flag header

Tin tứcTin tức

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đối diện và cảm nhận

Ngày đăng: 20-05-2020 Lượt xem: 1873

Nhiều năm trôi qua, song những ký ức, những cảm nhận về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vẫn còn đọng lại, làm ngời sáng chân dung một Hồ Chí Minh đúng như  M.At-mét đã nhận định trong bài viết “Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập”: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Người bền bỉ, dẻo dai thực hiện khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc

Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ  nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Bằng những hoạt động thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh đã lên án chủ nghĩa thực dân, đã đanh thép đưa ra trước công luận "Bản án chế độ thực dân Pháp". Bền bỉ, dẻo dai và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm con đường, biện pháp để thực hiện mục tiêu "độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi", Hồ Chí Minh đã kịp thời tổ chức, xây dựng một chính đảng kiểu mới, một lực lượng quân sự "giúp quần chúng nông dân lạc hậu”, chuẩn bị chu đáo cho một cuộc vùng lên giành chính quyền.

Bằng những kinh nghiệm thực tế và sự mẫn cảm về chính trị, Hồ Chí Minh đã tiên liệu "hơn tất cả các đối thủ", đã vận động và đón được thời cơ, sẵn sàng và kịp thời đối phó với những biến cố lịch sử, giành độc lập cho dân tộc từ tay phát xít Nhật vào mùa thu năm 1945. Khi quân đồng minh vào Việt Nam, Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã có tư cách chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Với bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945 và sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh và những đóng góp của Người trong cách mạng Việt Nam đã làm biến chuyển cả một giai đoạn lịch sử.

Với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng ngoại giao của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Jean Sainteny, trưởng phái đoàn quân sự Pháp (phái đoàn 5 có trụ sở ở Côn Minh - Trung Quốc). Tại cuộc gặp ngày 15/10/1945, Jean Saiteny đã khẳng định một cách vững chắc, cũng như Alessandri và Pignon rằng: "Hồ Chí Minh là nhân vật hàng đầu của Việt Nam, chẳng bao lâu nữa sẽ nổi bật trên vũ đài chính trị châu Á"(1).

Không chỉ bền bỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam còn kiên trì và nhân nhượng để duy trì nền độc lập, nền hoà bình vừa giành được. Cũng chính Jean Sainteny đã khám phá được Chủ tịch Hồ Chí Minh "còn là một con người thực tế". Với Hồ Chí Minh, chính sách "giành thắng lợi theo từng bậc thang liên tiếp" như trong thông điệp 5 điểm của Việt Minh gửi tới Côn Minh tháng 7/1945 là biện pháp tốt nhất để vừa "đòi độc lập cho đất nước", vừa "tiết kiệm xương máu cho một cuộc chiến tranh". Vì "hiểu mình và hiểu người", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam ký với Sainteny Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và ký với Marius Moutet bản Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946. Để đạt được mục đích của mình, để duy trì một quỹ thời gian hoà bình không dài, nhằm củng cố và phát triển thực lực của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm "không thể có được tất cả trong cùng một lúc". Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tìm người để đối thoại nhưng không thấy; muốn đàm phán để tránh chiến tranh, song sự không thiện chí, dã tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp đã làm cho mối quan hệ Việt - Pháp ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Một nền hoà bình đã bị bỏ lỡ khi một giải pháp hoà giải theo sáng kiến của Nêru đưa ra đã không được người Pháp lưu tâm. Trong khi Hồ Chí Minh “đã bật đèn xanh cho giải pháp này thông qua các đại diện của Người tại Băng Cốc và Paris  làm trung gian”(2), thì Chính phủ Pháp từ chối lời đề nghị đó. Cuộc chiến tranh Đông Dương, cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" như nhân dân Pháp từng gọi đã bắt đầu, khi sự lấn tới của thực dân Pháp đã vượt quá giới hạn cho phép. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên".

Người kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Khi người Pháp cứ muốn biến Nam Kỳ thành một xứ Alsaee Lorraine mới, khi thực dân Pháp với bộ ba D'Argenlieu - Pignon - Valluy đã đưa mối quan hệ Việt - Pháp đến cuộc "chiến tranh trăm năm", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Tướng quân Raoul Salan rằng, mặc dù không muốn, nhưng thực tế đã buộc "chúng tôi phải bắt đầu từ con số không, bắt đầu từ mảnh đất trơ trụi bảo vệ linh hồn của tổ tiên và đất nước chúng tôi"(3). Trong tình thế so sánh lực lượng ban đầu cực kỳ chênh lệch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Bộ trưởng Marius Moutet về cái đích mà nhân dân Việt Nam hướng đến rằng: Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Các ông sẽ giết chết của tôi mười người, trong khi chúng tôi giết chết của các ông một người, cuối cùng các ông sẽ phải nản chí. Và khi không lùi bước, khi bị dồn thúc, Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã quyết tâm, đồng lòng và trường kỳ kháng chiến để trở thành người thắng cuộc.

Trong suốt cuộc trường chinh chống Pháp, với uy tín và tài trí của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh thần kháng chiến của cả dân tộc. Người là biểu tượng của cuộc chiến tranh thiêng liêng của dân tộc Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân; trở thành điểm hội tụ, nhờ đó đã đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn trở ngại để kiên trì kháng chiến. Chẳng phải ngẫu nhiên, tên Người - Hồ Chí Minh đã trở thành lời kêu gọi đoàn kết đấu tranh. Hình ảnh của Người, ngọn lửa cách mạng, đức hy sinh, tình đoàn kết và tấm lòng bao dung, nhân ái của Người đã hiển hiện ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Lý tưởng cách mạng, nếp sống giản dị, tấm gương quên mình cho hết thảy của Người đã dẫn dắt cả dân tộc kiên định đi theo con đường đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Buộc phải chấp nhận sự thách thức bằng vũ lực, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến đấu vì độc lập, tự do với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Hơn lúc nào hết, giữa bộn bề khó khăn của cuộc chiến ngày càng lan rộng và ác liệt, vẫn là một Hồ Chí Minh "mà suốt cuộc đời của mình, trong tình trạng mong manh của một người luôn luôn bị truy nã" đã "luôn luôn giữ vững cho mình là một người yêu nước", là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ hấp dẫn bạn bè, anh em, đồng chí và đồng bào của mình. Con người Hồ Chí Minh, lịch sự và tao nhã, trí tuệ mà khiêm nhường đã hấp dẫn cả "phía bên kia của mình".

Tướng P. Valluy, người từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Đông Dương này, trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Hành tinh- Hành động, Pari, tháng 3/1970 đã thừa nhận: "Phải nói Bác Hồ cực kỳ nhã nhặn, vô cùng lịch thiệp và thoạt nhìn đã thấy Người thật hấp dẫn... Ngay từ khi mới gặp, Cụ đã tâm đắc một cách đặc biệt với Leclere; hai người, người này quyến rũ người kia, họ quyến rũ nhau. Ông là Bác Hồ của mọi người. Còn chúng tôi, khi gọi Người là Bác, thì mọi việc đều trở nên hết sức đơn giản".

Không hề lùi bước, không hề nản lòng, giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Navarre thì Hồ Chí Minh vẫn hiện lên rất đỗi tự tin lạ thường. Jules Roy - tác giả cuốn Trận chiến Điện Biên Phủ (Nxb. Hà Nội, 2004) viết rằng, "dưới vầng trán mở rộng và túm tóc mầu muối tiêu, cái nhìn lúc thì cháy bỏng, lúc thì giễu cợt... cùng với thân hình của ông quá ư gày gò, đó là nơi trú ngụ mỏng manh của một tâm hồn kiên cường và không khoan nhượng"... Trong một túp lều hoà lẫn hoàn toàn vào với cây lá khu rừng, một người đàn ông vừa lật ngửa chiếc mũ cối nội địa, vừa nói "quân Pháp ở đây..." và Người ấy đưa ngón tay lướt quanh vành mũ nói thêm " Chúng ta ở đây"... Người đó là Hồ Chí Minh, là hiện thân của ý chí và tinh thần Việt, với quyết tâm không gì lay chuyển nổi, đó là: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!

9 năm sau kể từ ngày nhân dân Việt Nam triển khai thế trận chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, tên tuổi Hồ Chí Minh đã gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã "gắn liền với nhau thành một sự thật vĩ đại, chói lọi như một niềm hy vọng to lớn và tươi sáng" trong lòng nhân dân các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng những đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn mở ra giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Jean Sainteny đã gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng Hà Nội chiến thắng. Nói lên sự thật không bao giờ là một việc dễ dàng, song chấp nhận sự thật cũng khó khăn không kém, cuối cùng, trong cuộc gặp gỡ đó, cả hai người cùng xúc động. Jean Sainteny vẫn thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh "riêng có một điểm không hề thay đổi, đó là ánh lửa và sự linh lợi trong cái nhìn cũng như thái độ vừa từ tốn vừa hoạt bát của ông"(4).

 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với tư cách là người chiến thắng nhưng không có bất cứ thái độ kiêu căng nào, không điều nào làm mếch lòng nhau, Hồ Chí Minh đã được Tuần báo Người quan sát mới của Pháp nhận định: “Hồ Chí Minh là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong các cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp… Cụ là tượng trưng cho ý chí kiên cường cách mạng, tính kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh, thái độ bình tĩnh trong những lúc gay go quyết liệt. Cụ Hồ Chí Minh là hai mươi năm lịch sử nước Pháp, là cả nền Cộng hoà thứ tư và còn là những gì đã gián tiếp sinh ra nền Cộng hoà thứ năm”(5).

Paul Mus cũng từng viết, Hồ Chí Minh là người mang tính cách Á Đông nhiều nhất trong những người Á Đông, nhưng cũng là người cởi mở nhất với tư tưởng phương Tây, là một nhân vật đã đem trả lại cho lục địa này niềm kiêu hãnh và sự hùng mạnh của nó. Sau Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh - Người buộc Pháp phải từ bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương đã hiện lên một cách rõ nét qua cảm nhận của một số chính khách Pháp đã từng đối diện với Người. Tuy nhiên cuộc chiến đấu để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam chưa kết thúc. Song với chiến thắng đó, Việt Nam - Hồ Chí Minh đã làm biến đổi bản đồ chính trị thế giới, đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ.

 Thành công của cách mạng Tháng Tám 1945 và chiến thắng Điện Biên Phủ  năm 1954 ở Việt Nam đã đưa tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "trở thành một trong những người chi phối sự phát triển của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc giải phóng các dân tộc thuộc địa và những bước tiến của chủ nghĩa xã hội". Thiên thần thoại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO phong tặng danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất.

TS. Văn Thị Thanh Mai