flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Họa sĩ Đặng Ái Việt - Hành trình xuyên Việt trên chiếc xe Chaly và 2000 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng

Ngày đăng: 19-08-2019 Lượt xem: 2649

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt, tên thật là Đặng Thị Bông (sinh năm 1948), người con của miền sông nước Tiền Giang vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm một điều gì đó thật ý nghĩa để tri ân những hy sinh thầm lặng của các mẹ. Mong muốn ấy được bà ấp ủ từ lúc còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM mãi đến tận ngày về hưu mới có thể thực hiện.

Họa sĩ Đặng Ái Việt và hành trang đi vẽ chân Mẹ Việt Nam Anh hùng

Mọi công việc chuẩn bị cho dự án đã được họa sĩ Việt chuẩn bị thấu đáo, nhưng đến năm 2007, chồng họa sĩ Đặng Ái Việt, đạo diễn, NSND Phạm Khắc (Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM) đột ngột qua đời, khiến mọi dự định phải gác lại. Thế nhưng khi nỗi đau riêng nguôi đi, bà vẫn lên đường thực hiện dự án đã đề ra và đây cũng là thực hiện một lời hứa với người chồng, người đồng đội của bà.

Ngày 19/2/2010, chuyến hành trình đầy chông gai mang ý nghĩa lớn lao ấy bắt đầu, hơn 8 năm dài đằng đẵng, cùng với con "ngựa sắt" hiệu Chaly cũ kỹ chất đầy đồ đạc họa cụ, tư trang, mì gói... tự chuẩn bị cùng một ít tiền dành dụm bấy lâu, bà rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc, từ Bắc chí Nam, từ nơi địa đầu tổ quốc Lũng Cú đến Đất Mũi, Cà Mau, hơn 40.000 km, bằng khoảng 20 lần nếu đi xuyên Việt từ hai đầu đất nước. Khi bà lên đường, các con trai bà rất lo lắng, có người còn đòi đi theo hộ tống mẹ một chặng đường. Nhưng thấy mẹ rắn rỏi và cương quyết tự lo được cho mình nên cả nhà mới yên tâm dõi theo từng bước đi của mẹ.

Một nhà báo kể lại sau khi phỏng vấn họa sĩ Đặng Ái Việt: “Một người phụ nữ ngoài 70 tuổi, rắn rỏi trong bộ quần áo mềm cùng áo khoác ký giả, tóc búi cao vấn khăn rằn quanh đầu gọn ghẽ, làn da rám nắng, ánh mắt tinh anh và giọng nói tràn đầy năng lượng...”. Và hình ảnh họa sĩ Đặng Ái Việt “khoác áo ký giả, quấn khăn rằn” cũng đã dần trở nên quen thuộc với các cung đường đến với các gia đình có mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngày 27/7/2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, họa sĩ Đặng Ái Việt đã tổ chức buổi triển lãm đầu tiên với 100 bức chân dung (trong tổng số chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng mà bà đã kịp vẽ trong suốt 7 năm) và cùng giao lưu với các bạn trẻ tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1).

Tại buổi triển lãm, trả lời phỏng vấn của một nhà báo, bà nói: “Công việc tôi đang làm đơn giản thu gọn trong mấy chữ: Trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân...”. Những ngày tháng trong chiến tranh, với hành trình của một nhà báo đã cho bà quá nhiều ký ức về sự hy sinh của người lính. Và, ẩn sau đó là sự hy sinh còn lớn hơn của những người mẹ, người vợ đã hiến dâng chồng, con mình cho sự bình yên của Tổ quốc. Với bà, được gặp các mẹ, được tự tay vẽ từng bức chân dung là một may mắn, là một lần để tri ân. Mỗi bà mẹ là một câu chuyện bi hùng về lòng quả cảm, về sự hy sinh và cả về những day dứt của tình mẫu tử...”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt và Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thành cùng bức ảnh chân dung mẹ

Bà tâm sự: “Tôi vẽ và ghi nhật ký về mỗi hoàn cảnh của các mẹ để lưu lại trong một cuốn sổ. “Gặp các mẹ, tôi thường trò chuyện, tâm sự để hiểu hoàn cảnh, nội tâm của mẹ trước khi vẽ. Tôi muốn dùng lối vẽ tri tâm để bộc lộ nội tâm của các mẹ thông qua từng đường nét. Tranh tôi vẽ không đơn giản là đặc tả gương mặt mà là linh hồn, nỗi đau của các mẹ được lột tả trên gương mặt, qua những nếp gấp thời gian nên chủ đề suốt chuyến hành trình của tôi gọi là “Hành trình nét thời gian”. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ những hằn sâu ký ức đau thương. Mỗi mẹ là một câu chuyện bi hùng. Có nhiều khi tôi vừa vẽ, vừa khóc”.

Rồi 8 năm sau. Bà đã hoàn thành 2.000 bức vẽ mẹ Việt Nam anh hùng ở cả 3 miền, tổ chức 5 triển lãm tranh chân dung mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp Việt Nam. Nhưng với họa sĩ Đặng Ái Việt như thế vẫn chưa đủ. Đất nước có hơn 4000 mẹ Việt Nam anh hùng mà bà chỉ mới vẽ được trên dưới 2000 mẹ. Khi nào còn mẹ Việt Nam anh hùng chưa được vẽ chân dung là nữ họa sĩ còn muốn tiếp tục cuộc hành trình.

Và điều đặc biệt mà bà là sau khi vẽ gần 2000 bức chân dung cũng là lúc bà trao những nụ hôn thương yêu cho những người phụ nữ vĩ đại ấy sau khi hoàn thành tác phẩm của mình để chia tay các mẹ và tiếp tục lên đường.

Trong suốt hành trình 8 năm độc hành đi vẽ của mình, bà chỉ sợ mình “chậm chân” khi tìm về với mẹ. Bà chia sẻ: “Công trình tôi đang thực hiện như một cuộc “rượt đuổi nghiệt ngã”, mà có khi tôi đến nơi thì mẹ đã không còn. Có lần tôi về Long An, với danh sách 190 Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng sau khi kết thúc hành trình, tôi chỉ vẽ được khoảng 180 mẹ mà thôi, vì một số mẹ đã mất”.

Đằng sau hình ảnh mỗi mẹ Việt Nam anh hùng là một câu chuyện bi hùng, sự hy sinh lớn lao cho đất nước. Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường từ năm 15 tuổi, họa sĩ Ái Việt hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh và nỗi đau khi đồng đội hy sinh.

 “Tôi cũng là phụ nữ nên hiểu nỗi lòng những người mẹ khi sinh ra và nuôi dưỡng đứa con của mình. Các mẹ là người gánh chịu nỗi đau lớn nhất khi chồng, con hy sinh trên chiến trường. Không người mẹ nào vĩ đại hơn thế nữa”, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ.

Thấm thoắt 8 năm trôi qua, từ mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, từ miền biển nghèo khó đến rẻo cao cheo leo của 63 tỉnh, thành đều in dấu bước chân người phụ nữ nhỏ bé ấy. Bà vẫn dùng chiếc xe máy hiệu Chaly và sau đó là chiếc Cúp Cánh én để đi vẽ, bà từ chối mọi nguồn tài trợ mà dùng tiền của mình cho mọi cuộc hành trình.

Và tất cả tranh bà không bán mà đều hiến tặng cho các bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ... cho cuộc hành trình nét thời gian Vẽ và Tri ân - để được đi đến tận cùng ý nghĩa Sống và cống hiến của cuộc đời bà.

Thảo Nguyên