flag header

Tin tứcChống DBHB

Đoàn kết chặt chẽ - Thành phố không đơn độc

Ngày đăng: 12-07-2021 Lượt xem: 4993

Thông điệp của Thủ tướng như sự gắn kết tất cả những sẻ chia, sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh; của đồng bào và đảng bộ, chính quyền các địa phương với mong muốn, quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

"Tất cả vì Thành phố Hồ Chí Minh"

Tối ngày 08/7/2021, khi có thông tin Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị giãn cách xã hội 02 tuần trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 00g00 ngày hôm sau, thì trong dòng cảm xúc xã hội, trong mỗi người xuất hiện những trạng thái đan xen. Dòng trạng thái thứ nhất là sự xôn xao, tất tả, lo lắng của nhiều người chuẩn bị phương án thích ứng với tình hình; thu xếp trở về quê nhà - là các tỉnh giáp ranh hay gần với Thành phố; mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm cho những ngày sắp tới. Dòng trạng thái thứ hai là cảm xúc ấm áp, an tâm, phấn khởi, khi Báo điện tử Tổ quốc cùng với nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội đăng tải thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Tất cả vì Thành phố Hồ Chí Minh”. Thông điệp của Thủ tướng xuất hiện vào thời điểm ấy trên trang báo có tên “Tổ quốc” lại càng thêm giá trị, ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc.

Thông điệp của Thủ tướng như sự gắn kết tất cả những sẻ chia, sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh; của đồng bào và đảng bộ, chính quyền các địa phương với mong muốn, quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Có thể kể đến như: Chương trình “Người Quảng Bình góp cá gửi Thành phố Hồ Chí Minh”; “Chuyến xe yêu thương” chở hàng trăm tấn rau của bà con Lâm Đồng xuống Thành phố; lời nhắn nhủ “Ăn cá ba sa, Sài Gòn mau hết dịch nha!” của bà con miền Tây Nam bộ khi gửi lên Thành phố nhiều tấn cá tươi ngon; chuyến bay chở hơn 300 cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ Thành phố chống dịch v.v…. Thông điệp của Thủ tướng còn là lời thúc giục hàng triệu con tim, khối óc phát huy truyền thống quý báu của dân tộc đã được hun đúc qua ngàn đời và gói gọn bằng một từ: Đoàn kết.

Có lẽ chúng ta đã không dưới một lần nghe nhắc đến “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cùng cả nước”. Đó là vai trò, là sứ mệnh cao cả của Thành phố “đầu tàu” kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đó còn là nghĩa tình, sự hào sảng của con người Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là một phần thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu! Nơi đây là miền đất hứa, định vị biết bao hoài bão, khát vọng, và những cảm xúc tốt đẹp nhất của bao thế hệ thanh niên nói riêng và của người dân trên mọi miền đất nước nói chung về một hành trình kiến tạo tương lai.

Đừng cố gây chia rẽ tình đoàn kết

Khi số ca nhiễm Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày một tăng lên trong đợt bùng dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/5, cũng là lúc trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết (với nhiều thể loại thơ, nhạc, truyện, ký), các pano mang giai điệu, âm hưởng buồn về “sự cô đơn” của Thành phố trong vòng vây dịch bệnh. Nhiều người không ngần ngại “than thân trách phận” rằng bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu trên mọi miền đất nước gặp khó khăn “anh hai Sài Gòn” luôn “chìa tay” chia sẻ, hỗ trợ. Nhưng khi “Sài Gòn trở bệnh”, đối diện khó khăn do Covid-19 gây ra thì cả nước ngó lơ; một số tỉnh - thành “quay lưng, khép cửa”; rằng người “Sài Gòn mất giá, đừng về quê nếu không muốn bị gọi báo công an xã”, “đừng về quê để xóm làng được bình yên” v.v… và v.v… Tất cả những điều đó phác họa lên bức tranh mà tưởng chừng Thành phố thật đáng xót xa, thê thảm, đơn độc.

Thế rồi, khi Bộ Y tế điều động hơn 300 cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương - những người vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang khẩn trương vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch, thì cũng từ trên “cõi mạng” ấy xuất hiện “làn sóng cuồng nộ”; những chỉ trích không ngớt lời chua chát nhắm vào lực lượng sinh viên đang đầy nhiệt huyết tình nguyện, đầy tình cảm thân thương và trách nhiệm cộng đồng. Ném đá vào đoàn người đang lao vào tâm dịch với mong muốn dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế, ngăn chặn để “anh hai Sài Gòn” được trở lại với “thân hình” cường tráng chắc chắn không phải là thiện chí.

Câu hỏi đặt ra: Có phải những “ca thán” hay “chỉ trích cuồng nộ” trên “cõi mạng” ấy là tiếng nói đại diện Thành phố, của những người Thành phố chân chính? Trả lời là không phải. Những người Thành phố chân chính đang hàng ngày nỗ lực cùng hệ thống chính trị quyết tâm chống dịch. Còn những người “ca thán”, “chỉ trích” kia là ai? họ muốn gì? thì có lẽ chỉ có chính họ là người biết rõ nhất. Nhưng việc họ làm, lời họ nói đã ít nhiều tổn thương tình Đoàn kết ngay trong thời điểm cần sự Đoàn kết nhất.

Chung sức, đồng lòng vượt mọi gian khó

Trong lịch sử chống thiên tai và ngoại xâm, Đoàn kết trở thành nhu cầu và lẽ sống của người Việt Nam. Đoàn kết trong bảo vệ Tổ quốc là truyền thống được hình thành từ thực tiễn đấu tranh giữ nước của nhiều thế hệ người Việt. Để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, các thế hệ người Việt trong lịch sử đã nhận thức khá sâu sắc về sự cần thiết phải xây dựng và củng cố khối Đoàn kết; coi Đoàn kết là tài sản tinh thần giá trị trong kho tàng tư tưởng dân tộc. Đoàn kết trong bảo vệ Tổ quốc là một bài học vô giá của lịch sử, được khái quát đúc kết từ cuộc đấu tranh giữ nước của nhiều thế hệ người Việt trong quá khứ. Và trong bối cảnh hiện nay, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ cả nước xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì truyền thống đó tiếp tục phát huy những giá trị to lớn về tư tưởng, có ý nghĩa quan trọng. Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đòi hỏi cấp thiết trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch Covid-19.

Ảnh: Người dân đồng lòng thực hiện nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội là góp phần vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch.

Trên thế giới, không một quốc gia nào và trên đất nước Việt Nam không một tỉnh, thành phố hay con người nào mong muốn dịch bệnh Covid-19 lây lan, bùng phát. Và cũng không một cơ quan, tổ chức nào thờ ơ đứng nhìn dịch bùng phát. Tất cả các giải pháp trước mắt và lâu dài đã được các nhà quản lý quốc gia trên thế giới cũng như Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hệ thống chính trị của ta từ trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang cân nhắc, lựa chọn và triển khai quyết liệt. Việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo khu vực nhỏ lẻ hay trên phạm vi rộng lớn trong thời điểm cần thiết là một trong những giải pháp căn cơ nhất để sớm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết rất cần sự Đoàn kết, Đồng lòng, Tự giác của mỗi cá nhân vì cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững./.

Trịnh Thanh Trịnh