flag header

Tin tứcChống DBHB

Dấn thân hay thiêu thân?

Ngày đăng: 18-05-2018 Lượt xem: 1688

Thời gian qua, không ít báo đài, trang thông tin điện tử ở nước ngoài và của một số thế lực chống phá nhà nước Việt Nam đã ca ngợi Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Phạm Chí Dũng, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…, là những người “dấn thân vì nền tự do, dân chủ ở Việt Nam”. Những người này được tôn vinh như “những người hùng mớ”i, dám đương đầu với chính quyền Việt Nam để đấu tranh cho một xã hội mà họ cho rằng sẽ tốt đẹp hơn (?) trên xứ sở này. Nhưng xét cho cùng, đó có phải là sự dấn thân hay chỉ là con thiêu thân lao mình vào lửa để rồi bị chết cháy?

Một từ điển tiếng Việt định nghĩa “dấn thân” như sau: “Dốc sức lao vào hoạt động hay công việc nào đó, bất chấp gian nan nguy hiểm. Dấn thân vào cuộc đấu tranh. Dấn thân vào chỗ nguy hiểm”(1). Định nghĩa này tuy đúng nhưng chưa đủ. Từ “dấn thân” nên được hiểu là dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, bất chấp nguy hiểm, hi sinh vì một lý tưởng cao đẹp nào đó, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cho xã hội, cho dân tộc. Chẳng hạn, dấn thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc; dấn thân vì cuộc chiến chống ma túy, chống HIV/AIDS... Hầu như không ai gọi những kẻ buôn bán ma túy, những kẻ khủng bố là người dấn thân, (mà gọi là những kẻ liều mạng, bán mạng) bởi tính tiêu cực và phi nghĩa của nó. Trên thực tế, ở xã hội nào cũng có không ít người dấn thân, họ là những vì nghĩa lớn mà chịu thiệt thòi, thậm chí từ bỏ hạnh phúc riêng tư.

Vậy những nhân vật vừa kể có phải thực sự dấn thân hay không?

Trước hết, mục đích của họ là thành lập những tổ chức mang danh “xã hội dân sự”  (thực tế đã thành lập được một số tổ chức) chống đối nhà nước ta, tiến tới lật đổ chế độ, xây dựng một chế độ khác. Nhà nước ta hiện nay được xây dựng từ kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng suốt gần 90 năm qua, của bao thế hệ người Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong hơn 40 năm độc lập và thống nhất qua, nước ta có sự ổn định cả về mặt chính trị lẫn xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước như hiện nay. Những thành tựu về mặt phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân được cả cộng đồng quốc tế công nhận. Từ đó, vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế ngày được nâng cao. Như vậy, việc âm mưu lật đổ một nhà nước, một thể chế có những đóng góp như thế liệu có thể coi là tích cực và đáng được gọi là “dấn thân”?

Còn nếu muốn đóng góp để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn thì có rất nhiều cách. Đảng và Nhà nước ta không cấm các ý kiến khác với quan điểm, chủ trương, đường lối chính thống, nhưng các ý kiến đó phải được thể hiện trên tinh thần xã hội, có trách nhiệm. Chẳng hạn, phản biện xã hội trong thời gian qua luôn được Đảng ta khuyến khích và tạo nhiều cơ chế để không chỉ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có thể phản biện mà mọi người dân đều có thể đóng ý kiến của mình. Bằng chứng là trong các kỳ đại hội Đảng hay trong thực hiện sửa đổi Hiến pháp 1992, người luôn được khuyến khích và tạo điều kiện để bày tỏ ý kiến, hiến kế, phản biện. thực sự rất nhiều trường hợp người dân đã đề đạt ý kiến, nguyện vọng đã được Đảng và Nhà nước lắng nghe, ghi nhận và khắc phục, như trong việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hay một số điều của Bộ luật Hình sự 2015… Thực sự những người đó đã thực hiện việc bày tỏ ý kiến một cách tích cực, đúng đắn, có trách nhiệm và thực tâm muốn đóng góp xây dựng không, không quá khó để có câu trả lời!

Hơn nữa, người sống trong bất kỳ một đất nước nào cũng phải tuân thủ pháp luật của đất nước đó, bất kể bản thân yêu hay ghét thể chế đó. Lẽ dĩ nhiên, luật pháp của thể chế nào thì luôn bảo vệ thể chế và giai cấp cầm quyền ở thể chế đó, đồng thời là nền tảng để thúc đẩy xã hội đó phát triển theo định hướng của thể chế đó. Điều này những trí thức, những luật sư rõ ràng là hiểu hơn ai hết. Ấy vậy mà những người biết luật này lại vi phạm pháp luật một cách lộ liễu, trắng trợn như thế, liệu có thể không bị xử lý? Khi nhìn thấy trước được kết cục thì không thể gọi đó là chấp nhận nguy hiểm mà chính là sự trả giá cho các hành động sai trái của mình. Chẳng khác nào một kẻ đưa tay chặn bánh của đoàn tàu đang lao nhanh, thì đó không phải là sự dấn thân mà chính là hành động rồ dại.

Cuối cùng, không ít người trong số này thực chất bị những kẻ xấu, những thế lực có thành kiến với thể chế hiện nay ở Việt Nam lợi dụng, xúi giục, mua chuộc, dụ dỗ. Khi thông tin nhận được chưa rõ ràng, bản lĩnh chính trị chưa vững, đôi khi bị túng thiếu về tài chính, lại có sẵn tính xốc nổi, tham vọng quyền lực (hão), chuộng hư danh, thì bản thân những người này dễ dàng bị lôi kéo để phục vụ âm mưu chính trị của thế lực nào đó. Điều này có thể thấy qua việc một số người hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam từng nhiều lần nhận tiền của nước ngoài, hay có người đã sớm nhận ra sai lầm của mình mà nhận tội và xin khoan hồng… Vậy, chẳng có lý do gì để gọi họ là những người dấn thân cả.

Không phải dấn thân, họ là những người vi phạm pháp luật. Mà đã vi phạm pháp luật thì phải chịu sự chế tài của pháp luật, sớm hay muộn mà thôi. Đó là hậu quả không khó để họ thấy trước nhưng vẫn lao vào. Rõ ràng đó là những con thiêu thân lao mình vào lửa.

Xét cho cùng, cứ cho là mục tiêu của những người chống đối này là hợp lý (chưa nói hợp pháp) nhưng thực ra vẫn còn nhiều cách khác thực hiện mục tiêu đó vừa hợp lý vừa hợp pháp, sao họ không làm? Hiện nay, trên khắp nước ta, có không ít người đã dấn thân vì công cuộc bảo vệ đất nước, vì sự nghiệp khoa học, vì cuộc sống của những người bị bệnh tật… Hành động của những người dấn thân này đã và đang đem lại những điều tốt đẹp cho đồng bào của mình, đồng thời bản thân họ cũng không ít lần được vinh danh, ca ngợi.

Rõ ràng chỉ khi hy sinh vì những điều tốt đẹp của nhiều người, của xã hội thì mới coi là sự dấn thân và khi đó sự dấn thân mới thực sự tồn tại!

Trúc Giang

 

(1) Từ điển tiếng Việt, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phát hành năm 1997, trang 240.