flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đạo đức là gốc

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 798

SINH THỜI, BÁC HỒ QUAN TÂM ĐẶC BIỆT ĐẾN CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ VIỆC SỬ DỤNG NHÂN TÀI, XEM ĐÂY LÀ MỘT KHÂU HẾT SỨC QUAN TRỌNG, CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH SINH MỆNH CHÍNH TRỊ VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG.

Học tập, quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương là việc làm thiết thực nâng cao nhận thức và hành động của người cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Ngày 11/8/2017, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. Ảnh: Thái Hải

 

Tôi còn nhớ lời Bác, đại ý: “Người có đức mà không có tài, chẳng khác nào ông bụt. Nhưng có tài mà không có đức, sẽ trở nên vô dụng. Lựa chọn cán bộ nhất thiết phải có đủ tài và đức. Song phải lấy đức làm gốc, đặt đức lên trên hết…”.

Đây là một quan điểm chính trị nhất quán của Bác.

Viết “Đường Kách mệnh”, Bác đã dành một dung lượng lớn nói về tư cách người cách mạng, nhằm giáo dục các chiến sĩ cách mạng phải coi việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nhân cách là một nhiệm vụ hàng đầu và trước hết. Bác đã cảnh báo rất sớm rằng, một khi Đảng dành được chính quyền và nắm giữ quyền điều hành đất nước, là có điều kiện xuất hiện nguy cơ thoái hóa, phải cảnh giác thường trực với bản thân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác cho in cuốn “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Từ thực tế tình hình trong nước và thế giới, Bác chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của vô vàn tội ác. Sự xa xỉ của kẻ cầm quyền là nguyên nhân nghèo đói của dân chúng. Đảng viên, cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng như rửa mặt hàng ngày.

Làm theo lời Bác, đảng viên, cán bộ chúng ta đã nêu gương tiêu biểu hết lòng vì nước, vì dân phục vụ, đặt quyền lợi chung lên trên hết, sẵn sàng hy sinh cả thân mình cho sự nghiệp cách mạng. Nhờ đó, đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng, Nhà nước không ngừng được nâng cao.

Giờ đây, giữa môi sinh của nền kinh tế thị trường, trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm những được mất, sáng tối của nó, chúng ta càng thấm thía biết bao minh triết của Bác.

Bị cám dỗ và đua đòi chạy theo lối sống tầm thường, thấp hèn của chủ nghĩa cá nhân, không ít người đã hư hỏng thoái hóa, gây thiệt hại nặng nề cho Đảng, Nhà nước trên nhiều mặt.

Trung ương từng nhiều lần khẳng định: Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Lơ là tu dưỡng đạo đức, quản lý lỏng lẻo đội ngũ, ta đã phải trả giá đắt cho quốc nạn tham nhũng, hối lộ, quan liêu, lãng phí, khiến cho dân mất lòng tin, dẫn đến nguy cơ sống còn của Đảng và chế độ ta.

Xét cho cùng, cán bộ là nguyên nhân của nguyên nhân.

Các bậc tiền bối đã truyền lại rằng, không phải ai là nhân tài cũng làm nên nghiệp lớn. Chỉ có “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đại thi hào Nguyễn Du thì nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Chữ “Hiền” đứng trước chữ “Tài”, chữ “Tâm” giá trị bằng ba chữ “Tài”. Điều đó chứng tỏ, vấn đề đạo đức có tầm quan trọng vô cùng đối với người tài.

Bác kính yêu đã chỉ rõ: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Thực tế tình hình nhãn tiền cho thấy, lời Bác là một chân lý vĩnh cửu, một bài học quý báu vô giá cho công tác cán bộ và sử dụng người tài.

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi đặt bằng cấp, học vị, học hàm lên trên đạo đức cách mạng. Và, sẽ nguy hại khôn lường khi một tổ chức tập thể, một ê kíp gồm những người trong gia đình, họ hàng, bạn bè thân quen tìm cách gạt bỏ những người có đức, có tài, không coi trọng những người thực sự có năng lực, đạo đức.

Như chúng ta từng thấy, những nhà lãnh đạo càng giàu tâm đức, tài trí thì hồng phúc cho nhân dân, đất nước càng lớn. Ngược lại, từ cổ chí kim, ở trên đời này chưa từng có bao giờ những người lãnh đạo đức độ yếu kém, đầu óc mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, chỉ lo vun vén cho bản thân, lại làm lợi cho dân, cho nước, lại được yêu mến, kính trọng. Đúng vậy, chưa từng có bao giờ.

Chủ nghĩa cá nhân đồng hành lâu dài với nền kinh tế thị trường, sẵn sàng mê hoặc lũng đoạn nội bộ ta, nhất là với những ai có chức có quyền.

Đạo đức Hồ Chí Minh là bức cẩm nang để đánh thắng chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo lời Bác, phải tập trung sức xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh, tài đức song toàn, trước hết là phải có đạo đức tốt, đó là một yêu cầu cấp bách cả trước mắt và lâu dài.

Đại tá Hồ Ngọc Sơn

 

 

Nguồn: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/dao-duc-la-goc_t114c67n123811