flag header

Tin tứcTin tức

Có góc nhìn tích cực, mọi thứ trở nên tốt đẹp!

Ngày đăng: 18-03-2022 Lượt xem: 864

Khi trong chúng ta có người chưa nhìn nhận thấu đáo, khách quan, toàn diện một sự việc, một vấn đề, một con người… và vì thế dễ dàng đi đến đánh giá, nhận định thiên lệch.

Ngày 17-3-2022, Sở Xây dựng khánh thành đưa vào phục vụ người dân Công viên Bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh trên đường Tôn Đức Thắng. Dự án chỉnh trang Công viên Bến Bạch Đằng có quy mô chỉnh trang 1,6 ha, trong đó có 8.700 m đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite và 7.000 m mảng xanh có định hình không gian kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt, tạo không gian và tầm nhìn thông thoáng về phía bờ sông Sài Gòn. Công viên được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, chiếu sáng công viên, chiếu sáng mỹ thuật hiện đại và chất lượng. Công trình này đã được hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Còn Công viên Mê Linh có quy mô chỉnh trang gần 0,6 ha, được sửa chữa, nâng cấp nhằm tôn tạo đồng bộ cảnh quan khu vực, kết nối với cảnh quan Công viên Bến Bạch Đằng đến Cột cờ Thủ Ngữ. Khuôn viên công viên, thực hiện cải tạo lối đi bằng đá granite, có ghế ngồi tại các khu vực tiểu cảnh, lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng, trồng nhiều mảng xanh và cải tạo cây xanh bóng mát… Công viên Mê Linh nổi tiếng với tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo uy nghi hướng mặt ra bến Bạch Đằng; ở đây có lư hương, được người dân đến thể hiện lòng ngưỡng vọng đến Đức thánh Trần và các vị tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, đồng thời cũng là nơi để người dân bày tỏ khát vọng về đất nước hòa bình, thịnh vượng…

Khi bắt đầu thực hiện việc cải tạo cảnh quan khu vực này, thành phố đã cho dời lư hương về Đền thờ Đức thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1). Đến nay, sau khi hoàn chỉnh các hạng mục, thành phố đã đưa lư hương trở về vị trí cũ một cách trang trọng.

Điều lạ lùng là khi thực hiện việc cải tạo 2 công viên ở khu vực này với diện tích trên 2 ha, trong đó có nhiều hạng mục rất lớn thì ít được để ý mà có người chỉ chú ý đến cái lư hương. Từ đó, có kẻ xấu miệng lại thêu dệt rằng vì quyết định di dời lư hương nên thành phố đã xảy ra một số vụ việc không hay, có vị lãnh đạo gặp chuyện chẳng lành…, làm cho câu chuyện cái lư hương trở nên huyền hoặc, thần bí… Trên thực tế, nếu nói những sự việc không hay của thành phố thì thỉnh thoảng xảy ra những việc này khác (như hỏa hoạn làm chết nhiều người, vỡ đê bao làm ngập lụt, có lãnh đạo thành phố mắc sai phạm bị xử lý, có vụ việc liên quan đến nhiều người phải xử lý trong thời gian dài…) chứ không thể “gắn” với việc dời lư hương; còn việc mà người ta cho là “báo ứng” thì hoàn toàn ngẫu nhiên, bởi tham gia việc quyết định và trực tiếp tổ chức di dời vốn có rất nhiều người, sao chỉ cá biệt có người không may; đó là chưa kể, thần thánh (cứ cho là có!) cũng có đức hiếu sinh, không thể vì một việc nhỏ, không hề có ý xúc phạm (bởi chỉ dời lư hương từ vị trí này đến vị trí khác) thì cũng không thể quở phạt ai nặng nề (nếu thực sự có sự quở phạt đó!).

Triết học Mác – Lênin có quan điểm toàn diện, tức là khi nghiên cứu và xem xét sự vật phải quan tâm đến tất cả các yếu tố, các mặt, bao gồm cả mặt gián tiếp, trung gian có liên quan đến sự vật; quan điểm này xuất phát từ mối liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng và các hình thái tri thức… Thế nhưng trên thực tế, có không ít người chỉ nhìn sự vật, hiện tượng một cách rời rạc, đơn lẻ, tách biệt với các sự vật, hiện tượng khác. Nhìn cái lư hương, có người chỉ thấy nó là một đồ vật mang tính tâm linh, tín ngưỡng riêng biệt, nặng về sùng bái mà không đặt trong tổng thể các sự vật khác, các yếu tố khác về văn hóa, văn minh, mỹ quan đô thị… Và, trong tâm thế “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, hễ những việc gì dù tốt của chủ thể mà họ ghét thì cũng là việc xấu!

Những ngày này, khi triều lên, nhất là vào các buổi chiều, khu vực Công viên Bạch Đằng, Công viên Mê Linh đón gió lồng lộng từ sông Sài Gòn thổi vào. Quần thể các công trình từ cột cờ Thủ Ngữ đến Công viên Bạch Đằng, bên cạnh đó là Công viên Mê Linh, cụm cờ ASEAN, phố đi bộ Nguyễn Huệ…, trở nên đẹp mắt, sinh động, nhiều màu sắc. Các bức ảnh chụp góc rộng từ các nhà cao tầng hoặc bằng flycam thực sự để hút ánh nhìn của người xem. Và khi phố lên đèn, cả khu vực này trở lên lung linh, rực rỡ, như tô đoàn điểm thêm vẻ đẹp của thành phố mang tên Bác.

Một công trình, một sự kiện, một hiện tượng, một con người… có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ; nhưng nhìn ở phía nào mà có thái độ tích cực thì mọi thứ trở nên tích cực và có nhiều điều tốt đẹp!

NGŨ YÊN