flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Dấu ấn đồng chí Trần Văn Giàu trong Nam Bộ kháng chiến

Ngày đăng: 23-09-2020 Lượt xem: 2291

Cách mạng Tháng Tám thành công để lại bài học sâu sắc về tính chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ và dũng khí trong việc tổ chức, chuẩn bị và tiến hành phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền của tập thể Xứ ủy Nam Bộ, đứng đầu là đồng chí Bí thư Trần Văn Giàu, người đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếp theo sau đó là trang sử hào hùng vẻ vang mà oanh liệt - những ngày Nam Bộ kháng chiến.

GS.NGND Trần Văn Giàu (1911 – 2010).

Đồng chí Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Từ năm 17 tuổi, ông xuất dương ra nước ngoài với ước mơ giành hai bằng tiến sĩ Luật khoa và Văn khoa để trở về nước viết báo, cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân, bênh vực quyền lợi cho đồng bào, giúp đồng bào vơi bớt nỗi khổ nhục của người dân mất nước. Tháng 5-1930, ông được công nhân và du học sinh Việt Nam ở Toulouse cử làm đại biểu lên Paris tham gia biểu tình trước dinh Tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Do việc này, ông bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước. 

Với những hoạt động chống chính quyền thực dân công khai của mình, ông bị chính quyền thực dân theo dõi từ khi ông du học tại Pháp. Ngày 25-6-1935, ông bị tòa án Pháp tại Sài Gòn kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Ngày 23-4-1940, sau khi ra tù được vài ngày, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí ở căng Tà Lài.

Tháng 3/1941, đồng chí Trần Văn Giàu vượt ngục và sau thời gian tạm lánh, ông cùng với các đồng chí khác bắt liên lạc với các đảng viên ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ, xây dựng lại cơ sở đảng, lần lượt lập ra các tỉnh ủy mới. Đến tháng 10/1943, 11 trong số các tỉnh ủy mới cử đại biểu dự hội nghị tại Chợ Gạo (Mỹ Tho) để thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Hội nghị đã nhất trí bầu đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư Xứ ủy và quyết định ra tờ báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận của Xứ ủy. Và từ đây bản lĩnh, trí tuệ, tư duy và phong cách lãnh đạo của ông được thể hiện rõ nét, sinh động, để lại những dấu ấn sâu sắc, góp phần lập nên những chiến công hiển hách trên địa bàn chiến trường Nam Bộ.

Cuối năm 1943, Xứ ủy tổ chức lại Đảng bộ Sài Gòn, thành lập Ban Cán sự Thành do đồng chí Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ ủy trực tiếp phụ trách. Ban Cán sự Thành họp hội nghị mở rộng tại Phú Lạc (Chợ Lớn) đề ra phương hướng và nhiệm vụ cho Đảng bộ Sài Gòn như sau:

- Toàn Đảng bộ phải nỗ lực “chạy đua với thời gian” để xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

- Phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận cách mạng, đặc biệt phải trang bị cho cán bộ về lý luận khởi nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin, về kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga…

- Trong công tác xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng cần coi trọng công nhân lao động và thanh niên, phải tổ chức họ vào công đoàn và các hội biến tướng; phải tập hợp lực lượng nông dân vùng ven để xây dựng một “vành đai đỏ” cho Thành phố.

Trong hoàn cảnh không liên lạc được với Trung ương ngoài Bắc[1], căn cứ vào tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ Tám (5-1941) là: “....với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”, đồng chí Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy không đành chịu ngồi chờ, “suy nghĩ nhiều, thảo luận mãi” đã đi đến quyết định “phải tự trao cho mình trách nhiệm vạch ra đường lối mà đi tới, đó là đường lối cách mạng”[2], đồng chí đã “tương kế tựu kế” chủ động tổ chức một phong trào thanh niên yêu nước do Xứ ủy chỉ đạo hoạt động công khai, cùng với lực lượng đông đảo trong công nhân, nông dân, xây dựng thành một đội quân chính trị hùng hậu, làm nòng cốt, giữ vai trò ngòi nổ trong cơn bão táp Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ sau này cùng với khẩu hiệu:Đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp, Đông Dương độc lập muôn năm”.

Nhờ có sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ uỷ Tiền Phong và đồng chí Trần Văn Giàu, ban cán sự Đảng bộ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được gây dựng lại hoàn chỉnh hơn, nhiều Chi bộ và đảng viên lâu nay ẩn tránh đã hoạt động trở lại như Chi bộ Phú Lạc, FACI, cơ sở Đảng ở Bến Tàu, Xóm Chiếu, Khánh Hội… Một số cơ sở Đảng bị phá vỡ ở Quận 5, Quận 11 cũng được phục hồi trở lại. Các tổ chức như công đoàn, ái hữu do Đảng xây dựng trước đây, nay cũng lần lượt được phục hồi. Tháng 4/1944, 20 đại biểu công đoàn họp tại Hãng thuốc lá MIC đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ. Công đoàn Nam Bộ có 324 tổ chức cơ sở với hơn 120.000 đoàn viên. Cũng trong năm này, tại Sài Gòn đã phát triển được 40 công đoàn xí nghiệp với 5.000 đoàn viên.

GS. Trần Văn Giàu và GS. Đặng Thai Mai (bên trái).​​​​​​​

Như vậy, dù không nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương cũng như không cập nhật được những chủ trương mới của Trung ương, song trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở Nam Bộ khi đó, tinh thần chung và những nguyên tắc cơ bản về tổ chức Đảng, đường lối giải phóng dân tộc của Đảng đã được Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả.

Ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đồng chí Trần Văn Giàu tích cực tổ chức “đạo quân chính trị'” cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ.

Với tinh thần nhạy bén, tư duy chủ động, sáng tạo, tự quyết trong điều kiện ở xa Trung ương, chưa nhận được thông tin về Tổng khởi nghĩa nhưng từ ngày 15-8-1945, Xứ ủy Tiền phong đã lập ra Ủy ban khởi nghĩa. Từ ngày 16-8-1945 đến 24-8-1945, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu đã ba lần tổ chức Hội nghị ở Chợ Đệm (nay thuộc huyện Bình Chánh) để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa. Bí thư Xứ ủy đã đề nghị đại diện Tỉnh ủy Tân An lãnh nhiệm vụ khởi nghĩa “thí điểm”. Hội nghị quyết định Tân An sẽ khởi nghĩa vào đêm 22, rạng ngày 23-8-1945; tiếp tục giải quyết những vấn đề tổ chức khởi nghĩa ở Sài Gòn như ngày, giờ, cách thức khởi nghĩa...

Sáng 23-8-1945, sau khi khởi nghĩa ở Tân An thắng lợi, Hội nghị Xứ ủy mở rộng lần thứ ba được triệu tập, họp rút kinh nghiệm và quyết định tối ngày 24-8-1945 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn.

Theo kế hoạch, ngay trong đêm 24-8, quần chúng cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Tân Bình, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hoà, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một… từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên có tổ chức, mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn… bằng mọi phương tiện rầm rập kéo về nội thành Sài Gòn để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền theo kế hoạch của Xứ ủy.

Từ sáng ngày 25-8-1945, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ồ ạt kéo vào Thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”; “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”; “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”; “Độc lập hay là chết!”. Cả Thành phố rung chuyển dưới chân bước theo nhịp “một, hai” của hàng trăm ngàn đến hàng triệu người biểu tình, vừa đi vừa hát bài “Lên đàng”… Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở. Quần chúng như một biển người từ mọi ngả kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ rồi toả ra diễu hành khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng, trọn vẹn và không đổ máu.

Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn thắng lợi, ngày 2-9-1945, nhân dân Nam Bộ tổ chức một cuộc mít tinh lớn chào mừng Ngày độc lập tại một địa điểm gần nhà thờ Đức Bà. Hơn 1 triệu người từ nhiều tỉnh và thành phố tập trung về đây chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Tại buổi mít tinh, đồng chí Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam Bộ Trần Văn Giàu đã nêu ý nghĩa của buổi lễ Độc lập: “Hôm nay, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ Độc lập, mừng thắng lợi của cách mạng trên cả nước Việt Nam”. Ông nhắc nhở đồng bào “mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi” vì Tổ quốc ta đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài, “Việt Nam yêu quý của chúng ta đang gặp một tình cảnh nguy nan”. Nếu chúng ta chủ quan tự mãn, “không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”. Cuối cùng, ông kêu gọi đồng bào “Hãy sẵn sàng chiến đấu! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước!”. Bài diễn văn kết thúc bằng câu: “Tiến lên! Vì độc lập, tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn cản nổi ý chí của muôn dân trên đường giải phóng”. Bài phát biểu được coi như “Bản hùng văn đất phương Nam”- của đồng chí Trần Văn Giàu. Một lần nữa nhân cách, tài năng tổ chức, tuyên truyền cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu lại tỏa sáng, tầm nhìn và tư duy chính trị nhạy bén của đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ được khẳng định trước quốc dân, đồng bào Nam Bộ.

Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, chỉ hơn 20 ngày sau đó, đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, được sự hậu thuẫn của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng hây hấn, đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Sáng ngày 23-9-1945, một Hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch. Trong thời khắc lịch sử đó, đồng chí Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy đã có quyết định sáng suốt, chính xác, kịp thời với ý chí thống nhất cao độ “độc lập hay là chết”, điều này được khắc ghi vào lịch sử oai hùng của cách mạng nước ta như là một lời thề quyết tử của nhân dân Nam Bộ sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Sáng 23-9-1945, đồng chí Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ: “Đồng bào Nam Bộ! Nhân dân thành phố Sài Gòn! Anh em công nhân, nông dân, thanh niên tự vệ, dân quân, binh sĩ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu”. Quyết định phát động kháng chiến ngay khi quân Pháp gây hấn Sài Gòn, trên thực tế đã đáp ứng trúng nguyện vọng của nhân dân và được nhân dân nhiệt thành hưởng ứng.

Như vậy, trong một thời gian ngắn, đồng chí Trần Văn Giàu đã có những quyết định lịch sử vô cùng quan trọng đối với cách mạng miền Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khí phách của nhà cách mạng kiên trung của Đảng và nhân dân ta. Đồng bào Nam Bộ nói chung và nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng ghi nhận và tôn vinh công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Giáo sư Trần Văn Giàu với tư cách “là một nhà cách mạng lão thành, kiên trung, đã cống hiến dâng cả cuộc đời mình cho cuộc hành trình đầy gian lao khốc liệt mà rất đỗi anh hùng của Đảng ta trong chặng đường lịch sử 80 năm qua của dân tộc. Giáo sư là người tận trung tận hiếu với Đảng và nhân dân, là tấm gương sáng về lòng tận tình, độ lượng, bao dung, trung hiếu, thủy chung với đồng chí, đồng nghiệp và gia đình, gương sáng về nhiều lĩnh vực cho các thế hệ học tập, noi theo”.

Huyền Nguyễn

 

[1] Từ khi thành lập cho đến tháng 5-1945, Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền phong) chưa liên lạc được với Trung ương.

[2] Trần Văn Giàu, Hồi ký 1940- 1945, TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.88