flag header

Tin tứcTin tức

Chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19

Ngày đăng: 04-08-2020 Lượt xem: 2049

Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 để lại cho nhân loại khủng hoảng trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cuộc khủng hoảng phức tạp gồm ba cuộc khủng hoảng đan xen. Khủng hoảng y tế, với các mô hình dự báo cho thấy có thể đến 60 triệu người chết, nếu không có đáp ứng kịp thời của y tế công. Khủng hoảng kinh tế, với sự sụt giảm hoạt động kinh tế toàn cầu lên đến 3 đến 4% trong năm 2020. Và khủng hoảng tài chính với sự sụp đổ của các thị trường, với nguy cơ phá sản, sa thải dây chuyền. Có thể nói đây là một đại khủng hoảng chưa từng có, cả quy mô, tốc độ, và các biện pháp hỗ trợ tài chính được đưa ra, chưa từng thấy, với tổng số tiền lên tới hơn 7.000 tỉ USD, tín dụng, tiền bảo đảm từ phía các quốc gia để bảo vệ các doanh nghiệp và các gia đình qua cơn đại dịch. 


Theo đó, ở Việt Nam hiện đã có trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh, nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ... 60% doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu. Khủng hoảng kinh tế kéo theo những sang chấn xã hội. Đại dịch COVID-19 có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Một hệ thống quy tắc và trật tự mới có thể xuất hiện, hoặc hệ thống hiện tại có thể được sửa đổi vì hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của dịch bệnh. 

Từ đây, chúng ta phải sống chung với COVID-19 bằng những biện pháp phòng ngừa và tạo lập cho mình một cách sống khác. Người dân biểu thị sự đoàn kết, kỷ luật và sẵn sàng đóng góp, hiến tặng của cải để chống đại dịch COVID-19. Con người sẽ không ôm hôn, nhưng tình cảm không giảm sút. Những cuộc tiếp khách ngoại giao vẫn mang khẩu trang mà không giảm đi sự trọng thị. Sẽ ít đi những cái bắt tay, những vòng tay nối nhau khi kết thúc những cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế nhưng tình đoàn kết thì vẫn nguyên vẹn. Thay vì tập trung đến cuộc họp người ta sẽ ngồi ở tại nhà mình, tại cơ quan, có khi tại nước mình mà vẫn tiến hành các cuộc họp quốc tế, quốc gia, hoặc ở từng địa phương mà vẫn đạt được sự thống nhất các quyết định, nghị quyết, chương trình hành động. Các phật tử, giáo dân cũng sẽ cầu kinh, niệm Phật mà không cần đến nhà thờ, nhà chùa… Một phong tục mới, một lối sống khác đang hình thành để xây dựng một nếp sống văn hóa mới.

Một thế giới đã phẳng nay lại càng phẳng hơn. Từ các quốc gia giàu nhất đến những quốc gia nghèo nhất đều phải nỗ lực để vực dậy nền kinh tế vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng. Người thắng lợi là người biết nhìn ra những ngành kinh tế thiết yếu, những nhu cầu bức thiết của xã hội và tương lại mà con người sẽ vươn tới để đẩy nhanh bước tiến của mình đứng vào đội hình những nước đi đầu để nhanh chóng vượt qua thử thách và bước vào giai đoạn hưng thịnh của đất nước, với những việc cụ thể.   

Dịch bệnh không thể kết thúc cùng một thời điểm trên thế giới. Việt Nam chưa thể giao thương rộng rãi với các nước, nên cần phải hoạch định một chiến lược vừa có tính trước mắt, vừa bảo đảm phát triển lâu dài phát triển ngành nghề, tập trung khai thác hiệu quả nhất thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Công nghệ cần đi vào ngõ ngách cuộc sống để tạo ra một quốc gia thông minh.

Một nền hành chính công trực tuyến đang phát triển. Hình thức làm việc hành chính không cần đến công sở đang nở rộ. Kỳ họp lần thứ IX Quốc hội khóa XIV đã được thực hiện trực tuyến. Biện pháp dạy học trực tuyến cho tất cả các cấp học đang được áp dụng ngày càng có chất lượng. Hiện thực xã hội sau dịch hé mở những tương lai cho việc lựa chọn hoạch định phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại  dịch COVID-19 ập đến như thác lũ đổ xuống, nước nào cũng lo đắp bờ ngăn chặn, chia cắt để “tránh lũ”, nảy sinh sự nghi ngờ về thiếu trách nhiệm cung cấp thông tin cho cộng đồng, thông tin thiếu minh bạch, không chính xác làm cho những nước bị sau không đánh giá được mức độ nguy hiểm, để dự phòng, xây dựng phương án chống đỡ. Tất cả những động thái đó chỉ vì lợi ích dân tộc của họ. Trước tình hình đó, Việt Nam với trách nhiệm của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch Hiệp hội ASEAN tích cực hơn nữa xây dựng mối quan hệ hợp tác ứng phó và thích ứng trước những đột biến mang tầm khu vực và thế giới.

Trong Lời kêu gọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”.

Những ngày này, Đảng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Nhân dân vững lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết thống nhất ý chí xây dựng đất nước. Khát vọng thịnh vượng hùng cường là khát vọng cháy bỏng của mỗi người Việt Nam. Đất nước thịnh vượng, hùng cường là con đường mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nguồn sức mạnh trong thời hội nhập, vũ khí để bảo vệ vững chắc hòa bình và chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam thân yêu.

MH