flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Chuyện đòi quần và việc ứng xử trên mạng xã hội

Ngày đăng: 17-12-2018 Lượt xem: 3530

Sự kiện ồn ào làng facebook Việt (và sau đó là báo chí) mới đây là việc một phụ nữ ở Bạc Liêu ghi hình và đưa lên mạng clip “gặp thầy giáo để đòi quần cho con gái”. Ngay sau đó, bà ta đã xoá clip này trước phản ứng của cộng đồng. Nhưng cái clip ấy đã được chia sẻ khá nhiều trên mạng và không ít trang báo đã khai thác lại.

Báo chí và nhiều thành viên facebook bàn luận khá sâu về sự cố đáng buồn này, xin không nói thêm nữa, nhưng xem xong clip, người viết thấy một chuyện cũng cần nên nói, nhìn từ khía cạnh pháp lý, khía cạnh truyền thông. Đó là chuyện vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh.

Khi smartphone cứ vô tư quay chụp

Trong một buổi dạy của cô giáo L, một sinh viên vắng mặt nhờ bạn học livestream để tham gia học từ xa. Cái clip trôi nổi trên mạng không ngờ sau đó bị một người xấu cắt cúp rồi ghép lại thành một đoạn phát ngôn ngắn có nội dung sai logic rồi dùng nick ảo đưa lên mạng để nói xấu người đứng trên bục giảng. Rất may là sau đó nhiều thành viên trên mạng nhận ra trò bẩn thỉu này (vì cái cách ghép nối vụng về, hình bị giật, âm thanh không đồng bộ) và đã phản ứng gay gắt nên nó đã bị xóa đi. Sự việc chưa trở nên trầm trọng những cô giáo ấy bị mất ngủ nhiều đêm liền.

Một tình huống tương tự: Trong buổi họp lớp, khi men bia rượu của liên hoan gợi bao ký ức đẹp thời thanh niên sôi nổi. Nhóm bạn ca hát, chọc ghẹo, đùa nghịch tự nhiên như thưở còn đi học. Và một vài người không cưỡng được thói quen của thời internet: quay clip, chụp hình đưa lên facebook! Anh T cùng với cô bạn gái là người yêu cũ thời phổ thông ngồi chuyện riêng một góc có phần tình tứ vô tình lọt vào tầm ngắm ống kính điện thoại người bạn. Cái clip ấy người quay đưa lên facebook cũng chỉ với ý nghĩ ghi dấu một sự kiện của bạn bè nhưng không ngờ nó là đại họa với anh: Gia đình lục đục một thời gian dài và có nguy cơ tan vỡ…

Hình ảnh cá nhân được pháp luật bảo hộ

Trở lại câu chuyện ở Bạc Liêu: Clip “gặp thầy giáo để đòi quần cho con gái” dài 3’54” được ghi hình bằng điện thoại di động. Hình ảnh từ clip cho thấy người quay phim tì thiết bị lên một điểm cố định (có thể là mặt bàn) nên khung hình không bị chao theo chiều đứng (trừ vài giây đầu). Máy đặt ở cự ly gần với thầy giáo K, âm thanh ghi được khá rõ. Điều đó cho thấy người ghi hình rất bình tĩnh và chủ động để canh khung hình chứ không phải đây là clip bị quay lén. Và chi tiết đó cũng cho thấy rằng thầy giáo K có thể biết mình đang bị quay phim. Ở góc độ pháp lý, thầy K có quyền yêu cầu bà D.N.A không được phép ghi hình. Nhưng thực tế, như chúng ta biết, nó đã diễn ra. Cũng có thể thầy K đồng ý cho bà D.N.A quay phim như là một cách làm “biên bản điện tử” nhưng không hề biết dụng ý khác của người ghi hình là tung lên Facebook.

Việc bà D.N.A đưa clip đoạn “chất vấn” thầy K lên facebook kèm theo lời chú “một thầy giáo biến chất” là hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm và vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh của người khác. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện). Thầy K có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc bà D.N.A. phải thu hồi xóa clip và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật (và thậm chí, ông có quyền yêu cầu các cơ quan báo chí khi sử dụng lại clip vì mục đích thông tin cần phải xóa mặt, làm méo tiếng của ông).

Điều 32 Luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Sử dụng hình ảnh của người khác chưa có sự đồng ý của họ (hoặc người đại diện theo pháp luật) chỉ được phép khi quyền dân sự của cá nhân được ưu tiên cho lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Ví dụ hình ảnh một học giả được dùng trong sách giáo khoa, hình ảnh một học sinh Bạc Liêu đoạt huy chương vàng toán quốc tế đưa lên báo v.v… Luật cũng cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật… nhưng với điều kiện là “không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh”. Việc sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này thường mang tính chất truyền thông - báo chí. Tuy nhiên, ngay đến nhà báo cũng cần cẩn trọng vì ranh giới giữa việc phục vụ quyền được thông tin của người dân và quyền nhân thân về hình ảnh đôi lúc rất khó phân lập, rất nhạy cảm. Lấy một ví dụ tình huống giả định: trong trận đấu lượt về bán kết AFF Cup tối 6/12 trên sân Mỹ Đình, nếu một cầu thủ Việt Nam trong một pha tranh bóng bị đối phương vô tình làm rách trang phục thi đấu. Nếu có ai đó cố tình khai thác khoảnh khắc hớ hênh vì “tai nạn” ấy lên truyền thông, thì bị xem là vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh của cầu thủ đó.

Không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều trường hợp, báo chí buộc phải làm mờ mặt nhân vật khi đăng hình ảnh hoặc video.

Quyền riêng tư là quyền con người

Nhân đây xin được nói thêm: Rất nhiều người hiện nay còn nhầm lẫn rằng, mạng xã hội là thông tin có tính chất cá nhân. Thực tế, thông tin trên mạng xã hội nếu để ở chế độ public, nó có tính chất của truyền thông đại chúng. Luật pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho công dân. Chúng ta có quyền đăng tải video clip, audio clip, ảnh, bài viết ngắn… cho tất cả các chủ đề chúng ta quan tâm lên mạng xã hội nhưng phải dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật và các nguyên tắc đạo đức. Theo đó, thông tin đưa lên mạng xã hội phải đảm bảo chân thật, khách quan, có trách nhiệm; thông tin xuất bản trên truyền thông xã hội phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Hiện nay, khi thiết bị di động có kết nối internet phổ biến, khi công nghệ cho phép việc live stream, đăng hình ảnh lên mạng quá dễ dàng, chuyện vô tình vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh vẫn thường xảy ra. Ai trong chúng ta cũng có nguy cơ là nạn nhân của hành vi vi phạm này. Đôi lúc, sự vi phạm ấy là vô tình, chẳng hạn khi tham gia những sinh hoạt tập thể như họp lớp, sinh nhật, đám cưới, học bồi dưỡng, hội thảo, du lịch, tiệc tùng, hình ảnh cá nhân có thể lọt vào ống kính điện thoại thông minh của một người nào đó và được đưa lên mạng xã hội. Nhưng cũng có không ít trường hợp còn ảo tưởng về quyền lực của mạng xã hội, cố tình khai thác hình ảnh người khác trái phép xuất phát từ nhiều động cơ xấu.

Điều đáng buồn là hiện nay, nhận thức về quyền nhân thân đối với hình ảnh còn bị xem nhẹ, kể cả trong giới truyền thông.

Quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân xét cho cùng là quyền sống: quyền không bị ai làm phiền. Pháp luật của chúng ta không chỉ bảo vệ tính mạng của con người mà còn bảo vệ các giá trị như danh dự, uy tín, nhân phẩm, quan hệ gia đình cho từng thành viên xã hội. Ứng xử với hình ảnh cá nhân trên môi trường truyền thông đại chúng - vì thế - cần phải có những hiểu biết pháp luật và đạo đức.

 

PHAN VĂN TÚ