flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đảng và nhà nước ta luôn quyết tâm chống tham nhũng!

Ngày đăng: 16-05-2018 Lượt xem: 3497

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã luôn đặt mục tiêu chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng. Xin điểm qua nghị quyết của 4 kỳ đại hội Đảng gần nhất sẽ thấy rõ:

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), trong phần Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế có hẳn một mục về chống tham nhũng, trong đó nêu rõ: “Tăng cường tổ chức và cơ chế, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt chống các hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính”.

Văn kiện Đại hội X (năm 2006) cũng có một mục riêng về phòng chống tham nhũng và gắn với công tác phòng chống lãng phí với tên chung là Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, trong đó khẳng định: “Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”.

 Đại hội XI (năm 2011) tiếp tục khẳng định về mục tiêu chống tham nhũng, đồng thời còn nhấn mạnh thêm: “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Đại hội XII (năm 2016) thì nêu cụ thể: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức”.

Từ sau Đại hội XII, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy lên một tầm cao mới với những quyết tâm chưa từng có. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng, người lãnh đạo công cuộc chống “nội xâm” đã có những phát biểu làm nức lòng cán bộ, đảng viên. Tháng 7-2017, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đồng chí tuyên bố: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được”. Sau nhiều vụ “đại án” liên quan đến nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp cao, nguyên là lãnh đạo cấp cao, đồng chí Tổng Bí thư được nhân dân kính trọng gọi là “người đốt lò vĩ đại”. Gần đây nhất, ngày 10-4, chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Có ý kiến cho rằng “không cẩn thận sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm nữa”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Điều đó có thấy, người đứng đầu Đảng đã thể hiện sự kiên quyết rất cao trước đại nạn tham nhũng. Những chỉ đạo và phát biểu của đồng chí không chỉ mang tính định hướng mà còn có ý nghĩa động viên sâu sắc toàn hệ thống chính trị, tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đấu tranh quyết liệt với tham nhũng.

Thế nhưng, có một số kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, phản động đã không ngừng rêu rao rằng công cuộc chống tham nhũng ở nước ta hiện nay thực chất là “cuộc đấu đá nội bộ”, là “phe nọ đánh phe kia”, là “tranh chấp giữa các nhóm lợi ích”… Cũng có không ít kẻ cho rằng, các hoạt động chống tham nhũng thời gian qua chẳng qua là “bắt chước” cuộc vận động “đả hổ diệt ruồi” ở Trung Quốc, và các quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng qua là “học theo” cách làm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình… Các luận điệu đó được một số cây bút nhai đi nhai lại trên các trang blog, diễn đàn của một số tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài vốn có thành kiến với Đảng và Nhà nước ta như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á châu Tự do (RFA), Trang BBC… Đồng thời, nhiều người sử dụng mạng xã hội trong nước cũng a dua theo, dẫn lại trên trang cá nhân của mình hoặc đăng ở một số blog cá nhân… Dĩ nhiên, giấy không gói được lửa, sự thật thì không thể bị xuyên tạc, dù lời lẽ có xảo biện thế nào. Thế nhưng, luận điệu đó ít nhiều ảnh hưởng đến một số người nhẹ dạ cả tin, ít nhạy cảm chính trị, không có đầy đủ thông tin…, dễ bị các thông tin và luận điệu xấu lung lạc.

Có thể thấy, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ta là một tài sản quý báu từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta không có “phe”, “nhóm”, không có “phái bảo thủ” hay “phái cải cách” như một số người rêu rao. Nhưng trong Đảng thời gian qua có những hiện tượng chưa lành mạnh, mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng cũng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Như vậy, nếu có “phe”, “nhóm” thì đó là một bên là đa số những đảng viên trung kiên, trung thành với lý tưởng cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân với một bên là những kẻ suy thoái về chính trị, tư tưởng, biến chất, tham nhũng, lãng phí… Vì sự tồn vong của Đảng, chúng ta phải ra sức ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng đó, đưa những kẻ thoái hóa ra khỏi Đảng, làm trong sạch Đảng. Đó là biểu hiện bình thường của một đảng chính trị, vốn đã được Đảng ta thực hiện trong suốt gần 9 thập kỷ qua. Nhờ vậy, Đảng ta mới đủ sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo để lãnh đạo nhân dân giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Còn nói công cuộc chống tham nhũng ở nước ta “rập khuôn” theo cách mà Trung Quốc đang làm thì nếu không là sự nhìn nhận ấu trĩ thì chính là sự suy diễn thô thiển. Tham nhũng là căn bệnh của bất kỳ nhà nước, chính phủ và quốc gia nào, từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây, từ chế độ xã hội chủ nghĩa đến chế độ tư bản chủ nghĩa. Tham nhũng luôn có những hình thái chung, đó là cách thức đục khoét lấy của công, nhũng lạm tài sản của nhân dân, chỉ là từng lúc, từng nơi có sự khác nhau về thủ đoạn cụ thể. Do đó, chống tham nhũng ở các nước sẽ luôn có những điểm chung nên không thể nói là nước này “bắt chước” nước kia. Vả lại, nếu ở nước nào đó có kinh nghiệm phòng chống tham nhũng hay, có hiệu quả thì nước khác cũng hoàn toàn có thể học tập và vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước mình, không có gì là sai trái. Thực tế cho thấy, cuộc chống tham nhũng ở nước ta không chỉ có những điểm giống với Trung Quốc mà còn giống với nhiều nước khác nữa. Hà cớ gì lại ầm ĩ?

Một quốc gia châu Á có quan hệ khá gần gũi với Việt Nam là Hàn Quốc vừa qua đã thực hiện công cuộc chống tham nhũng rất quyết liệt. Hiện tại cả tất cả các cựu tổng thống nước này còn sống đều bị cáo buộc hoặc tuyên phạt vi phạm hình sự vì các tội liên quan đến tham nhũng. Trong đó, bà Park Geun-hye vừa bị tuyên 24 năm tù giam; còn 2 cựu tổng thống từng tại vị trong khoảng năm 1980 tới 1990 là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo đều từng bị bắt giam (hiện đã được ân xá và được tha bổng sau 2 năm ngồi tù). Riêng cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã tự tử sau khi bị điều tra với cáo buộc tham nhũng. Gần đây nhất, cựu Tổng thống Lee Myung-bak (tại nhiệm từ năm 2008 đến năm 2013) đã chính thức bị buộc tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, biển thủ, trốn thuế và đã bị bắt giam. Người dân nước này rất hoan nghênh với thái độ chống tham nhũng mạnh mẽ của chính quyền đương nhiệm.

Nỗ lực chống tham nhũng của mỗi nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả, được lòng dân ở quốc gia đó. Ở nước ta, nhà nước là của dân, do dân và vì dân, nên công cuộc phòng chống tham nhũng lại càng được chú trọng và thực tiễn đã chứng minh thời gian qua, công cuộc này đã được những kết quả tích cực. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, trong phạm vi, điều kiện cụ thể của mình cần góp sức vào công cuộc đó. Đồng thời, phải thẳng thắn, kiên quyết bác bỏ, phê phán, công kích các luận điệu sai trái về tình hình đất nước nói chung và tình hình chống tham nhũng nói riêng. Đó cũng là cách để các luận điệu sai trái trên không còn đất sống!

TRÚC GIANG