flag header

Tin tứcTin tức

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979) - Một chương lịch sử anh dũng, vẫn nhớ dù không cần nhắc lại!

Ngày đăng: 16-02-2020 Lượt xem: 4736

Lịch sử nước ta là một chuỗi các cuộc chiến tranh giữ nước. Sau ngày 30-4-1975, tưởng chừng đất nước sẽ được hòa bình, toàn dân được yên ổn để hàn gắn vết thương chiến tranh thì gần như ngay lập tức chúng ta phải tiếp tục chống các cuộc xâm lược. Khmer Đỏ, dưới sự giật dây của các quan thầy ở Bắc Kinh, liên tục xâm phạm biên giới, giết hại dã man đồng bào ta, âm mưu xua quân đánh chiếm cả vùng Nam bộ. Nhiều lần kiềm chế và nhân nhượng không có kết quả, cuối năm 1978, quân ta đã phản công toàn tuyến biên giới, bẻ gãy toàn bộ cuộc xâm lược của tập đoàn Pol Pot; đồng thời thực hiện lời yêu cầu khẩn thiết của nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã đánh tan chính quyền phản động, diệt chủng Khmer Đỏ, giải phóng Phnom Penh vào ngày 7-1-1979 và giúp chính quyền non trẻ Cộng hòa Nhân dân Campuchia xây dựng đất nước.

Liền sau thất bại của các đồ đệ ở Campuchia, chính quyền bành trướng ở Bắc Kinh đã tức tối tìm cách trả đũa. Họ dựng ra cái gọi là “phản kích tự vệ” để lừa mị dư luận trong nước và thế giới, tiến hành đưa hơn 600.000 quân đồng loạt tấn công ở toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân dân các tỉnh biên giới (trong đó phần lớn là du kích và bộ đội địa phương) đã chiến đấu vô cùng anh dũng, đẩy lui nhiều cuộc tiến công của quân địch. Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên; trưa cùng ngày phía Trung Quốc tuyên bố rút quân. Trên đường lui quân, quân Trung Quốc còn tiếp tục gây nhiều tội ác; đến ngày 16-3-1979, phía Trung Quốc tuyên bố hoàn tất việc rút quân. Tuy nhiên, từ đó cho đến cuối thập niên 1980, tập đoàn cầm quyền hiếu chiến Bắc Kinh vẫn không ngừng xua quân đánh phá, chiếm đóng lãnh thổ nước ta, giết hại và bắt cóc dân thường của Việt Nam…

Trong nhiều năm qua, cuộc chiến này được một số người cho là ít được nhắc tới. Kỳ thực, vào đầu thập niên 1990, khi hai nước Việt Nam – Trung Quốc tiến hành bình thường hóa quan hệ, hai bên đã nhất trí quan điểm “khép lại quá khứ”. Do đó, không riêng gì Việt Nam mà phía Trung Quốc cũng không nhiều lần nhắc lại cuộc chiến.

Từ việc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ít được đề cập, một số người đã suy diễn xa xôi về thái độ của Đảng và Nhà nước ta, về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức, truyền thông trong nước đã liên tục thông tin về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta, về những câu chuyện cảm động liên quan đến cuộc chiến, về sự hồi sinh ở các địa phương từng là chiến trường khốc liệt… Các hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến này, việc tu sửa các nghĩa trang, công tác chăm lo thương binh, gia đình chính sách… đã được các ngành, các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục, dù có lúc ít được truyền thông nhắc tới.

Dẫu vậy, nhiều câu chuyện cảm động về cuộc chiến này đã được báo chí khai thác nhiều khía cạnh, như cuộc hội ngộ của các nhân vật trong bức ảnh cô bộ đội bế em bé, về người lính bộ binh Trần Huy Cung đang tì súng B41 ở cột Km số 0 Lạng Sơn - nhân vật trong bức ảnh mang tính biểu tượng của cuộc chiến, về cuộc chiến đấu ở Vị Xuyên, về đóa hoa Hồng Chiêm bất tử, về nhà báo quả cảm Takano Isao… Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 2019), truyền thông đã thông tin khá dày về cuộc chiến này, nhất là ở khía cạnh chỉ đạo chiến lược, các cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta, về sự ủng hộ của thế giới đối với cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, về sự hồi sinh của những vùng từng là chiến trường ác liệt, về các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm… Sự thông tin rộng rãi đó đã làm nhiều kẻ soi mói phải im lặng vì gần như không còn nhiều lý do để phê phán.

Tuy nhiên, một số kẻ phá hoại, phản động luôn muốn tạo ra sự thù hằn, khoảng cách giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, luôn tung ra các luận điệu kích động cho cái mà họ gọi là “kẻ thù ngàn đời” hay các chiêu bài “thoát Trung”, “bài Trung”… Họ thường dẫn lại các sự kiện có thể khơi gợi sự căm thù hơn là muốn các dân tộc cùng hướng về một tương lai tốt đẹp. Trong khi trên thực tế, sự thù hằn sẽ kéo lùi sự phát triển của cả hai dân tộc, hai đất nước.

Có người ví von: hai gia đình hàng xóm từng có xích mích với nhau, sau này làm lành và hợp tác cùng nhau để phát triển. Nếu các thành viên trong từng gia đình cứ mãi nhắc lại bất đồng năm xưa với thái độ hằn học, căm ghét đối phương thì hẳn sự hợp tác sẽ khó hiệu quả, sự hòa thuận sẽ khó vững bền. Nhìn rộng hơn, với hai quốc gia, hai dân tộc từng có những va chạm, có khi do phía nhà cầm quyền hiếu chiến gây nên, chứ không phải do nhân dân các quốc gia đó hay do từng thành viên của các dân tộc đó. Do vậy, có những điều có thể không nhất thiết được nhắc lại bằng một thái độ tiêu cực, nặng nề.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, dù nhìn ở khoảng ngắn trong 1 tháng đầu năm 1979 hay cả chuỗi 10 năm 1979 – 1989 thì với dân tộc ta cũng là một chương hào hùng, anh dũng và bi tráng. Có thể trong từng lúc chúng ta không nhắc lại nhiều nhưng hẳn mọi người vẫn ghi nhớ! Và dĩ nhiên, nhớ để tự hào về tinh thần quả cảm của cha anh, để rút ra những bài học thực tiễn, để cùng chung tay xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, chứ không phải nhớ để thù hằn, căm ghét!

Ngũ Yên