Ngày đăng: 23-10-2018 Lượt xem: 8093
Chiều 22/10/2018, hàng loạt tờ báo đã đăng thông tin: Người phụ nữ có hành vi ném giày trong buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở Q.2 (TP.HCM) bị phạt hành chính 750.000 đồng. Có thể nói, đây là thông tin báo chí chính thống góp phần giảm bớt những dữ kiện và lời bình méo mó, sai bản chất sự thật trên truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, những bản tin trên báo chí chỉ “góp phần” nhỏ thôi, giống như những gáo nước mỏng tưới vào một đám cháy không nhỏ.
Đám cháy ấy có tên là tâm lý đám đông, là định kiến nặng nề.
Thực tế câu chuyện là gì?
Tại buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 20.10 của đoàn ĐBQH TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM chủ trì, nhiều bà con cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Trong số những người đăng ký phát biểu, có bà Nguyễn Thị Thùy Dương. Số thứ tự đăng ký của bà Dương là 39 trong khi thời gian của buổi tiếp xúc có hạn nên bà Dương đã bực tức ném chiếc giày về hướng sân khấu hội trường. Ngay sau đó, Công an P.Bình Trưng Tây (Q.2, TP.HCM), đã lập biên bản xử phạt hành chính bà Dương 750.000 đồng do “lỗi ném vật lạ vào người khác” theo Nghị định 167.
Cũng cần nói thêm, bà Dương không dính dáng gì tới Thủ Thiêm. Nhà bà Dương ở Cát Lái. Trả lời báo chí, bà có nói: "Tôi là người dân Q.2 hiểu rất rõ vụ Thủ Thiêm nhưng nhà không bị giải tỏa bởi dự án này. Nhà tôi bị giải tỏa ở P.Cát Lái. Có nhiều người gửi hồ sơ về đất đai bị giải tỏa nhờ tôi phản ánh, đứng lên phát biểu giùm. Trở lại câu chuyện hôm tiếp xúc cử tri, tôi muốn phản ánh việc trụ sở UBND Q.2 xây dựng trên một miếng đất chưa được đền bù xong, thậm chí còn có dấu hiệu đánh tráo, làm giả giấy tờ gây thiệt hại cho dân nhưng không được giải quyết”.
Thế nhưng, vụ việc ném giày của bà Dương xuất hiện trên mạng xã hội facebook với nội dung khá sai lệch. Thông tin ban đầu từ một vài nhà báo và các đại biểu dự cuộc họp tung ra trên mạng được hiểu là bà Thùy Dương ném giày trực tiếp về phía đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.HCM.
Những hình ảnh chế đầy ác ý xuất hiện trên mạng lấy chất liệu là các gương mặt 2 người phụ nữ: đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà Thùy Dương và chiếc giày cách điệu.
Những bình luận của cư dân mạng lại liên tưởng và lôi kéo cảm xúc số đông đến những dữ kiện “nhạy cảm” khác như nhà hát giao hưởng. Đã có hình ảnh chế theo dạng tiểu phẩm cách điệu nhà hát hình chiếc giày trong phối cảnh xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm v.v… Đã có người khai thác sự trùng hợp ngẫu nhiên của sự kiện diễn ra vào ngày Phụ nữ Việt Nam để mai mỉa cay độc…
Sự kiện này cho thấy tính chất bầy đàn của mạng xã hội khi không có sự dẫn dắt tốt, đã “phát huy” tác động sai trái khá mạnh. Tâm lý đám đông, phát ngôn gây thù hận (hate speech)… là hiện tượng dễ thấy trong tình huống truyền thông này. Rất nhiều comment có tính chế nhạo, phỉ báng, quấy rối, khuyến khích nhiều người có thái độ căm ghét. Lằn ranh giữa tự do ngôn luận và phát ngôn vi phạm pháp luật rất mập mờ.
Vụ việc ném giày này một lần nữa cũng cho thấy tính chất định kiến của cư dân mạng. Lý thuyết truyền thông gọi tên đặc điểm này là “sự thật chủ quan” (post-truth). Sự thật chủ quan (post-truth) là khái niệm chỉ hiện tượng cảm xúc và niềm tin cá nhân có ảnh hưởng tới việc định hình dư luận hơn là những thực tế khách quan. Sự thật chủ quan là “sự thật” do chủ thế muốn tin vào những gì họ muốn thấy. Với sự hậu thuẫn của mạng xã hội, các cảm xúc cá nhân bị đánh thức một cách dễ dàng và lây truyền.
Rất tiếc, trong sự kiện nói trên, báo chí chính thống đã chưa làm tốt vai trò người có ảnh hưởng để chi phối dư luận trên môi trường mạng xã hội. Các bản tin chưa làm sáng tỏ nhiều vấn đề công chúng cần biết. Và nếu ví đám đông dư luận định kiến và hùng hổ kia là đám cháy thì thông tin báo chí cần là những vòi nước mạnh để dập lửa. Muốn vòi nước ấy đủ mạnh, thì góc tiếp cận và dữ kiện cần sáng tỏ hơn, thông minh và nhanh nhạy hơn!
QUẾ SƠN