Ngày đăng: 17-05-2018 Lượt xem: 2817
Tại TP Saint Petersburg, cách đây 95 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lần đầu tiên đến nước Nga. Chuyến đi lịch sử này mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Ngày 17-5, tại Điện Smolny, Saint Peterburg – Công hòa Liên bang (CHLB) Nga, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM – đã dự lễ kỷ niệm 95 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Nga.
Cờ Đỏ TP.HCM trích đăng bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại lễ kỷ niệm:
"Hôm nay, tôi rất vinh dự được đến thăm TP Saint Petersburg - cái nôi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, nơi đã làm nên một trang sử mới trong lịch sử nhân loại. Cũng tại TP xinh đẹp, cổ kính này, cách đây 95 năm, ngày 30-6-1923 của thế kỷ trước, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đặt chân đầu tiên đến nước Nga. Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của đất nước Việt Nam.
Thị thực cho phép nhập cảnh vào nước Nga ngày 16-6-1923, của đại diện Liên bang CHXHCN Xô Viết tại Berlin - Đức cấp cho Cheng Vang (Nguyễn Ái Quốc) bằng tiếng Nga, Pháp Ảnh: INTERNET
Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Sài Gòn, nay là TP HCM, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là người thanh niên mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc đã bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm ròng, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia để tìm ra con đường đúng đắn giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường đi theo lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười.
Cũng chính ngay từ những ngày đầu tiếp cận với chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm đến nước Nga để có thể tìm hiểu sâu hơn về phong trào cộng sản và cách kết nối giữa phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam với cuộc cách mạng vô sản của nước Nga vĩ đại. Được sự giúp đỡ của các đồng chí cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, đã đáp chuyến tàu thủy Karl Lipnech cập cảng St.Petersburg vào ngày 30-6- 1923. Đó là lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Nga.
Thẻ đại biểu tư vấn cấp cho Nguyễn Ái Quốc để tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Thủ đô Moscow - Nga năm 1924 Ảnh: INTERNET
Từ lần đầu tiên ấy năm 1923-1938, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến nước Nga và đã có khoảng thời gian hơn 6 năm học tập và hoạt động tại đây, vừa truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận con đường cứu nước vào Việt Nam; sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng cách mạng chân chính với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn; tuyển chọn và giới thiệu cho Quốc tế cộng sản những sinh viên Việt Nam ưu tú đang học tại Trường Đại học Phương Đông để đưa vào chương trình đào tạo chuẩn bị nhân lực cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1938, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Nga, mang theo hành trang là chủ nghĩa Mác – Lê nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, chính sách, kinh nghiệm của Nhà nước Xô-viết, công tác đào tạo cán bộ của Ðảng Cộng sản Nga, lên đường về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó. Có thể nói sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất nước nhà là những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh dẫn dắt dân tộc đi theo chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hơn 50 năm gắn bó với nước Nga, từ lúc tìm ra con đường Cách mạng cho đến lúc vĩnh biệt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và cảm nhận được những tình cảm chân tình và sự giúp đỡ to lớn của nước Nga Xô viết đối với cách mạng Việt Nam. Người quý trọng tất cả những gì liên quan đến Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, đến V.I.Lê-nin, đến tình hữu nghị Việt – Xô.
Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành trọn tấm lòng thủy chung son sắt, lòng biết ơn vô hạn đối với Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Liên Xô. Người nói: "Việt Nam có câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn". Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười" .
Ngay từ những năm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc phát triển quan hệ với Liên Xô đã là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Liên Xô trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 30-1-1950 cũng đã trở thành ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đại học Tổng hợp MGU ngày 16-7-1955. Ảnh: INTERNET
Nhớ lại cuộc kháng chiến đầy gian khó chống thực dân và đế quốc để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ chí tình, to lớn và toàn diện về mọi mặt của nhân dân Xô-viết. Sự tương trợ của Liên Xô còn có vai trò quan trọng và đã để lại những dấu ấn to lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như xây dựng, phát triển đất nước sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất.
Trải qua những biến động của lịch sử, quan hệ Việt Nam – Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay không chỉ tiếp nối được nền tảng tốt đẹp vốn có mà còn phát triển lên tầm cao mới. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ưu tiên củng cố và phát triển quan hệ với Liên bang Nga. Nước Nga cũng đẩy mạnh chính sách Hướng Ðông, coi Việt Nam là cầu nối, điểm tựa để triển khai chính sách này. Tháng 7-2012, hai nước đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện đó, 2 bên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn thường xuyên, đặc biệt là đoàn cấp cao; duy trì các cơ chế đối thoại chiến lược, tham vấn. Các chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2014), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5- 2016), Chủ tịch nước Trần Ðại Quang (tháng 6- 2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 10- 2017) cũng như chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.Mát-vi-en-cô và chuyến thăm Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 của Tổng thống V. Pu-tin, đã tạo xung lực thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương trên các lĩnh vực. Năm 2019, 2 bên sẽ tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa 2 nước.
Tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, người luôn mong muốn xây dựng tình hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, TP HCM luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển TP cũng như tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương, các quốc gia trên thế giới.
TP HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước. Chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, gần 10% dân số của cả nước nhưng TPH CM lại đóng góp tới 21% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước. TP HCM giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Tuy vậy, TP HCM vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức về hạ tầng đô thị, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, … Vì vậy, mục tiêu của TP trong thời gian tới là trở thành TP thông minh, TP khởi nghiệp và sáng tạo để nhằm khắc phục hạn chế, tạo sức bật cho quá trình phát triển nhanh và bền vững của TP.
Hiện nay, TP đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 49 địa phương của các nước trên thế giới, các nội dung hợp tác rất ý nghĩa và thiết thực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển TP cũng như tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và thịnh vượng trong khu vực. Đối với các địa phương của Nga, hiện TP đã có quan hệ hữu nghị hợp tác với 5 địa phương gồm: Tỉnh Sverdlovsk, Thủ đô Moscow, TP Saint Peterburg, TP Vladivostok, Tỉnh Moscow với các nội dung hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực: đầu tư, thương mại, môi trường, quản lý nước, giáo dục đào tạo và khoa học, văn hóa, du lịch.
Năm 2017, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Nga và TP HCM đạt gần 324 triệu USD. Các nhà đầu tư Nga hiện có 28 dự án tại TP với tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD; Theo chiều ngược lại: TP hiện có 16 doanh nghiệp lập chi nhánh và Văn phòng đại diện tại Nga. Năm 2015, TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại – Du lịch tại Moscow và Saint Peterburg. Lượng khách du lịch Nga đến TP cũng đang trên đà tăng trưởng. Năm 2017 đã đạt 180.000 lượt khách, tăng 128% so với năm 2016. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung TP HCM nói riêng đã và đang xúc tiến nhiều chương trình đưa khách Việt Nam đến Nga như Đêm trắng nước Nga, Mùa thu nước Nga, đã đón nhận sự tham gia tích cực của du khách Việt Nam, trong đó có khối lượng lớn du khách từ TP HCM.
Một sự kiện quan trọng khác trong quan hệ giữa hai nước vào năm 2017, đó là các hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. TP đã tổ chức "Những ngày Nga tại TP HCM" với nhiều hoạt động mang ý nghĩa tôn vinh và giáo dục sâu sắc như lễ mít-tinh, chương trình nghệ thuật "Bài ca tháng Mười Nga – Mãi mãi một niềm tin", "Tuần lễ sách Nga tại TP HCM", thi tìm hiểu về nước Nga,... Các sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân TP, khơi gợi về truyền thống hào hùng của nước Nga Xô viết và tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa 2 dân tộc Việt – Nga.
Hôm nay, đến với các sự kiện tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến Nga, tại TP xinh đẹp của các bạn lần này, chúng tôi thật sự xúc động khi được hồi tưởng lại những chặng đường lịch sử gian nan nhưng rất hào hùng mà 2 dân tộc chúng ta đã trải qua, đồng thời đây cũng chính là sứ mệnh cho những thế hệ kế tiếp, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử trong quá khứ để xây dựng và phát triển tương lai. Đó là lý do hôm nay chúng ta chứng kiến việc ký các thỏa thuận hợp tác giữa TP HCM và TP Saint Petersburg triển khai lộ trình hợp tác giai đoạn 2018-2020; Thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQG TP HCM và Đại học Tổng hợp Saint Peterburg, ... Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với việc tổ chức Diễn đàn Văn hóa – Doanh nghiệp Việt – Nga cũng như các hoạt động giao lưu, giới thiệu tiềm năng giữa các giới chức chính quyền, khoa học hoặc các doanh nghiệp, sẽ còn nhiều nội dung hợp tác mới được hình thành và triển khai, giúp đưa quan hệ hữu nghị giữa TPHCM với Saint Peterburg cũng như với các địa phương khác của Nga ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu và thực chất.
Đã 95 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lần đầu tiên lên đất nước Nga vĩ đại, 68 năm kể từ ngày mối quan hệ ngoại giao gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, dân tộc Việt - Nga được thiết lập, tình hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn luôn và sẽ mãi mãi bền chặt. Với nền tảng hữu nghị bền chặt do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bậc tiền bối của 2 dân tộc vun đắp, với niềm tin và sự nỗ lực vì sự thịnh vượng và phát triển của 2 quốc gia, tôi tin chắc chắn rằng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga sẽ bước lên một tầm cao mới, hợp tác một cách bình đẳng, chiến lược toàn diện và bền vững.
Theo NLĐ