flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Đừng nghe theo lời kêu gọi “xuống đường” hay “lên phường”!

Ngày đăng: 31-08-2021 Lượt xem: 6963

Những ngày gần đây, ở một số nơi tại TP.HCM, có hiện tượng người dân tự ý tụ tập hoặc bị kích động để đến trụ sở khu phố, UBND phường hoặc đi lại đông người trên đường… nhằm đòi hỏi các quyền lợi liên quan đến các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, sau hơn 4 tháng bùng phát dịch, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến cuộc sống trở nên rất khó khăn. Các cấp chính quyền đều nhận thấy điều đó và đều rất chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ để giúp mọi người yên tâm chấp hành các giải pháp chống dịch.

Tuy nhiên, do số lượng người cần hỗ trợ là khá nhiều, nguồn lực để hỗ trợ lại có hạn hoặc không đều (có lúc nhiều, lúc khác lại ít), nhân lực để thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, đóng gói, vận chuyển… cũng rất khó khăn… Từ đó, dẫn đến việc quan tâm, hỗ trợ người dân có khi chưa kịp thời và rộng khắp. Điều này rất cần được sự chia sẻ, thông cảm của tất cả người dân, cũng như sự đồng hành, phối hợp của các lực lượng để bảo đảm chăm lo người khó khăn được tốt nhất, kịp thời nhất.

Lợi dụng một số trường hợp còn có thiếu sót, chậm trễ, kể cả nhiều trường hợp không có đủ thông tin hoặc hiểu nhầm, có người đã kích động, lôi kéo nhiều người khác tụ tập đông người để phản đối, đòi hỏi quyền lợi, trong đó có những trường hợp đòi hỏi chưa thực sự chính đáng. Việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhiều người không bảo đảm giãn cách, các cá nhân tham gia dễ có tiếp xúc trực tiếp với nhau, đồng thời quá trình di chuyển có thể làm tán phát nguồn lây cho những người khác. Không chỉ vậy, việc ra khỏi nhà không có lý do chính đáng và tụ tập đông người là vi phạm các quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh thành phố đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, trong quá trình tụ tập, thắc mắc, tranh cãi…, có người đã ghi hình lại vụ việc và sau đó được phát tán lên mạng xã hội. Một số tổ chức, cá nhân, nhất là các nhóm phản động, các phần tử cơ hội, chống phá…, đã nhanh chóng “chộp lấy cơ hội” để đưa lại, cắt xén, bóp méo, xuyên tạc thông tin và dẫn dắt người đọc, người xem đi đến một nhận thức mới sai lầm, lệch lạc. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nhiều thông tin, hình ảnh, video clip tưởng như “phản ánh trung thực” một số vụ việc nào đó nhưng thực ra chỉ là góc nhìn sai lệch, phiến diện của chính người ghi hình, đăng tải.

Nếu người dân nhẹ dạ, cả tin mà “lên phường” hay “xuống đường” thì chưa rõ có được hỗ trợ ngay hay không nhưng trước hết là tạo thêm nguy cơ rủi ro cho bản thân có thể bị lây nhiễm, là vi phạm các quy định về giãn cách xã hội trong giai đoạn triệt để thực hiện chủ trương “ai ở đâu, thì ở đó”, đồng thời có thể bị kẻ xấu lợi dụng công kích, xuyên tạc thực tế công tác chống dịch của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Chính phủ và các địa phương, trong đó có TP.HCM, luôn nhất quán quan điểm là bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ở TP.HCM, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo cho người dân bằng nhiều hình thức, trong đó đã mời người có quê từ các tỉnh ở lại để tiêm vaccine ngừa Covid-19, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân khó khăn bất kể là công dân TP.HCM hay đang tạm trú, trợ cấp cho người lao động bị mất việc do Covid-19 dù không có hộ khẩu tại thành phố… Tinh thần đó được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới thông qua các hoạt động cụ thể ở từng địa phương, địa bàn.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người dân, các tổ chức, các thành phần trong xã hội để có sự đồng thuận và tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch. Với mỗi người, bên cạnh ý thức trách nhiệm công dân là chấp hành và phối hợp tốt cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng chống dịch còn cần sự tỉnh táo, cảnh giác, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt của một vài cá nhân chống đối chính quyền.

Trúc Giang