flag header

Tin tứcTin tức

Đặc sắc Phạm Văn Đồng!

Ngày đăng: 01-03-2021 Lượt xem: 2667

Một số người hay nghĩ đến một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là người khô khan, cứng nhắc, nguyên tắc mà ít biết hoặc không chịu biết rất nhiều người trong số họ thực ra cực kỳ giàu tình cảm, đầy lòng nhân ái, nhân văn. Đó chính là sự học tập lời dạy của Bác Hồ: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người đặc sắc như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.

Hẳn rất nhiều người biết câu chuyện cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) đã có đời sống gia đình thế nào. Ông hoạt động cách mạng từ rất sớm và thời thanh niên phải bị tù đày ở Côn Đảo (1930 – 1936), sau đó bị cuốn vào các cao trào cách mạng. Mãi đến sau Cách mạng tháng Tám, ông mới lập gia đình với bà Phạm Thị Cúc (1922 – 2018), lúc ông đã 39 tuổi, còn vợ mới 23 tuổi. Năm 1951, ông bà sinh được một người con trai, đặt tên là Phạm Sơn Dương, kỷ niệm nơi lúc đó ông đang công tác.

Sau khi sinh con, bà Phạm Thị Cúc mắc nhiều bệnh, gần như từ đó không thể sống cuộc sống bình thường, dù sau hòa bình được chạy chữa ở nước ngoài. Đến giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông gần như phải sống ở Phủ Chủ tịch. Thấy vậy, cả dòng họ bên bà Cúc đã mời ông về họp mặt gia đình, tỏ ý ái ngại vì ông bận việc nước mà không được sự săn sóc của gia đình... Nhưng ông chỉ cảm ơn đại gia đình bên vợ và nói với người anh cọc chèo Nguyễn Kim Cương (1906 – 1994, người có 10 năm làm Thứ trưởng Phủ Thủ tướng (1960 – 1970), tương đương với chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay): Không ai thay thế được vị trí của cô Cúc trong đời tôi”. Ông thường xuyên về thăm nom người vợ đau ốm; khi về cũng như khi đi, bao giờ ông ôm hôn vào trán bà… Suốt đời, ông chung thủy với người vợ đau yếu và chấp nhận thiếu thốn bàn tay chăm sóc của hiền nội.

Còn đối với anh Phạm Sơn Dương, rất nhiều người quen biết anh không biết đó là con của vị Thủ tướng nổi tiếng. Khi còn nhỏ, anh có thời gian sống gần với các cán bộ cảnh vệ, phục vụ của cha. Lúc anh học tiểu học ở quận Ba Đình, có lần chơi đánh đáo rồi cãi nhau và đánh nhau với một bạn là con trai một ông nhà nghèo sửa xe đạp trên phố, bị một vết bầm trên mặt. Bác Tô thấy vậy mới bảo với mấy người giúp việc: “Các cháu nhỏ cùng học va chạm nhau rồi xô xát là điều không tốt, nhưng cũng vẫn có xảy ra. Đừng làm to chuyện. Bảo ban cháu Dương và nhất là tìm hiểu xem cháu kia có bị đau không, nếu cần thì phải gặp ông chữa xe đạp nói lời tử tế, cho tôi thăm hỏi và xin lỗi”…

Năm 1969, đang lúc cao điểm cuộc chống Mỹ, Phạm Sơn Dương đi bộ đội; gia đình Thủ tướng cũng làm nghĩa vụ công dân như bao nhiêu gia đình khác mà không có ngoại lệ. Đó là điều khiến chúng ta vô cùng kính phục và xúc động. Thời gian tham gia chiến đấu cũng như sau này, anh cũng không được ưu ái hay quan tâm gì đặc biệt theo kiểu con của một vị Thủ tướng. Cho đến khi nghỉ hưu, anh là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Học viện Khoa học và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng). Năm 1994, anh tổ chức đám cưới trong một tiệc ngọt giản dị, chỉ có trà và bánh kẹo, không có ăn mặn, với số khách mời cũng khiêm tốn… Sau này, hai người con của anh Dương được ông nội đặt cho những cái tên cực kỳ ý nghĩa, hàm ý gửi gắm những điều rất sâu sắc: con trai Quốc Hoa, con gái Quốc Hương, có nghĩa là hoa và hương của đất nước.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975. Ảnh: TL

Đối với cán bộ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người luôn quan tâm đến những điều mà ít người để ý đến, đó là đời sống vật chất cá nhân. Ông Việt Phương (1928 – 2017), người thư ký lâu năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (53 năm), cho biết: Ông Phạm Văn Đồng có một quỹ riêng, cùng nhiều tặng phẩm do nhân dân và bạn bè quốc tế gửi tặng, phần lớn được dùng để kín đáo giúp đỡ các cán bộ túng thiếu, các vị trí thức gặp khó khăn, và những đồng bào lâm hoạn nạn hoặc nghèo khó, nhất là các gia đình đã từng có công với cách mạng. Trước ngày Tết và ngày Quốc khánh, ông tự mình nêu tên những vị trí thức và những cán bộ mà anh muốn gửi tặng quà, của vật chất cũng chẳng có nhiều, tấm lòng thì chân thật và tinh tế.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng (1945 – 2014), người tù nổi tiếng với nụ cười chiến thắng ở tòa án Mỹ - ngụy kể lại: Sau khi được trao trả năm 1973, bà được đưa ra Bắc để điều trị các di chứng do chế độ tù đày của kẻ thù hành hạ. Trong khi được cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghỉ dưỡng tại Tam Đảo thì bà bị sốt rét ác tính; ngay lập tức, bà được Thủ tướng cho xe đưa về Hà Nội về chữa trị, đồng thời ông ra lệnh cho Bệnh viện Việt – Xô phải huy động mọi biện pháp để cứu chữa. Nhờ vậy, bà dần hồi phục; khi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho con trai vào bệnh viện thăm nom, chăm sóc, động viên bà. Sau đó, bà được Thủ tướng tạo điều kiện sang Đông Đức kiểm tra sức khỏe và điều trị; trước khi đi, Thủ tướng tự tay viết một bức thư riêng gửi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Đức, đồng thời dặn dò bà rất cụ thể, chi tiết… Bà xúc động nhớ lại: “Tôi sững sờ nhìn bác tựa hồ như vừa được nghe những lời mà tôi dặn dò con gái. Ôi sao lại có những lời nói thật giản dị, thiết thực đến thế. Trong thâm tâm, tôi quý trọng bác như người cha của mình”…

Lâu nay, hầu hết chúng ta đều biết đồng chí Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo có hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn xa về mặt văn hóa nhưng ít người biết ông cũng là một nhà lãnh đạo về quân sự. Trong tác phẩm viết trước Cách mạng tháng Tám mang tên Chính trị viên trong quân đội, ông nêu bật tầm quan trọng, nhiệm vụ và nội dung chi tiết của công tác chính trị trong quân đội. Xuyên suốt trong tác phẩm này, bên cạnh các hướng dẫn cụ thể về công tác chính trị, người đọc dễ dàng nhận ra ẩn ý sâu xa của ông về tính nhân văn của công tác này. Đó là vai trò của công tác chính trị trong việc động viên nhân dân tham gia các hoạt động nhằm mục tiêu đấu tranh giải phóng bản thân và cho đất nước, trong việc xây dựng một quân đội vững mạnh, thiện chiến, nhân bản, gắn bó mật thiết với nhân dân, trong việc sử dụng công tác chính trị để đấu tranh với địch nhằm làm tan rã hàng ngũ của chúng chứ không phải giết cho nhiều quân lính của địch… Có thể nói, tác phẩm này có giá trị không nhỏ trong buổi đầu hình thành quân đội nhân dân Việt Nam và có vai trò quan trọng trong việc tập hợp lực lượng tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám…

Đánh giá về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng e là không thể gói gọn trong một hai trang viết, bởi trong suốt hơn 75 năm hoạt động cách mạng, ông đã để lại nhiều đóng góp to lớn trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quân sự cho đến văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ… Khía cạnh nào của ông cũng ngời sáng, độc đáo. Ở đây, xin trích hai ý kiến của hai đồng chí từng gắn bó nhiều năm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở một khía cạnh con người để thấy sự đặc sắc của một nhà lãnh đạo, một vị khai quốc công thần, một nhà văn hóa lớn, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), người cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã làm việc gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rất nhiều năm, đã nhận xét: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chú trọng đến con người, vì thế theo tôi, nói đến Phạm Văn Đồng là nói đến đạo đức của anh: giản dị, liêm khiết, thanh bạch, yêu thương cán bộ”. Còn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 – 2007) thì đúc kết: “Anh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Sự cao đẹp nơi ảnh hưởng không chỉ là tác phong giản dị mà lịch thiệp, lối sống đạm bạc mà văn hóa của một yếu nhân của một đất nước gần trăm triệu người, nhất là một yếu nhân có hiểu biết và nổi danh ở tầm thế giới như anh”...

Sự đặc sắc ở cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng suy cho cùng là tinh thần vì con người của ông, đó là lòng yêu thương con người, là tinh thần tôn trọng nhân dân, là thái độ quý trọng hết thảy mọi người… Chính vì thế, suốt cuộc đời ông đã hy sinh đời sống riêng tư, đã quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Những điều đó tự thân đã làm nổi bật tầm vóc, đóng góp của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đáng để chúng ta học tập suốt đời. Và những điều đó tự thân đã bác bỏ các ý kiến sai trái, xuyên tạc của những người thành kiến đối với Đảng ta, đối với các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta!

NGŨ YÊN