flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Chuyện về tài cao, đức cả

Ngày đăng: 29-12-2017 Lượt xem: 2231

Sau gần chục năm bạn bè xa cách, chúng tôi gặp lại nhau trò chuyện vui vẻ. Khi kể về mối quan hệ của mỗi người với cán bộ cấp trên, có hai câu chuyện của hai người bạn còn lưu lại trong tâm trí tôi. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng tham khảo, ngẫm ngợi.

Ảnh minh họa

Câu chuyện thứ nhất. Trong công tác, thủ trưởng là người đề cao tính nguyên tắc, dân chủ đi đôi với kỷ luật, tôn trọng và thương yêu con người. Trong các buổi sinh hoạt, thủ trưởng luôn tạo ra không khí dân chủ, chân thành lắng nghe những ý kiến, phê bình, đóng góp thẳng thắn, trung thực của cấp dưới. Còn trong cuộc sống đời thường, thủ trưởng rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của mọi người trong cơ quan. Chuyện nhỏ, chuyện to, chuyện buồn, vui của mỗi người, kể cả những người lao động phổ thông như quét dọn vệ sinh, bảo vệ, tạp vụ cũng được thủ trưởng động viên, chia sẻ đúng lúc. Mọi vấn đề trong công tác, sinh hoạt, nhất là việc quản lý chi tiêu tài chính được thủ trưởng giải quyết một cách công khai, rõ ràng, minh bạch. Coi công bằng là một nguyên tắc trong quá trình lãnh đạo và phương châm đối nhân xử thế nên thủ trưởng đã tạo ra một không khí đầm ấm, thân thiện trong cơ quan.

Câu chuyện thứ hai. Thủ trưởng cơ quan là một người có năng lực tốt, nhưng khó gần. Chuyện riêng tư, vui buồn của cấp dưới, không mấy khi thủ trưởng để ý. Nếu ai có khúc mắc, tâm tư gì, thủ trưởng chỉ nói qua loa vài ba câu chung chung cốt cho xong chuyện. Trong công việc, thủ trưởng đã giao cho ai nhiệm vụ gì thì người đó phải có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn, dù khó khăn đến mức nào cũng không được ý kiến lại. Khi duy trì các buổi giao ban, sinh hoạt, khác hẳn với tính kiệm lời thường ngày, thủ trưởng lại nói dài dòng, đôi khi nói như sợ người khác nói hết phần mình. Thủ trưởng sống và làm việc theo một lối nghĩ “Phải tạo ra một khoảng cách với cấp dưới” để tạo ra “cái oai, cái uy” của người lãnh đạo. Thế nên, anh em trong cơ quan rất ngại, thậm chí không dám bày tỏ nguyện vọng, đề đạt và đóng góp ý kiến của mình cho công việc cơ quan được vận hành suôn sẻ hơn. Bầu không khi đơn vị dẫu không đến mức căng thẳng, nặng nề, nhưng cũng rất hiếm khi chan hòa, cởi mở.

Tiếp đó, người kể chuyện thứ nhất tâm sự: Tớ học được ở thủ trưởng cơ quan một thái độ công bình trong giao tiếp, ứng xử; một tinh thần công tâm trong giải quyết các mối quan hệ và một ý thức, phẩm chất công bằng trong nhìn nhận, đánh giá công việc. Thủ trưởng luôn khuyên nhủ anh em trong cơ quan rằng: Đời người cán bộ, công chức có tới hơn hai phần ba thời gian gắn bó với công việc chung ở cơ quan, đơn vị; làm việc với nhau nhiều thì đôi chục năm, ít thì dăm bảy năm, nên những lúc sống gần nhau làm sao để rồi những lúc xa nhau, tình cảm đồng chí, đồng nghiệp còn lắng đọng mãi trong tâm trí mỗi người và không ai phải “giật mình” khi nhớ về thời quá khứ.

Còn người kể câu chuyện thứ hai bộc bạch: Tớ chỉ thấy thủ trưởng cơ quan có một “cái đầu lạnh” và trái tim “không nóng”. Thủ trưởng rất hiếm khi trò chuyện, trao đổi với anh em cấp dưới nên rất xa cách, không biết tâm tính của thủ trưởng nhiều lúc ra sao. Thủ trưởng là người đứng đầu một tập thể, mà nếu không thực lòng tôn trọng và thương yêu những cán bộ, nhân viên cấp dưới của mình, thì suy cho cùng cũng chỉ vì “cái ghế”, vì miếng cơm manh áo tầm thường. Thủ trưởng như thế không thể nói là xứng tầm ở vị trí “tiền phong” ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!   

Nghe hai người bạn kể lại những câu chuyện rất chân thành, tôi mới thấy tinh thần, tình cảm, tính cách của người đứng đầu một cơ quan, đơn vị có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến bầu không khí của tập thể và càng thấy mối quan hệ phẩm chất - năng lực (tài- đức) của người cán bộ quan trọng đến nhường nào. Một thủ trưởng ngoài việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng rất cần có tình cảm trong sáng, tấm lòng nhân hậu, chăm lo đến cuộc sống của người khác để xứng đáng trở thành người cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác Hồ đã dạy. Còn thủ trưởng chỉ chú ý đến việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, nhưng thiếu sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, đồng cảm với cấp dưới thì mới chỉ dừng lại ở một cán bộ có tài mà chưa trọng đức một cách đúng nghĩa.

Cũng từ hai câu chuyện của người bạn, tôi càng thấm thía thêm một điều gần như là chân lý: Nếu ngày xưa các bậc minh quân, hiền quan còn sống mãi trong lòng nhân dân vì tài cao đức cả, thì ngày nay, những cán bộ sáng suốt, công tâm và giàu tình cảm đạo đức cách mạng cũng luôn được mọi người quý trọng, tin yêu./.

Thiện Văn

(Theo TCTG)