flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Hành trình đi đến "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" của Nhân Dân Việt Nam

Ngày đăng: 20-09-2020 Lượt xem: 1518

Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng cháy bỏng, đồng thời cũng là quyền của mỗi con người, của mỗi dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử nhân loại và xuyên suốt hàng ngàn năm dựng xây gắn liền với bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc luôn là khát vọng, là nỗ lực phấn đấu, hy sinh của biết bao thế hệ. Với Việt Nam, 75 năm qua từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945đến nay, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam, khẳng định giá trị lớn lao và ý nghĩa trường tồn của 6 chữ quý báu này.

1. Khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam yêu nước, Tổ quốc giản dị, thân thương là dải đất hình chữ S; là khoảng trời, vùng biển, đảo, biên giới thiêng liêng thấm đẫm máu xương của tiền nhân, của các vị anh hùng dân tộc và các thế hệ cha anh… Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam yêu nước, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc không chỉ là khát vọng lưu truyền mà còn là một hành trình đấu tranh kiên cường, luôn được tiếp sức, để mỗi người dân và con cháu muôn đời mai sau được thụ hưởng những quyền cao cả đó và thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị cao quý của những mỹ từ đó.

 Vì yêu chuộng độc lập, tự do cho Tổ quốc và khát khao hạnh phúc cho đồng bào mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Không cam tâm khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ; khi nhân dân bị áp bức, bóc lột tận xương tủy, không được thụ hưởng quyền con người, đến ngay cả quyền được sống của một con người cũng bị chà đạp, nên với mỗi người dân thuộc địa nói chung, người dân Việt Nam của xứ Đông Dương thuộc Pháp nói riêng, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã không chỉ dừng lại ở khát vọng mà trở thành động lực, đích phấn đấu.

Trên hành trình đi tìm con đường giải phóng - giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, giải phóng đồng bào mình khỏi áp bức bất công và cao hơn nữa là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để mỗi dân tộc - mỗi con người đều được sống trong Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, khảo nghiệm và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn theo kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: Con đường cách mạng vô sản.

Từ đó, Hồ Chí Minh đã nỗ lực hoạt động trong thực tiễn và trên phương diện lý luận để khẳng định vai trò, vị trí của cách mạng thuộc địa, tính chủ động của cách mạng ở thuộc địa; phát huy sức mạnh của khối đoàn kết của nhân dân ở  các thuộc địa trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng dân tộc mình, giai cấp mình và chính bản thân mình. Theo Người, chỉ khi nào dân tộc được độc lập, tự do thì người dân mới được thụ hưởng giá trị của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc thật sự và độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cho nên: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[1].

Vì thế, cũng chính Người đã bằng những việc làm cụ thể sau đó để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, vào trong phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước; đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ, động viên và tập hợp quần chúng nhân dân trong các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, trong các đoàn thể chính trị, các tổ chức hội phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn cách mạng để nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, tạo dựng và tích bồi nguồn sức mạnh của lực lượng cách mạng nhằm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Ngay từ khi ra đời, ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao khi khẳng định trong Chánh cương vắn tắt "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[2], để "Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập", "Dân chúng được tự do tổ chức", "Nam nữ bình quyền"… Trong suốt những năm sau đó, thông qua các cuộc tổng diễn tập (1930-1931), (1936-1939), Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết để từng bước đấu tranh cho độc lập, tự do. Đặc biệt, khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước (28/1/1941). Kịp thời và chủ động trước sự phát triển nhanh mạnh của phong trào cách mạng, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương thứ 8 (5/1941): quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và nhấn mạnh: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[3]; đồng thời, thành lập Mặt trận Việt Minh, tập hợp "lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta"[4]

Chuẩn bị cho ngày vùng lên của toàn dân tộc, Người và Trung ương Đảng đã nỗ lực xây dựng và chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng; xây dựng căn cứ địa cách mạng và thành lập Khu giải phóng khi thời cơ chín muồi; cổ vũ và động viên mọi người Việt Nam yêu nước không phân biệt giai tầng, tôn giáo, đảng phái, già, trẻ, gái, trai, đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh,v.v.. để chuẩn bị tạo dựng thời cơ và chờ thời cơ đến. Giữa tháng 8/1945, khi thời cơ có một không hai đã chín muồi, đồng bào cả nước theo kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta"[5] đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các địa phương trong cả nước. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam đã được độc lập, tự do sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị; nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứ không còn là thần dân, là nô lệ ở xứ Đông Dương thuộc địa…

Vậy là, với 15 năm kiên trì đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", đã biến khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của muôn đời, của muôn dân trở thành hiện thực trên mảnh đất Việt Nam "đầu sóng, ngọn gió" - mảnh đất mà lịch sử oai hùng luôn phải dựng nước đi liền cùng giữ nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc đổi đời lịch sử, đã biến xứ An Nam thuộc địa bị xóa tên trên bản đồ thế giới trở thành một quốc gia độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam đã giành lại được quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và tự quyền tự quyết định sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình. Thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại đó và Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân và thế giới không chỉ là hiện thân khát vọng của một dân tộc muốn được độc lập, con người muốn được sống trong tự do, được thụ hưởng những quyền con người cao cả nhất mà còn khẳng định quyết tâm, thành quả sự phấn đấu, hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.

2. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã trở thành sự thực ở Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chính những quyền làm người cao cả nhất theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền con người, song những quyền đó chỉ được thực thi trong một quốc gia độc lập. Vì những giá trị cao quý đó, suốt chiều dài lịch sử, nhân loại tiến bộ, trong đó có nhân dân Việt Nam đã không quản ngại hy sinh gian khổ đấu tranh để giành lấy/giành lại. Trân trọng giá trị độc lập, tự do của dân tộc đã giành được, vì thế không lâu sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 49 về việc ghi tiêu đề: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất; bên dưới là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trên các công văn, điện văn, công điện, trát, đơn từ, báo chí, chúc từ,v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, ham muốn tột bậc của Người là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" và Người nguyện cùng Đảng ta, nhân dân ta kiên trì thực hiện "ham muốn tột bậc" đó. Song thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã bị thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ phá bỏ. Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, không cam tâm làm nô lệ, không để quyền sống của mỗi người dân Việt Nam lại bị tước đoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thề quyết tâm cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với khát vọng và niềm tin chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do"...

Trong 30 năm trường chinh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy gian khổ và hy sinh, thắng lợi của trận Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Miền Nam đã được giải phóng, hai miền Nam Bắc đã “sum họp một nhà”, cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc đã không chỉ là khát vọng mà còn là hệ giá trị vô giá và trở thành trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân kiên định thực hiện. Chính lý tưởng ấy, lẽ sống ấy và niềm tin được sống Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc trong một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất đã trở thành động lực để nhân dân ta nguyện một lòng đi theo Ðảng, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước và tiếp tục trong hành trình đi lên lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[6], chính thể chế nhà nước cùng những quyền lợi và nghĩa vụ công dân được quy định trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đã cho thấy, trong điều kiện cụ thể của đất nước, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực thực thi quyền con người theo pháp luật. Theo đó, trong điều kiện có chiến tranh, chính quyền phải vừa cứng rắn vừa mềm dẻo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kháng chiến và kiến quốc (kháng chiến chống thực dân Pháp); trong điều kiện vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà ở miền Nam (kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), mục tiêu bảo đảm độc lập dân tộc và một nền dân chủ rộng rãi của nhân dân, quyền tự do, dân chủ của nhân dân cũng đã được thực hiện…phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khi nước nhà hòa bình, độc lập và thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân cả nước lại tiếp tục đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng vượt qua khó khăn về mọi mặt sau những năm dài chiến tranh, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trên đất nước Việt Nam, mỗi người dân đều cảm nhận được sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do, của niềm vui được sống trong Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, để ngày mỗi ngày đều được đóng góp công sức, trách nhiệm vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Những đóng góp và nỗ lực đầy trách nhiệm của một dân tộc yêu chuộng độc lập, tự do, hòa bình và công lý trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong khu vực mà còn trong cộng đồng quốc tế theo quan điểm "bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cở sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển… là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"[7]; trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; trong tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhất là trong phòng và chống đại dịch Covid-19; trong thực thi quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 1980, 1992 và 2013… càng làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, càng cho thấy Việt Nam đang chuyển mình với những bước phát triển đột phá để bảo vệ vững chắc Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Đến với đất nước và con người Việt Nam, được cảm nhận giá trị của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; tìm hiểu về hành trình đấu tranh cho các giá trị làm người cao cả đó và quá trình hiện thực hóa các quyền con người đó tại Việt Nam, bạn bè quốc tế từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản, "có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: “Muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”[8]. Đó chính là minh chứng vừa giản dị vừa sinh động nhất cho khát vọng, tinh thần, ý chí và quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cho/vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong hơn 90 năm qua!

TS. Văn Thị Thanh Mai 

 

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.496

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.112-113

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.596

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.153

[8] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9