flag header

Tin tứcChống DBHB

Chủ động phòng và chống luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch trước thềm Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 15-01-2021 Lượt xem: 1928

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển vững bền của đất nước nên thu hút sự quan tâm, kỳ vọng, niềm tin của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, càng đến gần Đại hội, sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt này lại càng là dịp mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tăng cường các hoạt động vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội.

Thông qua các bài viết/trả lời phỏng vấn, các "thành phần yêu nước" này không chỉ tìm mọi cách khơi ra các biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất mà còn lợi dụng để khoét sâu thêm mâu thuẫn, hòng lôi kéo, mua chuộc và chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm suy yếu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, một trong những vấn đề được các thế lực thù địch "quan tâm", "ưu tiên chống phá nhất" chính là nền tảng tư tưởng của Đảng; là công tác cán bộ, công tác nhân sự; là cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng trong Đảng và trong hệ thống chính trị.

Cụ thể: Một là, dưới nhãn quan của các nhà dân chủ "miệng", nhân danh dân chủ thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là không thể chấp nhận được. Vì thế, cần phải xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không chỉ có vậy, theo thiển ý của họ thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường cách mạng theo quỹ đạo cách mạng vô sản, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng mùa Xuân năm 1930 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) là sai lầm. Đó chính là căn nguyên của một đất nước Việt Nam kém phát triển về kinh tế, thiếu tự do, dân chủ... và nhân dân Việt Nam mãi nghèo và vì thế mà đất nước Việt Nam không biết bao giờ mới đi qua được thời kỳ quá độ.

Trong tư duy và hành động của họ, đất nước Việt Nam chỉ phát triển như các nước phương Tây và Mỹ, nhân dân Việt Nam chỉ được tự do, hạnh phúc khi đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, khi trong nước phải có đa nguyên, đa đảng đối lập, phải thực hiện xã hội dân sự, v.v.. . Theo chủ kiến của cá nhân mình, họ không hề hiểu rằng, Việt Nam “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử… Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”[1].

Vì thế, họ không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn  thường mượn một cớ, nhân một sự kiện chính trị nào đó để bôi nhọ Đảng, chống Đảng và cho rằng Đảng không cần phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, bởi chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế kỷ XXI. Hơn nữa, theo họ, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư biện, lý thuyết, giáo điều; chỉ là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, cho nên, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay,v.v..

Từ góc độ tiếp cận đó, họ cho rằng, chỉ khi nào Đảng không thể và không cần lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của mình thì Đảng mới “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi” - đó là con đường tư bản chủ nghĩa. Cùng với đó, họ đổ lỗi cho những hạn chế đang tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… ở Việt Nam là do Đảng độc quyền lãnh đạo. Hơn nữa, họ còn cho rằng, Đảng không phải là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; cán bộ, đảng viên không phải là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân mà chỉ là những "kẻ ăn trên ngồi trốc", là nhóm lợi ích, mưu lợi ích cho cá nhân và phe cánh chứ không phải vì nước, vì dân phục vụ…

Hai là, một trong những nội dung quan trọng mà thế lực thù địch tập trung chống phá Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa đang xây dựng ở Việt Nam chính là bôi nhọ, xuyên tạc công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng. Đặc biệt, mỗi khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật vi phạm các cá nhân hay tập thể… là thêm một lần trên mạng xã hội lại đầy các thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc và quy kết rằng: Trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra cuộc “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “thủ tiêu đối phương”, "bè cánh chia nhau quyền lực"; thậm chí là "Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư", "Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng", danh sách Bộ Chính trị, danh sách "tứ trụ" đã được sắp xếp xong, còn bầu bán chỉ là hình thức"…

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, họ xuyên tạc công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng khi coi Hội nghị Trung ương 13, 14, 15 khóa XII là dịp để các phe cánh trong Đảng sát phạt, chia chác vị trí quyền lực, vị trí "tứ trụ", xây dựng kịch bản "vùng miền" trong các vị trí lãnh đạo cấp cao. Họ bịa đặt, công kích và xuyên tạc sự thật khi cho rằng các đồng chí lãnh đạo đang gấp rút tung chiêu để tranh giành các vị trí "tứ trụ" tại Hội nghị Trung ương 15 mà không hề hiểu rằng công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng được tiến hành bài bản, khoa học, cẩn trọng, nghiêm túc, công khai, minh bạch theo đúng lộ trình, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trên tinh thần kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người không xứng đáng và cũng quyết không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, để tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng.

Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII, công tác nhân sự đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng và Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Ðảng, trong đó có công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trong đó, việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… đã từng bước được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm tiêu chuẩn cán bộ như Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… đã cho thấy công tác nhân sự của Đại hội XIII được tiến hành cẩn trọng, khách quan, minh bạch, đúng lộ trình. Đặc biệt việc giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tại Hội nghị Trung ương 14 đã cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Vì thế, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, quy chụp việc thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ cốt cán cho Đại hội XIII là sự “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội XIII” của Ban Chấp hành Trung ương chính là sự kích động, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, nhằm gây chia rẽ nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và các cơ quan, ban, ngành chức năng.

Ba là, mượn cớ và khoét sâu vào những khuyết tật trong Đảng như tham ô, tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà căn nguyên sâu sa là do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, các thế lực thù địch cho rằng đó là bản chất của chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo, để từ đó bôi nhọ Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thật ra, tham nhũng vốn là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Tham ô, tham nhũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà luôn là vấn nạn đối với các quốc gia, dân tộc, dù theo chế độ cộng sản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, dù ở một quốc gia có đa đảng hay một đảng độc quyền lãnh đạo. Cũng như các quốc gia khác, tham nhũng ở Việt Nam sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm” và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, quan liêu đã diễn ngay sau từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 9 thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đấu tranh chống tham ô, tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và cuộc đấu tranh đó được xác định là nhiệm vụ lâu dài, do đó, "phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng; không nóng vội, không chủ quan; phải có kế hoạch cụ thể, có bước đi vững chắc; sử dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo". Đấu tranh chống tham ô, tham nhũng luôn được thể hiện rõ trong nội dung các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng...

Trong công tác phòng và chống tham nhũng: Việc tạm đình chỉ chức vụ để khởi tố, xử lý, kỷ luật gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương, Ban Bí thư quản lý nhiệm kỳ XII; trong đó, các lãnh đạo cấp cao như Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng hay kỷ luật cảnh cáo đồng chí Nguyễn Văn Bình những ngày gần đây cùng nhiều vụ án về tham nhũng, quản lý kinh tế đã được đưa ra xét xử sơ thẩm… đã cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang hành động quyết liệt trong xử lý những vụ án tham nhũng lớn; được nhân dân, toàn xã hội và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Những con số "biết nói" về kết quả phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng và năm 2020 được đăng tải trên các cơ quan truyền thông không chỉ thể hiện rõ tinh thần chống tham nhũng quyết liệt "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu mà còn làm cho cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh.

Vì thế, các luận điệu phản động đầy màu sắc kích động cho rằng "tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ do một đảng lãnh đạo như ở Việt Nam"; chống tham những là cái cớ để bắt và trấn áp, khai trừ, loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo những người “không thuộc phe nhóm”, những cán bộ, đảng viên có tư tưởng cấp tiến, đòi dân chủ trong Đảng, đòi phản biện… chính là sự xuyên tạc và vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam; là phủ nhận những nỗ lực và thành tựu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Những luận điệu phản động của các thế lực thù địch không chỉ khơi lên những nghi ngờ và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cố tình tạo ra góc nhìn sai lệch của cộng đồng quốc tế và nhân dân về tình hình trong nước nói chung, về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Những luận điệu phản động này thể hiện rõ âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" thâm độc cần được mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận diện, nâng cao cảnh giác để không mắc mưu, không sa vào bẫy các thông tin nhiễu loạn!

Mai Luân

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 70