flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Cuộc sống bình an của người dân là mục đích cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Ngày đăng: 17-07-2021 Lượt xem: 4822

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra hết sức quyết liệt. Toàn hệ thống chính trị Thành phố đang vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Cùng với đó là sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân thành phố, sự hỗ trợ của trung ương và sự chia sẻ khó khăn của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong cả nước. Khó khăn chồng chất, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, số ca nhiễm được phát hiện không ngừng tăng trong những ngày qua. Thế nhưng, dù cho khó khăn có đến mức nào thì cuộc sống an lành của Nhân dân là mục đích cao cả của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Quyết tâm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh bước sang ngày thứ 8 - tức là bắt đầu tuần thứ 2 trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn Thành phố. Đây là khoảng thời gian quý báu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định việc bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát các nguồn lây nhiễm để tiến hành dập dịch triệt để. Thực hiện quyết tâm này, tại các địa phương thuộc Thành phố cũng đã áp dụng thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch tại các khu dân cư, các phường, cụm phường với quy mô lên đến hàng trăm ngàn nhân khẩu để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ trong tổ chức điều hành công tác lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm... để phát hiện, "bốc" ngay F0 ra khỏi cộng đồng nhằm sớm cắt đứt nguồn lây nhiễm. Về việc này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị sau ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, lực lượng chống dịch cần tiếp tục tổ chức chấn chỉnh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tình huống phối hợp chưa đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp ngày 15-7 (Ảnh: NLĐ)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đang thực hiện tốt việc test 3-5 ngày một lần, khi phát hiện ca nghi nhiễm là lấy mẫu làm ngay RT-PCR để khẳng định. Mục tiêu của chiến lược này là làm sao trả kết quả xét nghiệm càng nhanh càng tốt để giảm tốc độ lây nhiễm với cộng đồng. Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Những ngày qua, số ca mắc của Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp truy vết, test kháng nguyên nhanh bởi nguyên tắc chống dịch là phát hiện sớm để cách ly, khoanh vùng dập dịch. Việc phát hiện F0 trong cộng đồng sớm rất quan trọng, chứng tỏ công tác phòng chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng”.

Kết quả triển khai các giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly y tế, test kháng nguyên đang đi đúng hướng và đạt được những mục tiêu bước đầu. Thế nhưng, trong thời gian chính quyền, ngành y tế Thành phố triển khai các giải pháp này, trên các nền tảng mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc về vấn đề nguồn cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; về tình hình tại các khu cách ly,… đã phần nào gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong Nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Chăm lo cho Nhân dân là mục đích tối thượng

Không để người lao động bị bỏ lại phía sau”. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, kể từ năm 2020. Và đến nay, khi Thành phố Hồ Chí Minh trải qua những ngày dịch bùng phát mạnh, Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn quan tâm việc đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm cho người dân; giảm thiểu đến mức thấp nhất số ca tử vong do nhiễm Covid-19 và đẩy nhanh chiến dịch tiêm vacxin để tiến đến miễn dịch cộng đồng.

Sau gần một tuần triển khai, đến ngày 15/7, hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng đến tay mỗi người lao động tự do theo gói hỗ trợ 887 tỉ đồng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đợt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần này, người lao động tự do là nhóm được ưu tiên hỗ trợ trước nhất với khoảng 230.000 người. Đây là đợt chi trả đầu tiên và các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát để bổ sung vào danh sách. Cán bộ cán phường trên địa bàn Thành phố đã vào tận nơi phong tỏa, khu cách ly để phát tiền trợ cấp cho người dân, đã khiến không ít người dân cảm động trong bối cảnh cuộc sống có nhiều khó khăn, chật vật do không thể đi làm.

Ủy ban MTTQ Quận 8 tổ chức mô hình "Màu xanh hy vọng” trao tặng 01 tấn rau củ quả các loại (đợt 1) tại khu vực phong tỏa tạm thời trên địa bàn quận (Ảnh: UBMTTQ Q8)

Theo thông tin cập nhật sáng 13/7 của Trung tâm Kiểm soát bệnh, tật thành phố (HCDC): Qua 04 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm vắc xin là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2. Chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 5 khi vắc xin được phân bổ về thành phố dự kiến được phân bổ 54.990 liều vắc xin Pfizer, hơn 100.000 liều vắc xin AstraZeneca và 1 triệu liều vắc xin Moderna. Chiến dịch sẽ được triển khai dựa trên hệ thống tiêm chủng mở rộng và kéo dài 2-3 tuần. Các điểm tiêm chủng chỉ thực hiện 120 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống COVID-19.

Về cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, qua đánh giá hệ thống siêu thị hiện đại đã đạt công suất cực đỉnh, năng suất kho chứa cũng có giới hạn nên không thể mở rộng, Thành phố đã huy động các doanh nghiệp, công ty bưu chính, giao hàng, doanh nghiệp logistic… hỗ trợ bổ sung thêm 1.000 điểm bán hàng. Theo phản ánh của báo chí, chiều 15/7, lượng hàng hóa tại các siêu thị Co.op Food, Bách hóa Xanh, VinMart hay Satrafood… phủ đầy khoảng 70%-90% trên kệ, giá cả được niêm yết và không thấy có trường hợp tăng cao bất thường. Đề phòng trường hợp người dân mua hàng dự trữ quá nhiều, không cần thiết, một số siêu thị ghi thông báo “mỗi khách hàng được mua 2 gói rau nấu canh, 1 vỉ trứng (các loại) để nhường phần còn lại cho mọi người” hoặc “Phục vụ nhu cầu thực tế - mỗi khách hàng được mua 2kg rau, 1 vỉ trứng (10 quả)/mỗi loại”…

Trong các cuộc làm việc với các địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng nhiều lần chỉ đạo: “Tuyệt đối không để bà con thiếu đói”. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu chính quyền thành phố đối với hệ thống chính quyền cơ sở trong công tác đảm bảo cuộc sống người dân trong tình hình dịch.

Sự đồng lòng của người dân là yếu tố quyết định

Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn quan tâm lắng nghe tiếng nói từ Nhân dân, ghi nhận, tiếp thu những phản ánh của báo chí, truyền thông; chủ động thực hiện việc kiểm tra, giám sát để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những điểm nghẽn, những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo, gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố và các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn để trao đổi, cung cấp thông tin và lắng nghe ý kiến phản ánh từ báo chí.

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19 (Ảnh: VnEconomy)

Thành phố còn chủ động thiết lập các kênh thông tin thường xuyên, đột xuất để cung cấp thông tin cho lực lượng báo chí tác nghiệp về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ngoài ra, chiều tối 15/7, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản về việc cung cấp thông tin chính thống cho bệnh nhân điều trị Covid-19 và người cách ly tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trên địa bàn Thành phố. Qua đó, giúp người dân không bị hoang mang, dao động bởi những thông tin sai trái, bịa đặt.

Hơn lúc nào hết, Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta đang trải qua những ngày rất khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Thành phố đã phải trải qua những khó khăn, bất tiện, hy sinh những nhu cầu riêng không thiết yếu để cùng chung sức, đồng lòng với Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị Thành phố quyết tâm chống dịch. Bước sang tuần thứ 2 thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân cần quyết tâm hơn nữa, chung sức, đồng lòng, đoàn kết chặt chẽ cùng hệ thống chính trị Thành phố tận dụng khoảng thời gian quý báu này để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19.

Mỗi cá nhân cần kiên quyết bác bỏ những thông tin sai trái, bịa đặt, hòng gây hoang mang trong xã hội và kéo giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố là đã góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19./.

Thanh Trịnh