flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai: Người nữ Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 30-09-2020 Lượt xem: 3228

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tự nguyện tập hợp và hòa mình vào phong trào đấu tranh sôi nổi cùng các tầng lớp nhân dân, các phong trào diễn ra liên tục trên thế tiến công với nhiều hình thức đấu tranh đa dạng, sáng tạo, qua đó đã không ngừng xây dựng lực lượng và phong trào ngày càng lớn mạnh ngay trong lòng địch, trở thành chỗ dựa vững vàng, tin cậy của Đảng. Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài và bền bỉ ấy, không ít những tấm gương tiêu biểu đại diện cho những người phụ nữ quả cảm, kiên trung, đặc biệt không thể không kể đến đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ Bí thư đầu tiên và duy nhất của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) tính đến nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 1/11/1910 tại xã Vĩnh Yên, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Lúc 9 tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cha mẹ cho đi học chữ quốc ngữ tại trường nữ sinh của thành phố Vinh. Học hết lớp nhì trường nữ sinh, đồng chí được chuyển sang học lớp nhất ở trường tiểu học Cao Xuân Dục. Lúc bấy giờ, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Merlin đang kích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, trí thức ở Nghệ Tĩnh. Được các thầy giáo hướng dẫn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia các phong trào yêu nước với tất cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Đồng chí vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ.

Mùa hè năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người đầu tiên trong giới phụ nữ ở thành phố Vinh - Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam (sau đổi tên thành Tân Việt cách mạng đảng) và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ (tức cấp thành bộ) Hội Hưng Nam, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Năm 1929, đồng chí thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng bí mật.

Từ Đảng Tân Việt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy và những làng lân cận. Ở nhà máy, đồng chí hòa mình trong phong trào công nhân, được công nhân yêu mến, tin cậy, do đó cơ sở đảng được xây dựng, phong trào đấu tranh phát triển.

Mùa hè năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được lệnh ra hoạt động ở Hải Phòng rồi từ đó được Đảng cử sang Hương Cảng làm việc tại Văn phòng Phương Nam của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng. Đồng chí làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam, ở giữa mạng lưới dày đặc cảnh sát và mật thám của thực dân Anh. Trong thời gian ở Hương Cảng, đồng chí lấy bí danh là Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương…

Năm 1931, đồng chí bị chính quyền phản động ở Quảng Châu bắt giam. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập đồng chí không hề bị khuất phục. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Đỏ, năm 1933 đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước.

Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong được cử đi dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Lần đầu tiên, với tên là Phan Lan, đồng chí đã dõng dạc lên án chính sách xâm lược của thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của chúng, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương và phụ nữ Việt Nam. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tại Trường Đại học Phương Đông.

Giữa năm 1936 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về đến Sài Gòn và được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam kỳ. Thời gian này, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo Dân Chúng, kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam noi gương phụ nữ Liên Xô hăng hái hơn nữa trong các phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột.

Thẻ đại biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935. Ảnh tư liệu

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trung ương Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật, lúc này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong điều kiện khó khăn, đồng chí luôn bám sát cơ sở hoạt động và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn, đồng chí đã bí mật vào xưởng đóng tàu Ba Son, công ty hỏa xa Sài Gòn, về Hóc Môn, Gia Định kiểm tra tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân và phụ nữ. Cũng trong thời gian này đồng chí Lê Hồng Phong, người đồng chí, người chồng của chị cũng đã về Sài Gòn hoạt động, đến ngày 29/9/1939 thì đồng chí Lê Hồng Phong bị giặc Pháp bắt giam.

Mùa xuân năm 1940, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con duy nhất, đồng chí Minh Khai đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Lúc này, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng nông thôn Nam Bộ. Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, cơ sở Đảng ở ngã sáu Bình Đông bị lộ. Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp, giam tại bót Catina. Chúng đưa đồng chí Lê Hồng Phong về nhận mặt đồng chí Minh Khai để hòng có chứng cứ kết án xử tử hình cả hai người về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng chúng đã thất bại vì hai chiến sĩ dũng cảm của nhân dân ta không nhận một điều gì kể cả mối quan hệ vợ chồng với nhau. Tra khảo không được, giặc Pháp đưa đồng chí vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

Sau 8 tháng giam cầm, tra tấn và dụ dỗ, ngày 21/1/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Minh Khai ra tòa án và kết án 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ. Ngày 11/3/1941, Tòa án thượng thẩm Sài Gòn của địch lại nâng án lên 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ, 20 năm mất quyền công dân và phạt 1.100 đồng bạc Đông Dương. Ngày 25/3/1941 và ngày 3/4/1941, chúng lại đưa đồng chí ra tòa án binh Sài Gòn, xử tử hình đồng chí Minh Khai cùng các đồng chí khác bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với cái tội mà chúng bịa ra là “xui giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ chính phủ”.

Trong bức thư gửi về cho cha mẹ ngày 29/5/1941, đồng chí viết: “Con xin thầy đẻ[1] đừng tủi nhục đau khổ rằng con bị kết án xử tử là phạm điều gì sát nhân, tội ác, xấu xa, dữ tợn như bọn chúng nói. Không, con không phải vậy đâu! Con không phải là đứa con bất hiếu. Con khi nào cũng là đứa con trong sạch, chính đáng, không bao giờ làm điều gì bất nhân hung dữ. Con đầy một tấm lòng nhân ái, minh chính”.

Sáng 28/8/1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn địch hung bạo đâm lưỡi lê vào ngực đồng chí. Các đồng chí chung quanh thét lên phản đối, tiếng hô căm phẫn trút lên đầu quân thù. Chúng sợ hãi vội đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí ra trường bắn. Trước họng súng của địch, các đồng chí đã giật tung giải bịt mắt, ngẩng cao đầu hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!/ Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã ngã xuống nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân. Đồng chí là một trong hàng triệu người phụ nữ Việt Nam kiên cường, sẵn sàng ngã xuống, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc…

Nguyễn Võ Cường

 

[1] Ngôn ngữ địa phương xứ Nghệ