Ngày đăng: 07-04-2020 Lượt xem: 2859
“Giãn cách xã hội” nhằm giảm cơ hội lây nhiễm bệnh dịch trên diện rộng, giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, các y bác sĩ và nhân viên y tế, giữ số ca nhiễm ở mức có thể kiểm soát - là giải pháp tích cực và cần kéo dài thời gian đang được các nước trên toàn cầu khuyến cáo, kêu gọi áp dụng. Hơn như thế, việc giãn cách xã hội còn được xem là một thứ “vũ khí” hiệu quả để chống lại, ngăn ngừa bệnh dịch COVID-19 (viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona)
Đối với nhiều nước trên thế giới, nhất là phương Tây, “giãn cách xã hội” được người dân áp dụng như là “sống một cuộc sống hoàn toàn mới”, thế nhưng ở Việt Nam, dường như đây lại là cơ hội cho các gia đình trở lại nếp sinh hoạt truyền thống, vốn dĩ là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Cơ hội củng cố các mối quan hệ trong gia đình, thể hiện yêu thương để gắn bó bền chặt hơn, khi có nhiều thời gian dành cho nhau.
Trên lý thuyết, lề lối sinh hoạt của nhiều gia đình có điều kiện vun đắp, gắn bó hơn, nhờ người phụ nữ có thời gian chăm chút chu đáo bữa cơm gia đình, nhiều món ngon được “ôn lại” cho bữa cơm trở nên ấm áp, câu chuyện rôm rả hơn; không còn nói qua loa hoặc người trong nhà không biết mà được mang ra trao đổi, bàn bạc. Vợ chồng có dịp cùng chăm sóc nhà cửa, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp; cha mẹ có thể vừa làm việc online, vừa dành thời gian cho con cái, theo dõi việc học, chơi cùng con, trò chuyện để hiểu con hơn; và những đứa trẻ trong gia đình “bỗng dưng” được hoãn việc đến trường, tâm lý nhẹ nhõm khi tạm xa tập sách, có thời gian vui chơi, làm việc mình thích, gần gũi ba mẹ, ông bà hơn... Có gia đình chỉ gồm cha mẹ, con cái, nhưng cũng có không ít gia đình tam đại đồng đường (3 thế hệ), thậm chí tứ đại đồng đường (4 thế hệ) thì điều kiện sum vầy, được ở bên nhau nhiều hơn, san sẻ những nghĩ suy về cuộc đời, về đối nhân xử thế... để cảm thông, yêu thương nhau hơn. Có thể nói, cơ hội hòa hợp gia đình chính là thời gian này.
Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh dịch COVID-19 cũng tạo hoàn cảnh như một phép “thử” bất ngờ và chính xác về sự thủy chung vợ chồng. Khi bệnh dịch khởi phát, nhiều người chưa hiểu rõ “năng lực” lây nhiễm kinh hoàng của virus SARS CoV-2, nên đã “vô tình” để lộ mối quan hệ bất chính. Nhiều trường hợp khi xét nghiệm kết quả dương tính, bị yêu cầu bắt buộc khai báo trung thực đường đi, thời gian, địa điểm, đối tượng gặp gỡ những ai,... nên không thể che đậy mối quan hệ tưởng chừng “trời không biết, đất không hay”. Virus SARS CoV-2 không chỉ có khả năng gây chết người mà còn đặt nhiều người trước nguy cơ gia đình đổ vỡ.
Việc “giãn cách xã hội” cũng là phép “thử” đối với mội số gia đình có thói quen “sống công nghiệp”. Bởi, khi phải trở lại công việc thường xuyên cơm nước ngày 3 bữa, tâm lý của người phụ nữ sẽ bị tác động khi đã quen chia nhiều thời gian cho công việc cơ quan; thời gian ở nhà nhiều, mọi người ít ra đường, các mối giao tiếp bình thường ngoài xã hội bị hạn chế, nẩy sinh áp lực bị tù túng; cộng thêm thường xuyên nghe “càm ràm” của vợ hoặc chồng, con cái quấy khóc, nghịch phá,... các quan điểm trái chiều trong suy nghĩ, thói quen của người này trở nên “chướng mắt” người kia; con cái cảm thấy bị kiểm soát, bị dẫn dắt có thể trở nên bức bối... Người già trong nhà được dịp tề tựu con cháu là một niềm vui, được trò chuyện thoải mái, nhưng, đôi khi cái cách nghĩ, cách sống, thói quen của người già lại tạo áp lực lên con, cháu, v.v... Rất nhiều trường hợp xảy ra cãi vã to tiếng, hoặc “chiến tranh lạnh”...
Thói quen, nếp nghĩ, cá tính của nhiều người dù đã từng chung sống với nhau, bây giờ bị va đập nhiều hơn trong khoảng thời gian dài và trong không gian hẹp dễ cảm giác tù túng, bức bối nên mâu thuẫn gia đình cũng dễ nổ ra, bùng phát, nhất là khi có những cảm xúc từng được bỏ qua, hoặc bị kìm nén lâu ngày. Thế nên, việc giãn cách xã hội vừa là cơ hội, cũng vừa thử thách tình yêu thương, lòng bao dung, sức chịu đựng của các thành viên trong một nhà. Hoàn cảnh đó đòi hỏi thái độ chân thành lắng nghe, san sẻ cởi mở và mong muốn dung hòa để có sự thấu cảm mà trước đây áp lực của vòng xoay “cơm áo, gạo tiền” có lúc ngán trở.
Nếu như mỗi người có đủ yêu thương, đủ lòng độ lượng dành cho nhau thì hãy nắm cơ hội này, cùng vun bồi hạnh phúc; hoặc, giả như khi ở gần nhau mà lại nhận chân sự lạnh lẽo tồn tại tự bao giờ, thì hãy nghiêm khắc nhìn lại mình, bao dung khi đánh giá về người mà mình đã từng chọn lựa cùng đi đến cuối đời để cố gắng giúp nhau nhìn thấu nhau hơn, làm ấm lại vợ chồng...
Cơ hội hay thử thách trong cơn đại dịch này ít nhiều đòi hỏi mỗi chúng ta nhìn lại mình, có ta thời gian suy ngẫm về mối quan hệ gia đình để có thể có chọn lựa tốt hơn, vững vàng hơn khi đại dịch đi qua...
Minh Nghi