flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Chống dịch Covid-19: khi chủ trương, chính sách hợp lòng dân...

Ngày đăng: 03-04-2020 Lượt xem: 3289

Cả nước Việt Nam như đang căng hết sức mình để chống dịch COVID-19. Chính phủ và các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm giảm thiểu tối đa các khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, mọi nguồn lực được tập trung triển khai rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…), chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống, bảo đảm công tác ứng phó ngay lập tức, không để bị động... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Chỉ thị đặc biệt trong tình huống cấp bách: từ 0giờ ngày 01/4/2020 thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, trong đó đặt ra nhiều yêu cầu kiên quyết: mọi người được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật cần thiết, như mua lương thực, thuốc men,... hoặc đang làm việc ở những đơn vị, cơ quan không bị đóng cửa, hoặc trong trường hợp thật khẩn cấp như cấp cứu... Thông tin khiến không ít người lao động lo lắng vì cuốc sống ảnh hưởng nhiều trong thời gian cách ly toàn xã hội.

Tuy nhiên, Thành phố đã kịp thời thông tin: sẽ chi hơn 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 600.000 người thất nghiệp trong mùa dịch COVID-19 và sẽ tìm cách để hỗ trợ thêm cho người vô gia cư. “Đây là việc chưa từng có, nhưng là việc nên làm” để góp phần an sinh xã hội - phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân như góp thêm sức mạnh cho người dân lao động Thành phố.

An sinh xã hội được lãnh đạo Thành phố đặt ra ở độ cấp thiết, tương đương như mở một “nút kích hoạt” toàn xã hội chung tay: chia sẻ với cuộc sống khó khăn của đội ngũ người bán vé số, người nghèo cơ nhỡ và lập phương án chuẩn bị nơi lưu trú cho người sống lang thang trên địa bàn, nhanh chóng tập trung người vô gia cư ăn xin, bán vé số, người sinh sống nơi công cộng vào trung tâm hỗ trợ xã hội, nhằm vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cũng để quản lý, kiểm soát trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tham khảo mức độ người dân Việt Nam đồng lòng, chấp hành chỉ thị của Nhà nước, căn cứ vào thông tin đáng tin cậy từ cuộc khảo sát toàn cầu và xếp hạng của Dalia (nền tảng nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Berlin, Đức, chuyên thu thập ý kiến theo giời gian thực và xây dựng dữ liệu thị trường thông qua các khảo sát nhỏ trên điện thoại di động của người dùng) về phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh COVID-19 thì mức độ hài lòng của người dân Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới, quốc gia có độ hài lòng cao thứ 2 là Argentina với 61%, tiếp đến là Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%),... Điều này cho thấy, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo thực thi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 phù hợp lòng dân, kiên quyết, chặt chẽ nhưng không quá mạnh tay, gay gắt mà chủ yếu là làm cho người dân có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình để đồng lòng thực hiện. Kết quả thuyết phục nhất là cho đến nay, Việt Nam khống chế dịch rất tốt, chưa có ca bệnh bị tử vong !

Sự đồng thuận của người dân Việt Nam thể hiện không chỉ ở mức độ hài lòng phản ứng của Nhà nước trước đại dịch; ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị của Nhà nước, mà chính trong thời điểm gian nan, khốn khó này càng thấy rõ ý chí mạnh mẽ, tính nhân văn trong nhiều hoạt động nghĩa tình của người dân trong hưởng ứng chung tay cùng Chính phủ nâng cao đời sống an sinh xã hội.

          Khi vừa có thông tin tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết từ ngày 01/4/2020 thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến lo lắng cho cuộc sống bấp bênh của những người bán vé số dạo. Ngay lập tức, người dân Thành phố thể hiện tinh thần tương thân tương trợ, chia sẻ khó khăn với người nghèo. Những câu chuyện được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, góp phần giảm nhẹ nỗi lo thắt ruột của những người bán vé số dạo, chạy ăn mỗi bữa. Hàng trăm thùng bánh mì miễn phí dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được bày ra ở các ngã đường Thành phố; hàng loạt quán cơm miễn phí được huy động, trao tận tay người nghèo; có chuỗi quán cơm tổ chức khá quy mô (đội ngũ nấu ăn, cung ứng cơm tại chỗ, có bộ phận di chuyển đến các nơi có bà con lao động nghèo, đội ngũ dân phòng, công an khu vực,.. góp phần giữ gìn an ninh trật tự) đảm bảo việc trao, nhận diễn ra nhanh, gọn, an toàn, văn minh, trật tự, như chuỗi quán cơm Nụ cười ở khắp các quận 1, 4, 7, 11, Tân Bình, Bình Thạnh,...

Trong khi các sở ban ngành đang thống kê số lượng người bán vé số dạo, sống lang thang theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố để có phương án hỗ trợ kịp thời, thì nhiều cánh tay đã đưa ra, kết lại những tấm lòng; các nhóm từ thiện tự nhiên hình thành mỗi ngày một đông, trong đó cũng có không ít văn nghệ sĩ, hợp lực cùng nhau mua mì, gạo, đồ hộp, chuẩn bị bao thư tiền... âm thầm tổ chức từng nhóm nhỏ, trao tặng cho người dân nghèo đủ thành phần (trẻ mồ côi, người già neo đơn, người dân nghèo, lượm ve chai, người bán vé số,...) cho họ ấm lòng, không mang cảm giác bị “bỏ rơi” trong mùa đại dịch.

Nghĩa cử đó, hôm nay, không còn là điều mới mẻ, nhưng luôn lan truyền cảm xúc ấm áp và có sức lan tỏa nhanh chóng trong nhiều tầng lớp nhân dân. Như anh Nguyễn Thanh Tâm, chủ đại lý vé số ở Vĩnh Long, khi đại dịch hoành hành, anh cho nhiều người lấy vé số khỏi trả tiền, bán được bao nhiêu đưa lại anh tiền vốn và từ 01/4, anh phát tiền hỗ trợ cho những người lấy vé số của anh (mỗi phần 50.000 đồng), mặc cho việc mình sẽ mất thu nhập mỗi ngày khoảng một triệu đồng và 15 ngày trước mắt, anh phải bỏ tiền túi 22 triệu đồng cho nghĩa cử sẻ chia. Với anh, họ là những người gắn bó cùng anh nhiều năm và đó là cách anh trả ơn họ. Cách nghĩ, cách làm thiết thực và ấm áp lạ lùng... Tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát, Bình Dương), một nhà dân, mỗi ngày, gói sẵn 60 phần quà gồm 1kg gạo và 7 gói mì để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Gia chủ để trước cửa nhà các phần quà, với một bản chữ “Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Nghĩa cử đáng trân trọng, lại có ý nghĩa giáo dục lòng tự trọng và tinh thần “lá lành đùm lá rách” thiết thực, nhân ái.

Dẫu trong thời điểm bị dịch bệnh vây khốn, thời điểm việc làm ăn buôn bán bị đình trệ, bản thân mỗi người phải tự bảo vệ một cách nghiêm ngặt, nhưng những câu chuyện nghĩa tình vẫn diễn ra lặng thầm trong yêu thương an toàn. Tùy điều kiện của mỗi người, sự đóng góp nào cũng đáng trân quý. Nó được hình dung như những bông hoa đẹp, nở rực rỡ, muôn sắc ngay trên “chiến trường” nhuốm màu u ám vì đại dịch. Áp lực căng thẳng trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu dường như phần nào được giảm nhẹ bởi nhiều bàn tay chung sức, những câu chuyện nhân ái tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, đưa thông điệp yêu thương lan tỏa, góp thêm niềm tin cho ngày thế giới bình yên, thoát khỏi đại dịch.

Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh với 18 triệu người lao động "phi chính thức" ở Việt Nam (không có bảo hiểm xã hội, cuộc sống bấp bênh, tập trung ở khu vực nông thôn và các ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, xây dựng...) thì đó là một nỗi lo không nhỏ. Hiện tại, việc quan trọng là không chỉ giúp các đối tượng này vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 mà phải có chính sách đảm bảo cuộc sống căn cơ, lâu dài. Trong khi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không dành cho đối tượng lao động khu vực “phi chính thức” thì việc tìm nguồn để hỗ trợ, chăm lo bảo hiểm y tế, nhằm phủ rộng mạng lưới an sinh xã hội của quốc gia là vấn đề Nhà nước cần quan tâm, bàn bạc.

Song song tình trạng dầu sôi lửa bỏng, cả nước trực chiến chống “giặc dịch” thì tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn biến phức tạp, thách thức ý chí người nông dân Việt Nam. Nhằm giảm bớt nỗi nhọc nhằn cho người dân, nhiều địa phương đã triển khai phương án vừa ứng trực chiến đấu phòng chống dịch bệnh tại cơ quan, khu vực; vừa vận động cán bộ chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và công an địa phương tranh thủ ngày nghỉ, tổ chức nhiều chuyến xe cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Nghĩa tình đó giữa thời điểm này rất đáng trân trọng.

Cuộc chiến chống “giặc dịch”, nạn hạn hán đều đang trong hồi quyết liệt, sự chủ động triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, phù hợp từng thời điểm của Chính phủ Việt Nam; sự đồng thuận cao, các phương tiện tuyên truyền thông tin về dịch bệnh được triển khai liên tục, sâu rộng; ý thức về việc ngăn chặn đại dịch lây lan trong cộng đồng được nâng cao và ý chí vượt khó của người dân, tinh thần lạc quan, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với đồng bào -  chính là lợi thế rất lớn, là một phần sức mạnh nội sinh để Việt Nam dập dịch thành công, chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sắp tới.

                                                                                          Hoàng Thi