flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Chuyện về những chiếc áo blouse trắng trong “cuộc chiến” chống Covid-19

Ngày đăng: 25-02-2020 Lượt xem: 2995

Bệnh nhân cuối cùng trong số 16 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (Covid-19) đã chính thức xuất viện. Đây không chỉ là thành quả của ngành y tế TPHCM, mà còn là của cả nước trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh hiện nay. Thành quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ ban ngành và lãnh đạo Thành phố trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Xin chúc mừng và tri ân đội ngũ y bác sĩ - đội ngũ blouse trắng trên tuyến đầu bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là gần đến kỷ niệm 65 năm năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955 - 27/2/2020.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi và xuất viện

Quên ăn, quên ngủ… “3 cùng” với bệnh nhân

Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý, đội ngũ y bác sĩ đã quên ăn quên ngủ, căng mình ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đây có lẽ là kỳ nghỉ tết không thể nào quên của các bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện trên cả nước.

Đêm 29 Tết, 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona đầu tiên của TPHCM từ Vũ Hán trở về đã nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), liên tục sau đó là những ngày vừa điều trị bệnh nhân vừa dò tìm, nghiên cứu thông tin về loại virus này - đúng như tên gọi “virus chủng mới”. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc lây lan dữ dội, số người mắc mới tỉ lệ với số người chết tăng lên, cùng với diễn biến phức tạp tại các nước và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc đại lục, áp lực đè nặng lên các bác sĩ nhất là những người trực tiếp theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân.

Xúc động hơn nhiều là các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội, gần như phải cách ly chung với các bệnh nhân nhiễm bệnh. Nhiều người nhận lệnh điều động khẩn cấp ở dài ngày túc trực trong bệnh viện, có người bị xa lánh chỉ bởi vì họ đang ở rất gần với bệnh nhân nhiễm covid-19.

Trong bối cảnh căng thẳng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những văn bản, kế hoạch, phương án, cuộc họp, tập huấn, các cuộc kiểm tra giám sát, điều tra dịch tễ và phân loại, về cơ sở lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa người nghi nhiễm về khu cách ly, điều trị... cứ cuốn lấy bác sỹ Nguyễn Trọng Di, Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khiến anh không có giây phút nào nghỉ ngơi. Dịch bệnh chưa về nhưng bác sĩ Di đã “kịp” sụt 4 kg; râu tóc đã lởm chởm, lòa xòa trên mặt.

Sau những ngày lấy mẫu hoàn tất, vào lúc 1h45 phút ngày 15/2, dòng cảm xúc bác sỹ Di đăng lên mạng xã hội chất chứa cảm xúc: “Từ Tết đến giờ chưa có thời gian giành cho Mẹ Con nhưng Bố vẫn luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ vì sức khỏe nhân dân và bên cạnh Bố luôn có Mẹ Con sát cánh. Cảm ơn Em, Tình yêu của Anh...”.

Câu chuyện 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc đã được đưa về Việt Nam có tình trạng sức khỏe ổn định, đã được cách ly, theo dõi y tế theo quy định… là sự kiện đáng tự hào của đất nước Việt Nam, trong đó phải kể đến những bác sĩ dũng cảm đã đến “tâm dịch” Vũ Hán đón người dân về nước trong chuyến bay đặc biệt với 15 người phi hành đoàn, 3 bác sĩ và 30 công dân. Trên chuyến bay này ít ai biết rằng, các bác sĩ đã phải giấu gia đình để thực hiện nhiệm vụ cao cả.

Nhóm phi hành đoàn của Vietnam Airline sang Trung Quốc đưa 30 công dân Việt Nam về nước

Hay chuyện bé gái 3 tháng tuổi, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại Vĩnh Phúc đã xuất viện khi bị nhiễm Covid-19 do lây nhiễm chéo từ bà ngoại cũng đã mang lại thông tin tích cực cũng như niềm an ủi động viên rất lớn đến đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm túc trực vì sức khỏe của người dân.

Có thể nói, phía sau những thành công trong điều trị những ca bệnh nhiễm Covid-19 là sự cống hiến thầm lặng của bao "chiến sĩ" dự phòng trong cuộc chiến "3 cùng" chống "giặc" dịch Covid-19 (cùng ăn, cùng ở, cùng chống) đang cắm chốt ở những điểm nóng của dịch. Đó là hình ảnh những bác sĩ, những nhân viên y tế ngày đêm trực chiến tại Bệnh viện Dã chiến tại TPHCM và tại khu cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trong 20 ngày, kể từ 13/2 đến ngày 3/3/2020.

Khác với những bác sĩ trực tiếp thu dung, điều trị những người nghi mắc và mắc Covid-19 được coi là những chiến sĩ trên tuyến đầu đối mặt với Covid-19. Nhưng đằng sau họ, để dịch bệnh được kiểm soát sớm, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Họ giống như những "vành đai sắt" để ngăn chặn Covid-19 không lan tràn ra cộng đồng, dịch bệnh sớm được ngăn chặn. Không giống như bác sĩ đối mặt với con virus "nhìn thấy" được trên những bệnh nhân. Cán bộ y tế dự phòng hoàn toàn đối mặt với những con virus vô hình. Vì hoàn toàn họ không thể biết trong những người dân trong vùng dịch mà họ tiếp xúc, những góc nhà, ngõ xóm mà họ đi qua, rác thải mà họ thu gom liệu như có virus tiềm ẩn hay không.

Bà con nhân dân Thành phố yên tâm!

Mọi thứ đã sẵn sàng để phòng chống dịch. Bà con nhân dân thành phố yên tâm!” - hai lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến TPHCM và Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TPHCM đã nói đi nói lại trong ngày 10/2/2020 - ngày hoạt động đầu tiên của Bệnh viện Dã chiến TPHCM tại ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) để nhấn mạnh rằng, TPHCM chủ động hoàn toàn trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Bệnh viện Dã chiến TPHCM sẵn sàng trực chiến

Và như thế, chỉ trong ngày 13/02, toàn bộ 6 khối nhà của Bệnh viện Dã chiến TPHCM đã được sơn mới, công việc này do hàng chục cán bộ, viên chức thuộc phòng hành chính quản trị của các bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhiệt đới, Từ Dũ... thực hiện. Bệnh viện Ung bướu vận chuyển 260 giường bệnh từ cơ sở 2 bổ sung cho bệnh viện dã chiến. Bệnh viện Nhi Đồng TP vận chuyển bổ sung thêm 5 máy thở, 5 monitor đồng thời cùng Bệnh viện huyện Bình Chánh đưa nhiều bơm tiêm điện tử đến đây. Tất cả đều đưa về phục vụ cho Bệnh viện Dã chiến TPHCM.

Một kíp trực của nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện công lập ở quận, huyện và thành phố. Không gian của bệnh viện dã chiến về đêm khá yên tĩnh, những người được cách ly tại các khu nhà của bệnh viện đã ngủ say ngoại trừ kíp trực vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận người cách ly mới được chuyển đến.

Trong quá trình dịch bệnh diễn ra, tin giả về dịch bệnh lan truyền trên mạng xã hội dữ dội, không khác gì một dịch bệnh vô hình. Các y bác sĩ lại trở thành những người làm công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân hiểu thêm về dịch bệnh, biết rõ cách chăm sóc sức khỏe, dập tắt những thông tin sai lệch trong y khoa, gây hại cho cộng đồng. Ngoài ra, các bác sĩ còn với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sức khỏe nhằm tạo nên mạng lưới thông tin vững chắc, đẩy lùi tin giả về tình hình dịch Covid-19. Trên facebook cá nhân của mình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã livestream thông tin về tình hình và cách phòng ngừa dịch bệnh thu hút nhiều người theo dõi, khiến người dân an tâm và bớt hoang mang hơn trước tình hình dịch bệnh.

Không chỉ dừng lại trong việc điều trị và cảnh báo dịch bệnh, trong những ngày dịch bệnh diễn ra với tình hình “căng như dây đàn” khi mà lượng máu truyền bệnh ngày càng khan hiếm, các bác sĩ đã chủ động hiến máu và vận động người nhà tham gia hiến máu để kịp thời cung cấp cho bệnh nhân.

Dưới sứ mệnh của những người hành nghề y, mang trên mình chiếc áo blouse trắng, các y bác sĩ cùng nhiều cơ quan chuyên môn đang ngày đêm thầm lặng đóng góp công sức nhằm hỗ trợ bệnh nhân và người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra. Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh sẽ vẫn còn tiếp tục những y bác sĩ chắc chắn còn phải vất vả, nhưng những kết quả hôm nay tạo một niềm tin trong lòng nhân dân về y đức, về tài năng của y bác sĩ nước nhà. Sức khỏe, sự an tâm và đồng hành của người dân trước dịch bệnh là món quà và cũng là sự trân trọng lớn nhất dành cho đội ngũ y bác sĩ. Ngày Thầy thuốc đang đến gần, chúng ta một lần nữa tri ân những cống hiến và đóng góp của họ vào cuộc chiến chống Covid-19.

Hoàng Minh