhân dân các nước Albania, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Nam Tư, Romania, Tiệp Khắc lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bắt đầu bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, ở hai nước có sự tranh giành ảnh hưởng sâu sắc giữa Liên Xô và Mỹ, đã hình thành nhà nước của nhân dân, đó là sự thành lập nước CHDCND Triều Tiên (năm 1948) và CHDC Đức (năm 1949). Tháng 10-1949, nước CHND Trung Hoa ra đời, kết thúc nhiều năm nội chiến, thế lực Quốc dân đảng do Mỹ bảo trợ đã bị đánh bại hoàn toàn. Những năm 1954 – 1960, hệ thống thuộc địa tan vỡ nhanh chóng, phong trào giải phóng dân tộc lan rộng sang châu Phi, Mỹ Latin, với vai trò to lớn của chủ nghĩa cộng sản, sự tác động về mặt tư tưởng và nhân sự của Quốc tế III[3] mà đứng đầu là Liên Xô.
Có thể nói, “bảo vệ được thành quả lao động kiên cường và sáng tạo trong hơn 2 thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao vị trí và uy tín của Liên Xô, của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, tạo ra điều kiện phát triển sâu rộng của các trào lưu cách mạng trên khắp các lục địa. Nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trở thành niềm tin, lương tâm và phẩm giá của nhân loại tiến bộ”[4].
Thứ ba, chiến thắng phát xít của Liên Xô đã dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt nước tư bản phản động, chủ nghĩa thực dân cũ ở nhiều nơi trên thế giới.
Chiến thắng phát xít của một nhà nước xã hội chủ nghĩa đã tác động đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Một mặt, thắng lợi này đã thúc đẩy các phong trào cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa, mặt khác đã tác động mạnh mẽ đến các nước tiến bộ thông qua những văn kiện bảo vệ quyền của các dân tộc, trong đó có Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948 tại Pháp. Trong khi đó, các nước thực dân cũ bị Thế chiến II làm kiệt quệ nên không đủ sức đàn áp các cuộc nổi dậy ở thuộc địa của mình (Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…). Đặc biệt, với chiến thắng của trận Điện Biên Phủ năm 1954, chủ nghĩa thực dân mới về cơ bản đã bị sụp đổ hoàn toàn trên toàn thế giới.
Thứ tư, chiến thắng phát xít của Liên Xô đã hình thành, củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa, làm thành trì cổ vũ và bảo vệ các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Sự phản công của Liên Xô ở châu Âu đã giúp giải phóng một loạt quốc gia bị Đức chiếm đóng. Hồng quân đã trực tiếp giải phóng nhiều nước Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria, Hungary, Đông Đức, Nam Tư, Áo, Bắc Na Uy, Đan Mạch… Thừa thế, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở nhiều các nước đã đứng dậy thành lập chính quyền nhân dân. Ở châu Á, bằng việc đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật, Hồng quân đã trực tiếp giải phóng Đông Bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Một số nước khác không do Liên Xô giải phóng nhưng từ thắng lợi của lực lượng Đồng minh, trong đó có vai trò quan trọng của Liên Xô, đã tự mình giành chính quyền, như Việt Nam, Albania… Trong số này, nhiều nước đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, giúp hình thành, củng cố và phát triển một hệ thống chính trị mới, thay vì trước kia chỉ có đơn độc mỗi Liên Xô, đồng thời Liên Xô không ngừng lớn mạnh để làm thành trì cổ vũ, khích lệ, hỗ trợ các nước xã hội chủ nghĩa khác nhiều năm sau đó. Chẳng hạn, nhiều nước ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latin đã đứng lên giành độc lập và chọn con đường phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa, như Algeria, Angola, Mozambique, Congo, Ethiopia, Yemen, Nicaragua…
Bên cạnh đó, Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) ra đời vào năm 1949 và Tổ chức Hiệp ước Warsaw ra đời năm 1955 có ý nghĩa to lớn trong việc giúp đỡ về nhiều mặt đối với các nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, chiến thắng phát xít của Liên Xô đã thúc đẩy thế giới phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học – kỹ thuật...
Năm 1919, quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ tồn tại ở một quốc gia (nước Nga – Liên Xô ra đời từ năm 1922), chiếm 16% diện tích và 7,8% dân số thế giới. Đến những năm 1980, các nước xã hội chủ nghĩa chiếm 26% lãnh thổ và 33% dân số thế giới.
Trên thực tế, sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy nhân loại phát triển về chất chứ không chỉ về lượng. Ngay từ trước Thế chiến II, Liên Xô đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt; từ chỗ là nước đế quốc kém phát triển nhất trong số các nước tư bản chủ nghĩa trong Thế chiến I, Liên Xô sau khi vượt qua nội chiến chống bọn Bạch vệ và 14 nước đế quốc can thiệp, đã phát triển rất nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 20 năm, Liên Xô đã có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ và nhờ đó đủ sức đánh bại phát xít Đức, phát xít Nhật. Sau Thế chiến II, Liên Xô là nước bị thiệt hại nặng nề nhất trong số các nước tham chiến[5] nhưng chỉ hơn 10 năm sau, đất nước này đã trở lại vị trí siêu cường và là đối trọng của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Suốt trong hơn 30 năm, Liên Xô luôn là nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Với vai trò, vị trí và điều kiện của mình, Liên Xô đã giúp đỡ nhiều nước phát triển đất nước về mọi mặt, từ các nước châu Âu đến châu Á, châu Phi, Mỹ Latin… Trong đó, các nước châu Âu phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa vốn có xuất phát điểm khá thấp nhưng dần trở thành những nước khá phát triển. Bên cạnh đó, một cách gián tiếp, giúp các nước đồng minh hồi phục kinh tế sau chiến tranh, đồng thời cố tạo ra hình ảnh phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa để đủ sức làm đối trọng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, từ năm 1947, với kế hoạch Marshall, kéo dài từ năm 1948 – 1952, Mỹ đã chi hàng chục tỉ USD hỗ trợ các nước Tây Âu, đồng thời có nhiều biện pháp giúp đỡ các nước đồng minh châu Á, đã góp phần thúc đẩy các nước phát triển, cũng là góp phần tạo điều kiện thế giới phát triển.
*
Tóm lại, chiến thắng phát xít của Liên Xô trong Thế chiến II đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại. Đến nay, dù Liên Xô và một số nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã tan rã nhưng giá trị đó vẫn còn trường tồn trong dòng chảy của lịch sử loài người. Bởi vậy, nhiều năm qua, nước Nga dưới sự cầm quyền của Tổng thống Putin đã tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít rất trang trọng, suy cho cùng, đó là sự tri ân sự hy sinh cao cả của hàng triệu chiến sĩ Hồng quân và người dân Liên Xô, chính sự hy sinh đó đã góp phần xây dựng nên một Liên Xô, rồi một nước Nga siêu cường và một thế giới như ngày nay.
Trúc Giang
[1] Có thể tham khảo thêm: sau 5 năm (1936 – 1941), phát xít Đức đã thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người; Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự và lực lượng trở nên rất hùng mạnh. Hầu như toàn bộ Tây Âu và Trung Âu (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh) đã thuộc về Đức mà không vấp phải trở ngại hoặc tổn thất gì đáng kể. Tiềm lực công nghiệp quân sự của Đức cũng tăng thêm nhiều lần nhờ trưng dụng các mỏ tài nguyên, nhà máy công nghiệp, hàng chục triệu nhân công... tại các nước bị Đức chiếm đóng. (Theo vi.wikipedia.org).
[2] Thực ra, bấy giờ còn có 9 nước đồng minh của Đức - những nước đã bị Đức chiếm đóng và lập chính quyền thân Đức - cùng tham gia tấn công Liên Xô, gồm phát xít Ý, Romania, Bulgaria, Hungary, Phần Lan, Slovakia, Croatia, Tây Ban Nha và chính quyền Vichy Pháp. 9 nước này cung cấp cho Đức khoảng 20% quân số, 1/3 số lao động và hơn một nửa lượng nguyên vật liệu để sản xuất vũ khí. Cũng cần nói thêm rằng, nhiều nước đế quốc khác tuy không tham chiến chống Liên Xô nhưng luôn ở tâm thế chờ phát xít Đức hạ gục Liên Xô, đồng nghĩa với xóa sổ một chính thể mới có ý thức hệ mới đối lập với nhà nước đế quốc.
[3] Quốc tế III hay Quốc tế Cộng sản được thành lập vào tháng 3-1919 ở Moskva và giải tán năm 1943, được tái lập năm 1947 và giải tán năm 1956, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô.
[4] Nguyễn Vịnh, Ý nghĩa thời đại của chiến thắng chủ nghĩa phát xít Hilter và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr.12.
[5] Liên Xô có khoảng 27 triệu người chết (bằng 16,2% dân số Liên Xô vào năm 1939), trong đó có gần 9 triệu quân nhân và 18 triệu thường dân.