flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Giáo dục tư tưởng cách mạng trong gia đình Bác Tôn

Ngày đăng: 19-08-2020 Lượt xem: 2632

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Hơn 60 năm hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, người luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách. Còn đối với gia đình, ở cương vị của một người chồng, người cha và người ông, Bác Tôn đã luôn dành những tình cảm yêu thương, quan tâm sâu sắc. Đặc biệt là sự giáo dục của Bác đối với con cháu trong gia đình, để mọi người tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, rèn luyện trở thành người có ích cho đất nước.

Theo lời kể của bà Tưởng Bích Vân - một trong ba người con gái của bà Tôn Thị Nghiêm - con gái ruột của Bác Tôn: “Đó là lúc tôi cùng hai em Tưởng Hoài Nam và Tưởng Bích Hà phải đi sơ tán, với điều kiện đương thời rất khó khăn, gian khổ… Ông ngoại đã gửi cho 3 chị em tôi lá thư, nhằm dạy chúng tôi lối sống giản dị, chân thành, thẳng thắn, quyết tâm sắt đá trong cuộc đấu tranh và tính tự lập trong cuộc sống dù ở bất cứ hoàn cảnh nào…”.

Trong ký ức của mỗi người vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về Bác qua những câu chuyện được kể bởi chính họ. Ông Dương Văn Khánh con trai của bà Tôn Thị Hạnh - con gái ruột của Bác Tôn kể lại: “Thuở nhỏ, tôi thường đi theo Ông ngoại, Ông rất ít khi nói về mình, nhưng khi làm việc gì cũng suy nghĩ rất chu đáo, những gì làm được là tự tay làm, không thích làm phiền người khác… Ông dạy chúng tôi phải biết tự lập, tự làm và phải biết yêu lao động…”.

 Còn đối với bà Tưởng Bích Hà, đến tận bây giờ câu nói “Ông không cần các con phải mang danh là đảng viên, chỉ cần các con sống như những người cộng sản” của Bác Tôn như vẫn còn đó, bà kể: “Năm chị em chúng tôi đã nghe lời Ông bà, cha mẹ phấn đấu học hành, đều tốt nghiệp Đại học, trên Đại học và Tiến sĩ. Ba người là Đảng viên, chị Vân có hỏi tôi, tại sao các em không vào Đảng? tôi nói Ông ngoại dạy: “Ông không cần các con phải mang danh là đảng viên, chỉ cần các con sống như những người cộng sản”. Cứ nối tiếp truyền thống chúng tôi đã dạy dỗ những thế hệ sau noi gương ông bà, cha mẹ, sống tốt, sống có văn hóa, có trình độ, có đạo đức để phục vụ đất nước”.

Bên cạnh những người ruột thịt chảy chung dòng máu, Bác còn nhận hai người con gái nuôi là bà Tôn Tuyết Dung và bà Tôn Thị Ngọc Quang. Tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ luôn là động lực giúp cho mọi người vượt qua những lúc khó khăn, gian khổ. Năm 1962, bà Tôn Tuyết Dung rời Hà Nội đến tỉnh Phú Thọ công tác. Đây là giai đoạn khó khăn và thử thách nhất trong cuộc đời của bà vì phải thường xuyên đi công tác trong điều kiện bom đạn cùng với ba con nhỏ. Chính những lá thư bà nhận được từ người cha Tôn Đức Thắng đã giúp bà có thêm nghị lực để tiếp tục làm việc. Trong thư gửi ngày 10/6/1963 cho bà Dung, Bác Tôn viết: “Trong tuần lễ vừa qua, có một lúc ba muốn chạy lên thăm hai con, rồi lại sợ lúc trở về nắng quá, cũng có sợ tổn phí nhiều xăng dầu của nhân dân vì một việc không quan trọng lắm, mà thôi không đi, nói về nhớ hai con, hai cháu thì ba má nhớ lắm!”. Năm 1968, khi bà được đề bạt làm Phó Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Phú Thọ, với những băn khoăn cá nhân vì phải đi công tác nhiều, xa gia đình, không thể chăm sóc các con, bà chia sẻ và được Ba cho lời khuyên: “Nếu tổ chức tin cậy, con làm được thì nhận, con không làm được thì từ chối. Nhưng nếu từ chối vì sợ khó, sợ khổ thì không nên mà phải cố gắng khắc phục. Và nên nhớ một điều là: khi nào người ta bảo đồng chí không làm được nữa, phải xuống là con xuống nhé!”. Khi nhớ về những tình cảm của Ba, bà tâm sự: “Từ một cô gái nhỏ không biết gì về cách mạng, không biết gì về cộng sản, không biết thế nào là người cộng sản chân chính, đến bây giờ tôi là người cộng sản, tận tụy với nghề. Tôi cho rằng sự trưởng thành của tôi gắn liền với sự giáo dục của ba má, đặc biệt là Ba”.

Chiến tranh luôn mang đến sự đau thương và mất mát, đặc biệt là các gia đình mất đi người thân vì bom đạn. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Thanh Bình - con trai của bà Tôn Thị Ngọc Quang: “Hà Nội những năm 1972, tình hình chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, máy bay Mỹ không ngừng ném bom, bắn phá. Ở miền Nam chiến sự cũng đầy căm go, báo chí và phát thanh luôn kêu gọi đồng bào cả nước cùng hướng về miền Nam. Rất nhiều thanh niên đã viết đơn xin nhập ngũ và bản thân tôi tự hào là một trong số họ, dù ở tuổi 18 nhưng được đóng góp sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là điều tôi luôn sẵn sàng nhất là khi tôi hiểu được tình cảm sâu sắc của Ông đối với miền Nam. Những năm tháng huấn luyện tại quân trường với không ít những gian lao, khó nhọc. Tuy nhiên với ý chí và nghị lực của bản thân cùng sự tự hào về truyền thống gia đình khi bố mẹ cũng là bộ đội và đặc biệt là tình cảm và sự động viên của Ông dành cho tôi đã giúp tôi vượt qua mọi gian khó để trở thành người chiến sĩ kiên cường”.

Bà Tôn Thị Ngọc Quang chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ quên những lời động viên, giáo dục của Ba đối với gia đình tôi. Để đền đáp công ơn cách mạng và sự quan tâm dạy bảo của Ba, tôi đã động viên ba con trai tham gia lực lượng vũ trang: cháu Sơn, cháu Bình tham gia quân đội còn cháu Phong đi công an… Lá thư Ông viết cho cháu Bình khi cháu nhập ngũ, chuẩn bị đi chiến trường B chiến đấu, luôn được cháu cất giữ bên mình như một niềm động viên lớn lao”.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm gia đình Thiếu tướng Tô Ký ở Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán 1970

Từ trong những lá thư đã hàm chứa một Câu chuyện – Câu chuyện về tình cảm yêu thương và sự giáo dục trong gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đặc biệt là sự giáo dục của Bác về tính tự lập trong cuộc sống, tình yêu thương trong gia đình và nghĩa vụ của một người công dân đối với đất nước. Ngày nay, giáo dục trong gia đình hơn lúc nào hết cần được quan tâm và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác để những nền tảng đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình mãi được lưu truyền và phát huy.

Ái Nhi