flag header

Tin tứcTin tức

Cuộc hành trình lịch sử và phát kiến mang tầm vóc vĩ đại

Ngày đăng: 04-06-2020 Lượt xem: 2998

Lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc trong một khoảng thời gian nào đó thường xuất hiện những anh hùng cứu quốc. Ở thế kỷ XI có Lý Thường Kiệt, thế kỉ XIII có Trần Quốc Tuấn, thế kỉ XV là Lê lợi, Nguyễn Trãi, thế kỉ XVIII là Quang Trung – Nguyễn Huệ và ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX người đó không ai khác chính là Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Lịch sử không có chữ “nếu”, nhưng nếu thử đặt chữ “nếu” thì không hiểu lịch sử của dân tộc Việt Nam đã đi về đâu nếu không có sự kiện này.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911 có thể xem là dấu mốc khởi đầu của sự thay đổi vận mệnh đất nước và số phận dân tộc Việt Nam.

1. Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Buổi chiều định mệnh ngày 31-8-1858, tiếng súng của quân xâm lược Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng. Một dân tộc khép kín đã bao năm nay trong lũy tre làng nay bị rung chuyển bởi tiếng gầm của đại bác quân thù. Đất trời từ đây cũng rung chuyển và cả tương lai, vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng ngả nghiêng theo.

Ngày 10-2-1859, quân xâm lược Pháp tiến vào cửa biển Cần Giờ. Từ đó trở đi, nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc đối mặt sống chết với quân thù. Cả một dân tộc với sĩ khí ngút trời đã không đương đầu nổi một đội quân xâm lược với vũ khí tối tân.

Trước thử thách vô cùng cam go của đất nước, nội bộ triều đình nhà Nguyễn lục đục và chia rẽ nghiêm trọng. Cả triều đình văn võ bá quan không bàn và ra được một kế sách khả dĩ ngăn chặn bước tiến của quân thù. Ngày 09 tháng 5 năm 1862, tại Gia Định, đại diện của triều đình Huế và nước Pháp do thiếu tướng Hải quân Bonard đại diện đã kí hòa ước, sau này lịch sử gọi đó là hòa ước Nhâm Tuất. Bản hòa ước có 12 khoản, trong đó có điều khoản là “Nước Nam phải nhừng đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường”. Đây thực chất là một bản hòa ước đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, mở đường cho thực dân Pháp dần chiếm trọn nước ta. Thừa cơ lấn tới, “đục nước thả câu”, thực dân Pháp “nuốt” trọn thêm 3 tỉnh Miền Tây. Hiệp ước Giáp Tuất 1874 ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874 giữa đại diện của triều Nguyễn Lê Tuấn - Chánh sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phó sứ toàn quyền đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ gồm có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo. Lục tỉnh Nam Kỳ rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Trước gót giày xâm lăng của quân thù, nhân dân khổ cực, lầm than, li tán. “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Nguyễn Đình Chiểu). Đến điều ước Pa-tơ-nốt (1884), thực dân Pháp đã hoàn thành về cơ bản quá trình bình định và chính thức xác lập ách thống trị trên đất nước Việt Nam.

Từ thủa cha ông dựng nước, chưa khi nào nỗi nhục dân tộc lớn đến nhường này.

Trước tình cảnh ấy, nhân dân ta ở nhiều nơi, đặc biệt là trong các vùng đất bị chiếm đóng đã bất tuân thượng lệnh của triều đình, tự tổ chức nghĩa binh chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ và đã nổi dậy từ Bắc chí Nam, đến cả nhà vua cũng là người chủ xướng các phong trào này – vua Hàm Nghi với phong trào Cần Vương. Từ cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân… ở miền Nam; Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng … ở miền Trung; Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Ngọc Bích; Hoàng Hoa Thám …ở miền Bắc. Các phong trào nhân dân chống Pháp diễn ra ở nhiều nơi – cho dù dưới hình thức nào từ bạo lực cách mạng đến canh tân đất nước, duy tân, cải cách – thì cuối cùng đều bị thất bại. Gần như tất cả các phong trào có xu hướng chống thực dân xâm lược đều bị kẻ thù đánh phá: Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa (1907), vụ Hà thành đầu độc bị thất bại và tàn sát (1908), cuộc biều tình chống thuế ở miền Trung bị đàn áp (1908), khởi nghĩa Yên Thế - khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối cùng - bị bao vây và đánh phá (1909); phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của Ông bị trục xuất khỏi nước Nhật (1909), các lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Trung Kì cũng bị tàn sát; vua Thành Thái – một nhà vua có tư tưởng thương dân, chống Pháp bị buộc phải thoái vị năm 1907 v.v…

Nguyên nhân có nhiều, song một nguyên nhân sâu xa mà lịch sử sau này chứng minh, đó là: Các phong trào yêu nước ấy đều thiếu một đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến.

Sự khủng hoảng này không phải giải quyết trong “một sớm, một chiều” mà phải đến khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mới chấm dứt khủng hoảng.

Giai cấp phong kiến trong lịch sử đã có những đóng góp giữ cho giềng mối quốc gia, dân tộc, gia đình về cơ bản ổn định, thế nhưng, trước “cơn sấm dậy” này, nó gần như đã đóng xong vai trò, nhiệm vụ. Không những thế, có lúc, nó còn trở thành lực cản, thành giai cấp phản động, kìm hãm sự phát triển, bán nước, tay sai cho giặc mà đỉnh điểm là các vị vua nhà Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh…Giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám” đã cho rằng “Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử[1]”.

Hệ tư tưởng phong kiến đã như vậy, giai cấp tư sản thì mới ra đời, còn non yếu với lực lượng kinh tế phụ thuộc và khuynh hướng chính trị cải lương, không có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến để giành độc lập tự do. Đó là không muốn nói rằng có một bộ phận giai cấp tư sản đã ôm chân thực dân Pháp phản lại quyền lợi của dân tộc.

Giai cấp nông dân và tiểu tư sản khao khát độc lập, tự do, hăng hái chống đế quốc và phong kiến, nhưng đây lại không phải là giai cấp cách mạng triệt để. Vì vậy, những lãnh tụ của họ không thể vạch ra con đường giải phóng đúng đắn và không thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam giai đoạn này là giai đoạn cùng cực. Cả dân tộc rên xiết dưới gót dày của quân xâm lược nhưng tiền đồ lại đen tối như không có đường ra.

2. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác – Lênin                                                                                       

Trong “ngõ cụt” của con đường đấu tranh chống thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho tổ quốc ấy, một vì sao sáng đã xuất hiện trên bầu trời Việt Nam – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một ai trong số các bậc tiền bối này. Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[2].

Rời bến cảng Nhà Rồng đi sang phương Tây ngày 5/6/1911 trên con tàu buôn mang tên Đô đốc Latouche Tréville.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở vùng Nghệ Tĩnh – cái nôi của các phong trào yêu nước kháng Pháp, chứng kiến những thất bại cay đắng của các bậc tiền bối, chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của người dân và tội ác của quân thù đã thôi thúc người thanh niên yêu nước ra đi tìm lời giải đáp.

Một câu hỏi có thể vẫn là đề tài cho giới nghiên cứu trong và ngoài nước là tại sao Nguyễn Tất Thành lại chọn hướng sang phương Tây mà không chọn sang Nhật Bản hay Trung Hoa như các chí sĩ yêu nước bậc cha chú đã đi. Điều ấy chỉ có thể giải thích bằng việc phải sang tận nơi đã đề ra những câu tuyên ngôn nổi tiếng “Tự do – Bình đẳng – Bác Ái”. Sau này, vào năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng ÔXip Mandenstan; Hồ Chí Minh cho biết: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắngnào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy[3]”. Chính người xưa cũng đã từng đúc kết “không vào hang làm sao bắt được cọp”. Hai nữa, muốn đấu tranh đánh đổ người Pháp đô hộ phải hiểu họ mới có thể hành động. Đây có lẽ cũng là lý do mà khi ở Pháp, Người đã viết thư xin vào học trường thuộc địa ở Pháp. Tất nhiên mong muốn này đã bị bác. Nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur chẳng đã từng nói: “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc” đó sao. Cũng vì lá đơn xin vào học trường thuộc địa này mà hiện nay, những lực lượng chống đối và mưu đồ hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh rêu rao rằng Nguyễn Tất Thành sang Pháp là để xin đi học làm quan cho Pháp chứ không phải để tìm đường cứu nước. Và rằng, vì đơn xin học bị bác nên mới đi theo Cộng sản chứ mục đích ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành không phải để tìm đường cứu nước mà để tìm đường làm ăn (!?). Về vấn đề này, một sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ - tác giả Trần Chung Ngọc đã cho rằng những người đưa ra bức thư này với mưu đồ hạ bệ Hồ Chí Minh đã không nghĩ đến phản tác dụng khi đưa ra bức thư này. Ông viết: “Thứ nhất, họ không tìm hiểu tại sao giám đốc trường thuộc địa lại từ chối đơn xin học của ông Hồ với lý do rất đáng buồn cười: “Mục đích của ông tới đây là để kiếm sống chứ không phải là để đi học” Ở trên đời này có trường nào bác đơn xin học của một sinh viên với lý do là anh ta không có ý định đi học không? Sở dĩ trường thuộc địa bác đơn xin học của ông Hồ vì trong đơn ông Hồ “đã dại dột” viết rõ là mục đích của ông là có thể dùng nền học vấn để giúp ích cho đồng bào của ông, để cho họ được hưởng những hữu ích của nền học vấn mà ông thu thập được [“Je désirerais devenir utile à la France vis à vis de mes compatriotes etpouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de l’instruction”]Những người chống Cọng quê mùa thường bỏ đi đoạn sau trong câu trên và diễn giải là ông Hồ xin học trường thuộc địa để phục vụ cho Pháp (utile à la France). Nhưng một người như ông Hồ, thuộc một gia đình yêu nước chống Pháp, thì “phục vụ cho Pháp” không thể tương hợp với “phục vụ đồng bào”. Đó chỉ là một câu để có thể xin vào học trường thuộc địa. Trường thuộc địa là để đào tạo những tay sai phục vụ cho nước Pháp, chứ không phải để phục vụ cho dân thuộc địa. Giám đốc trường thuộc địa không phải là không biết điều này, nên đã từ chối với một lí do vốn không phải là lí do, vì nó rất vô lí. Những người muốn hạ bệ ông Hồ về một bức thư xin học trường thuộc địa không đủ trí tuệ để thấy sự phản tác dụng khi đưa ra tài liệu này[4]”.

Có lần, khi trả lời một nhà văn người Mỹ, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi[5]”. Một lí do khác có thể thấy là tất cả các phong trào của các bậc cha, anh đi sang Trung Quốc, Nhật Bản đều bị thất bại. Việc Hồ Chí Minh chọn đúng hướng đi trong hành trình tìm đường cứu nước của mình như là định mệnh, là hồng phúc của dân tộc Việt Nam. Từ con đường này, mang trong mình dòng máu yêu nước của dân tộc, của cha ông, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc hành trình này, Người đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và gần 30 nước. Dừng lại nước Mỹ, nơi có tượng nữ thần Tự Do vào năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã đi sâu tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản tuyên ngôn nổi tiếng. Thế nhưng, đằng sau bộ mặt hoa lệ của thị thành, dưới chân tượng nữ thần Tự Do là cuộc sống cơ cực của những người cùng khổ, những nô lệ da đen. Căm giận trước những hành động phân biệt chủng tộc dã man này, sau này Người đã viết bài báo hành hình kiểu Linsơ.

Trên hành trình tìm đường cứu nước gian khổ này, Nguyễn Tất Thành đã làm nhiều nghề để kiếm sống: từ nhận cào tuyết cho một trường học, làm thợ đốt lò; làm bồi bàn, phụ bếp v.v…

Có lẽ vì chứng kiến đời sống khổ cực của nhân dân các nước thuộc địa và ở ngay cả người dân chính quốc và bản thân cũng trải qua những ngày cơ cực nên Nguyễn Tất Thành sau này đã rút ra một chân lí: “Nhân dân lao động trên thế giới ở đâu cũng là bạn; chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù”.

Từ nước Anh trở lại nước Pháp vào năm 1917 với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người đi sâu tìm hiểu về cách mạng tư sản Pháp, về công xã Pari năm 1871. Một sự kiện không chỉ gây chấn động toàn thế giới mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Ái Quốc: Cách mạng tháng Mười Nga thành công, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người nô lệ đứng lên tự giải phóng cho mình. Nguyễn Ái Quốc đi sâu tìm hiểu cách mạng XHCN tháng Mười Nga. Để xây dựng tổ chức, Người đã tổ chức lại Hội những người Việt Nam yêu nước bao gồm rất nhiều những người Việt có uy tín trên đất Pháp.

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản – Quốc tế III do Lênin sáng lập ra đời. Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba[6]”. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh cho biết thêm rằng: trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ[7]”.

Tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc khi ấy tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Tại diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…(…) Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi![8]”. Chính tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

Đây là bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời cách mạng của Người, bởi từ quyết định này, Người đã chuyển hẳn từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Năm 1960, nhắc lại sự kiện này, Người đã viết “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa[9]”.

3. Tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc: mốc son vĩ đại nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, cứu dân có ý nghĩa lịch sử to lớn, đó là:

Một là, trước hết, có thể khẳng định rằng hành động lịch sử gia nhập Quốc tế cộng sản và thành lập Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng mà dân tộc ta đã vấp phải từ nửa cuối thế kỷ XIX. Bằng phát kiến vĩ đại này, cách mạng Việt Nam sau đó đã tìm thấy cho mình con đường đi thích hợp thoát ra khỏi khủng hoảng, bế tắc về đường lối tưởng không có đường ra. Con đường mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy là con đường đúng đắn, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và xu thế thời đại. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử dân tộc Việt Nam trong 100 năm qua.

Hai là, từ một dân tộc thuộc địa bị kìm kẹp dưới gót dày của quân xâm lược, những phong trào cách mạng nếu có nổ ra cũng chỉ trong phạm vi rất hẹp, cùng lắm là có sự ủng hộ của Trung Hoa khi ấy. Từ công lao vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng Việt Nam đã thoát ra khỏi bế tắc, chật hẹp và được nối liền với phong trào cách mạng sôi nổi trên thế giới. kể từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã gắn chặt với phong trào cách mạng thế giới. Cách mạng Việt Nam không còn đứng đơn lẻ, cô độc mà đã trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.

Ba là, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên gắn chặt ngọn cờ độc lập dân tộc với ngọn cờ CNXH. Người đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin để từ đây, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh và được thể hiện sáng chói trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Bốn là, với việc tìm ra con đường cứu nước, phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng chân chính, cách mạng với mục tiêu tất cả vì lợi ích của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Kể từ ngày 3-2-1930, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong dẫn lối, chỉ đường. Đội tiên phong ấy đã cùng với nhân dân làm nên cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, làm nên một mùa xuân toàn thắng 30-4-1975. Các cuộc cách mạng vĩ đạo này không chỉ giải phóng nhân dân Việt Nam, đem lại lợi ích lớn lao cho đất nước và nhân dân Việt Nam mà còn là động viên, khích lệ to lớn để các quốc gia trên thế giới đứng lên đấu tranh giành lại độc lập và quyền lợi chính đáng của mình.

Vì lẽ ấy, Nguyễn Ái Quốc không chỉ có công lao đối với dân tộc Việt Nam mà còn có công lao đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Người đã có đóng góp không nhỏ đối với cho phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.

Có những sự kiện thời gian càng lùi xa càng tôn lên tầm vóc vĩ đại của nó, sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam là một sự kiện mang tầm vóc vĩ đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Nhân dân, số 4062, ra ngày 18-5-1965
  2. Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám; Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
  3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 1.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10.
  5. Trần Chung Ngọc: Nhận định về DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo (http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls10.php).
  6. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970.

                                                                     TS.Vũ Trung Kiên

Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị KV 2

 


[1] Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám; Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. Bìa ngoài

[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.11.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, HN. 2000, tập 1, tr. 477

[4] Trần Chung Ngọc: Nhận định về DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo (http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls10.php).

[5] Báo Nhân dân, số 4062, ra ngày 18-5-1965       

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr.127

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr.128

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, HN. 2000, tập 1, tr. 23-24

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 10, tr.241