flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

DẤU ẤN TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 90 NĂM DƯỚI LÁ CỜ VẺ VANG CỦA ĐẢNG

Ngày đăng: 28-09-2020 Lượt xem: 2274

90 năm dưới lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng cả nước trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; năng động sáng tạo, chủ động tích cực, luôn mạnh dạn tìm tòi, đương đầu với những khó khăn, thử thách, dám nghĩ dám làm, có nhiều sáng kiến, cách làm mới, bằng thực tiễn sinh động, đúng đắn, phù hợp, góp phần vào sự hình thành, phát triển đường lối đổi mới đất nước của Đảng ta, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng; giữ vị trí, vai trò trung tâm nhiều mặt, đầu tàu, động lực cho sự phát triển khu vực Nam Bộ và cả nước.

Những thành tựu phát triển của Thành phố dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng bộ Thành phố ra đời từ đầu năm 1930, nhưng từ năm 1919 giới thanh niên tiên tiến của Sài Gòn đã sớm được tiếp xúc và biết đến Nguyễn Ái Quốc qua báo “Le Courrier de Saigon” (Thư tín Sài Gòn), tờ báo đã đăng tải bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” và Thư gửi Tổng thống Mỹ đang tham dự Hội nghị Hoà bình Versailles của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1930 đến năm 1975, lịch sử của Đảng bộ Thành phố là quá trình lãnh đạo đầy gian khổ mà vinh quang đối với cuộc chiến đấu vô cùng cam go quyết liệt, hy sinh của Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đương đầu với các thế lực thù địch sừng sỏ, rất hung hãn và tàn bạo ngay tại trung tâm sào huyệt của chúng, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Trước hết, đó là thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8 năm 1945; ở thành phố lớn, chưa nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, nhưng cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trọn vẹn, chỉ 5 ngày sau cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội và ngay sau đó đã mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược. Thứ hai, đó là Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo tiến công địch liên tục về nhiều mặt trong thế ở đầu sóng ngọn gió, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không chỉ ở vành đai đỏ ngoại thành, mà ngay trong nội thành, giặc Pháp luôn phải đương đầu với các hoạt động đột kích trừ gian, những trận đánh đặc công đốt phá các kho xăng dầu, súng đạn; tấn công vào những điểm có đông sĩ quan Pháp… Phong trào đấu tranh chính trị của các giới ở Thành phố ngày càng mạnh; phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đòi thả tù chính trị, đòi thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh, đã được dư luận xã hội đồng tình; nhiều căn cứ kháng chiến được hình thành như: An Phú Đông, Láng Le - Bàu Cò, Rừng Sác, Bình Mỹ, Hố Bần, Phú Thọ Hoà, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An… Thứ ba, đó là Đảng bộ Thành phố luôn xông pha trong bão táp của cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trung tâm sào huyệt của địch, tiếp tục mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân, xây dựng vành đai căn cứ cách mạng ở ngoại thành, xây dựng các lõm chính trị ngay trong nội thành như: Bàn Cờ, Bảy Hiền..., thực hiện sự phối hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân ở đô thị với phong trào đấu tranh của nông dân ở vành đai và ở các tỉnh Nam Bộ, phối hợp giữa quân dân Thành phố với quân chủ lực, tiến công địch liên tục về chính trị, võ trang và binh vận, đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, với cơ sở vật chất còn nguyên vẹn.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30 tháng 4 năm 1975), Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Với sự linh hoạt, năng động, sáng tạo của mình, nắm vững các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của Thành phố, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến và với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với cấp trên và với Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tiếp tục tìm tòi hướng đi hữu ích, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống Nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên với cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh như: Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá Vĩnh Hội, Công ty Lương thực, các xí nghiệp Dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú, Phước Long, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinapro, Sinco, Xí nghiệp Dược Thú y… chủ động “phá rào”, tiến hành tổ chức lại sản xuất, liên kết với các tỉnh khai thác nguyên liệu, cung ứng thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao; làm gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho công nhân. Trên lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân từng bước ổn định, từ “vành đai trắng” trong chiến tranh chuyển thành “vành đai xanh”. Trên lĩnh vực phân phối lưu thông, nhận thức của Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã chuyển biến theo hướng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn: kết hợp cải tạo với xây dựng, tổ chức lại mạng lưới tiểu thương rộng lớn ở Thành phố với những hình thức phù hợp, tăng cường quản lý thị trường xã hội… Thành phố tiến hành liên kết và mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh, tích cực đầu tư chiều sâu cho nông thôn ngoại thành, cải tiến phương thức phân phối và phục vụ… Thành phố còn là địa phương đi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhiều mô hình tiêu biểu như Direximco, Imex Saigon, Cholimex, Ficonimex, Pharimex v.v…

Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền Thành phố dựa vào dân để đập tan các phe, nhóm phản động và các âm mưu của chúng, giữ vững trật tự trị an, bảo vệ thành quả cách mạng; nêu cao sự tin tưởng và phát huy quyền làm chủ, sức mạnh trí tuệ, nguồn lực của Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân, lợi ích dân tộc; phát huy tinh thần năng động sáng tạo, trí tuệ của đội ngũ trí thức để tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, dịch vụ, chăm lo cải thiện đời sống của Nhân dân. Với những chuyển động đó, Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao như phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười: “…những bài học rút ra từ thực tiễn của một trung tâm lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, được đúc kết có hệ thống sẽ nâng tầm lãnh đạo của Đảng bộ, đồng thời đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm chung của toàn Đảng…”.

Thực tiễn còn cho thấy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) - Đại hội của đổi mới, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất, nguồn lực to lớn từ trong Nhân dân; các thành phần kinh tế được phát triển, kinh tế Nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động ngày càng hiệu quả; kinh tế tập thể được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng, có đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự phát triển kinh tế của Thành phố, cũng như của cả nước.

Với tinh thần năng động sáng tạo đi trước, dẫn đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế Nam Bộ và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong đi trước xây dựng, phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa. Thành phố là địa phương đi trước cả nước tìm tòi, sáng kiến xây dựng mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp sinh thái, hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường giáo dục… Những mô hình mới về phát triển kinh tế là sản phẩm lao động thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén, thích ứng nhanh với quá trình và xu thế hội nhập kinh tế thế giới của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, những mô hình mới về kinh tế được tạo ra vừa là bước đột phá mới của Thành phố vừa là mô hình chung cho sự phát triển kinh tế của Nam Bộ và cả nước.

Nhiều năm trở lại đây, nhằm khẳng định vai trò, vị thế của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ, đầu tư mạnh cho lĩnh vực này và lấy đó làm nền tảng phát triển, xây dựng một Thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công sang sử dụng sức lao động cùng với công nghệ hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước đạt hơn 1,347 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước (7%). Năng suất lao động năm 2019 ước đạt 299,8 triệu đồng/người, tăng 6,82%. Thu ngân sách ước đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2018

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của cả nước được cấp giấy phép đầu tư (ngày 24 tháng 9 năm 1991). Thành phố là địa phương tiên phong phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị, xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng cơ chế phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ… Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một địa phương đi đầu cả nước trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức. Công viên phần mềm Quang Trung là khu công nghiệp phần mềm sớm nhất, lớn nhất và thành công nhất. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là khu công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn nhất vào giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương triển khai sớm nhất phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhạy bén, năng động sáng tạo, đi đầu cả nước về cải cách hành chính: một cửa một dấu, hành chính công, mạnh dạn đi đầu áp dụng hệ thống quản lý quốc tế ISO... cho các lĩnh vực, từng bước và tiến dần xã hội hóa một số mặt về quản lý nhà nước, quản lý hành chính. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong cả nước suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa - xã hội, khởi xướng và thực hiện các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; “xây dựng nhà tình nghĩa” “nhà tình thương”; chương trình ‘xóa đói giảm nghèo”; “bảo trợ bệnh nhân nghèo”; đem lại “nụ cười cho trẻ thơ”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; phong trào ba giảm, đề án sau cai nghiện, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng quỹ vì người nghèo, bệnh viện cho người nghèo, chương trình nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa y tế, giáo dục, phát triển mô hình bệnh viện, trường học với nhiều loại hình khác nhau phong phú, đa dạng … mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thành phố cùng cả nước đang xây dựng.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn đầu tư thích đáng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; chăm lo cải thiện đời sống nông dân; tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, là địa phương thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước vào năm 2004, góp phần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện ngoại thành Thành phố, cũng như tạo ra sự lan tỏa sang các tỉnh trong khu vực. Với vai trò là hạt nhân, khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang góp phần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện như: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn...

Điểm nổi bật nữa là Thành phố thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại để phát triển Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ: Để vượt qua thách thức khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và khu vực là phải nâng cao năng lực cạnh tranh nên từ năm 2007 đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ hội nhập (Trung tâm WTO) để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị với tầm nhìn của một đô thị lớn của khu vực ASEAN, một trung tâm về dịch vụ, công nghiệp, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo của khu vực.

Thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một trong những thành tựu rất quan trọng của Thành phố. Dân chủ được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với đảng bộ và chính quyền các cấp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

90 năm dưới lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân, mạnh dạn đề xuất thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra, tạo ra những mốc son, nhiều mô hình mới, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động để hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, xứng đáng là đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh càng tự hào với những thành tựu đã đạt được bao nhiêu thì càng phải nhìn thẳng vào những yếu kém trong phát triển Thành phố hiện nay, càng quyết tâm hơn nữa để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố có chất lượng sống tốt, năng suất lao động cao, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang. Những cống hiến của thành phố cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là rất to lớn”[1].

Vũ Hà My

 

 

[1] Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020