Ngày đăng: 23-01-2021 Lượt xem: 964
Cứ mỗi lần đến kỳ Đại hội Đảng, một số kẻ thành kiến, chống đối, phá hoại hay rêu rao rằng Đại hội là công việc nội bộ của Đảng nhưng lại làm tốn kém tiền của của nhân dân, rốt cuộc chỉ giải quyết vấn đề quyền lực trong Đảng chứ không đem lại ích lợi gì cho dân… Luận điểm đó tuy vô lý, sai trái nhưng cũng làm một số người nhẹ dạ tin theo mà không thấy rằng chính Đại hội Đảng đã mở ra những hướng đi, đề ra các giải pháp mà từ đó đất nước ta có được cơ đồ như hiện nay.
Theo Điều lệ Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là cơ quan cao nhất của Đảng, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và của Đảng, diễn ra 5 năm một lần. Đại hội quy tụ các đại biểu là những đảng viên tinh hoa của Đảng, không chỉ là lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị mà còn là những đảng viên tiêu biểu về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, là những người trực tiếp tổ chức, triển khai và thực hiện nghị quyết của Đại hội đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Như vậy, Đại hội của Đảng không chỉ là công việc nội bộ của Đảng mà phải giải quyết các vấn đề của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ mà còn nhiều nhiệm kỳ sau nữa. Điều lệ Đảng đã ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. Đảng không có lợi ích tự thân mà tất cả lợi ích của Đảng đều gắn với lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân.
Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhưng Đảng không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật mà “gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” và “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, mỗi quyết sách của Đảng đều gắn liền với đất nước, với xã hội, với nhân dân và cũng vì vậy, các kỳ Đại hội của Đảng cũng gắn liền với đất nước, với xã hội, với nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội tạo nên chính thể, chế độ, đó là một chính thể, một chế độ vì nhân dân, do nhân dân. Điều đó hoàn toàn nhất quán từ khi Đảng ra đời (năm 1930) cho đến nay.
Muốn đánh giá một chính thể ta nên nhìn vào những gì họ làm và lợi ích của đa số người dân chịu sự tác động của chính thể đó. Hai điều này phải gắn chặt với nhau, chứ không chỉ nhìn qua việc làm hay các tuyên bố. Bởi có không ít chính thể hay tuyên bố rất hay, rất kêu, không chỉ cho nhân dân nước họ mà còn cho nhân dân nước khác nữa, nhưng kỳ thật kết quả không như họ hô hào hoặc có chăng thì chỉ một số ít được hưởng. Trong một số trường hợp, kết quả thậm chí hoàn toàn trái ngược. Như thực dân Pháp từng tuyên bố “khai hóa” cho nhân dân nước ta nhưng kỳ thực là vơ vét tài nguyên nước ta, bóc lột nhân dân ta và thẳng tay đàn áp những người phản đối cái gọi là “khai hóa” đó!
Còn ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, lợi ích của đa số người dân được nâng lên từng năm, từng tháng. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã khái quát: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Có người lại nói, Việt Nam vươn lên từ một nền tảng rất thấp nên đi nhanh là phải, lại được thừa hưởng thành quả chung của nhân loại chứ vai trò của Đảng thể hiện được gì! Nhận thức đó rất giản đơn và ấu trĩ. Xuất phát điểm của nước ta rất thấp không phải do Đảng gây ra mà do các nước thực dân, đế quốc liên tiếp tạo nên, sau đó là sự đâm thọc” của các phần tử phản động. Tính chung, nước ta bắt đầu thực sự đổi mới và phát triển đất nước sau suốt 130 năm chiến tranh chống rất nhiều kẻ thù và đồng thời có sự chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang chế độ xã hội chủ nghĩa chưa trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tích lũy sức sản xuất.
Còn bảo Việt Nam may mắn được thừa hưởng thành tựu chung của nhân loại, điều đó có phần đúng, nhưng phải xác định rằng chủ trương của Đảng ta nhiều năm trước là “đi tắt đón đầu”, nếu không sẽ khó có điều kiện nắm bắt những tiến bộ của thế giới. Không chỉ vậy, dù nhân loại đạt nhiều thành tựu mới nhưng nếu bản thân đất nước ta, nhân dân nước ta không có nội lực (về kinh tế, về tri thức, về công nghệ…) thì không thể nắm bắt được ngay các thành tựu đó. Tất cả những điều đó đều là kết quả của một quá trình lãnh đạo, định hướng, tác động, vun bồi của Đảng ta trong suốt mấy mươi năm qua. Bởi trên thế giới, có không ít nước đã giành được độc lập nhiều năm, được chủ động chọn thể chế để phát triển nhưng vẫn là nước lạc hậu, kém phát triển và người dân nước họ phải sống trong thiếu thốn, nghèo nàn, rất khó tiếp cận được với các tiến bộ của nhân loại như Việt Nam chúng ta.
Còn ở Việt Nam, với các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời, hợp lý và quyết liệt, tỷ lệ ca nhiễm và ca tử vong trên tổng số dân chiếm vị trí rất thấp của thế giới. Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực giúp đỡ người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ nhiễm bệnh, người bị ảnh hưởng kinh tế do dịch bệnh, người Việt Nam ở nước ngoài bị tác động do dịch bệnh… Trong khi nhiều nước đóng cửa biên giới, ưu tiên chữa bệnh cho người giàu và người trẻ thì các giải pháp ứng phó dịch của Việt Nam thể hiện rõ tính nhân văn và hướng đến tất cả mọi người, nhất là người yếu thế.
Tất cả những kết quả, thành tựu đó không phải do đề xuất hay chủ trương của một cá nhân lãnh đạo nào của Đảng hay Nhà nước mà là kết quả sự lãnh đạo của Đảng, không phải qua kỳ họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương mà là định hướng chung của Đảng, xuất phát từ lý tưởng của Đảng, các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Đảng, đồng thời cũng xuất phát từ định hướng qua các kỳ Đại hội Đảng.
Ngay cả trong việc chọn ra những người lãnh đạo của Đảng, tưởng chừng là việc riêng của Đảng, thì cũng là một giải pháp hướng đến nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Các cá nhân được bầu chọn vào vị trí lãnh đạo bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định của Đảng còn phải đặc biệt xem xét đến yếu tố có khả năng phục vụ nhân dân đến đâu, uy tín trước nhân dân thế nào, sự gương mẫu trước nhân dân đến mức nào, khả năng thuyết phục, vận động nhân dân ra sao… Bởi suy cho cùng, năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng phải thông qua các cá nhân cụ thể, nhất là các vị trí lãnh đạo, từ đó mới bảo đảm yêu cầu phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.
Hiện nay, đa số người dân Việt Nam đã được thụ hưởng chất lượng sống ngày càng cao, điều đó cho thấy sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, là hiệu quả. Chính điều đó sẽ bác bỏ các luận điệu phủ nhận hay xuyên tạc vai trò hay năng lực lãnh đạo của Đảng!
NGŨ YÊN