flag header

Tin tứcTin tức

John Reed và tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới

Ngày đăng: 07-11-2018 Lượt xem: 5051

John Reed sinh ngày 22-10-1887 trong một gia đình khá giả ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ). Năm 1910, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, John Reed đã có dịp đi tới nhiều miền đất lạ, gặp gỡ những con người xa lạ và tiếp cận với nhiều dân tộc trên thế giới, nhiều nền văn hóa, nhiều dòng tư tưởng mới[1]. Khao khát hoạt động xã hội sôi nổi, nhất là hoạt động chính trị, cùng với sức hút của những chuyến đi xa, sự thôi thúc của một tâm hồn phóng khoáng, ưa giãi bày quan điểm, thích bùng nổ đã khiến ông quyết định chọn nghề báo. 

John Reed (1887 - 1920)

Hoạt động báo chí của Reed sôi nổi từ khi ông còn là sinh viên. Ông từng gia nhập làng báo với những cộng tác đầu tiên cho tờ trào phúng Lampoon; ông viết cả thơ, truyện, kịch… và được đánh giá là rất có tư chất. Thành danh khá sớm, Reed được nhiều nhà xuất bản, nhiều tờ báo mời cộng tác với thù lao đáng mơ ước[2].

John Reed đã có những chuyến đi xa, như tới Mexico năm 1913 để viết về các cuộc cách mạng nước này cho tờ Metropolitan Magazine, tới quảng trường Madison Square Garden để viết về cuộc đình công của công nhân[3], hay tới Colorado để viết về cuộc thảm sát Ludlow… đã khiến cho John Reed dần có những suy nghĩ về giai cấp, về bóc lột, về phân hóa giàu nghèo... những tư tưởng của một người cộng sản. Ở Paterson, khi xảy ra một vụ đình công của công nhân dệt, thì Reed đã có mặt ngay; ở Colorado, công nhân của nhà tài phiệt Rockefeller cương quyết không trở lại làm việc bất chấp roi vọt và họng súng thì ông đã đứng bên họ, đồng hành với họ; ở Mexico, nông dân bị áp bức dựng cờ khởi nghĩa thì một mình một ngựa, Reed cũng cùng tiến với họ. Và con đường dẫn ông tới nước Nga, đến với cách mạng tháng Mười cũng bắt đầu mở ra từ đấy[4].

Thế chiến I bùng nổ, Reed trở lại châu Âu một lần nữa và ông lại xông pha giữa làn tên mũi đạn. Một người bạn của ông, Alberts Rhys Williams (1883 – 1962)[5], kể lại: “Anh cứ thế mà đi khắp đó đây trên thế giới, từ nước này sang nước khác, từ mặt trận này sang mặt trận khác, từ cuộc phiêu lưu kỳ lạ này sang cuộc khác. Nhưng anh không chỉ là một người phiêu lưu, một phỏng vấn, một khán giả vô tình, một người đứng lạnh lùng quan sát những nỗi đau khổ của nhân loại. Trái lại, anh coi những nỗi đau khổ ấy như của chính mình. Tất cả cái cảnh hỗn loạn, bùn đất, đau khổ và đổ máu ấy đã xúc phạm đến lương năng và lòng yêu công lý của anh. Anh kiên quyết tìm hiểu những gốc rễ của những khốc hại đó, để về sau nhổ bật chúng đi”[6].

Năm 1918, sau khi viết xong cuốn Mười ngày rung chuyển thế giới, John Reed về Mỹ, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Mỹ. Sau đó, ông quay lại Nga nhân Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Dự định viết một cuốn sách nữa về chính quyền Xô viết non trẻ, nhưng ông đột ngột qua đời vào năm 1920 vì bệnh sốt phát ban. Thi hài ông được chôn bên tường thành Điện Kremlin như một nhà cách mạng kiệt xuất.

Các tác phẩm chính của John Reed gồm: Insurgent Mexico (Quân khởi nghĩa Mexico, 1914), The war in Eastern Europe (Chiến tranh tại Đông Âu, 1916), Ten days that shook the world (Mười ngày rung chuyển thế giới, 1919), Daughter of the revolution and other stories (Con gái của cuộc cách mạng và các truyện khác, 1927)…

Tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới được xuất bản năm 1919 tại New York sau nhiều nỗ lực vượt bậc trong việc thu thập tài liệu và bảo quản tài liệu[7]. Cuốn sách gồm 12 chương này diễn giải nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này. Không chỉ vậy, để người đọc có thể hiểu rõ sự việc, vốn diễn ra trong điều kiện thông tin toàn cầu còn hạn chế, sự cản trở người dân tiếp cận thông tin của chính quyền một số nước đế quốc, John Reed còn có một phần chú giải về các đảng phái chính trị, thủ tục đại nghị, các tổ chức quan trọng, các ủy ban Trung ương… của nước Nga nói chung và của lực lượng cách mạng nói riêng.

Trong lời tựa cho bản tiếng Nga của cuốn sách này năm 1923, Nadezhda Krupskaya, phu nhân của lãnh tụ Lenin, đã viết: “Đây không chỉ là một bản liệt kê sự việc, một tập tài liệu, mà là hàng loạt những hình ảnh sống, những hình ảnh điển hình đến nỗi bất cứ người nào đã được chứng kiến cuộc Cách mạng cũng hình dung ra ngay những cảnh tương tự mà chính mình đã sống. Tất cả những bức ảnh chụp ngay tại chỗ đó thể hiện một cách cực kỳ rõ nét tâm trạng của quần chúng, và vì thế khiến cho người đọc nắm được ý nghĩa chân chính của những diễn biến của cuộc Cách mạng vĩ đại”. Nhận xét đó hoàn toàn phù hợp với sự kỳ vọng của John Reed khi viết cuốn sách này, đó là kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy bằng con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thực.

Xin mượn đoạn kết thúc chương X trong tác phẩm để khái quát về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga mà tác giả nhận thức được: “Tôi chợt hiểu rằng những con chiên nước Nga không cần tới các cố đạo để cầu kinh cho họ lên thiên đường. Họ đang xây dựng trên trái đất một đất nước còn tráng lệ hơn thiên đường nào hết, và được chết cho đất nước đó thật là vinh quang[8]”. Nhận xét đó quả thực vượt rất xa thời đại của John Reed!

Ngay sau khi xuất bản, Mười ngày rung chuyển thế giới đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới. Đến nay, cuốn sách vẫn được tờ New York Times xếp vào danh sách “100 ấn phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của tác phẩm này.

Trúc Giang

 

[1] Trong chuyến đi châu Âu, Reed đã chọn cách làm việc trên một con tàu chở gia súc và trải nghiệm cuộc sống của một người lao động phổ thông. Chuyến đi này được người thầy thân thiết của ông là giáo sư Charles Townsend Copeland khuyến khích; giáo sư Copeland nói với Reed rằng ông phải "nhìn thấy thực tế cuộc sống" nếu ông muốn thành công khi viết về nó.

[2] Thế nhưng sau khi từ Nga về và mang theo tư tưởng tiến bộ, John Reed trở thành cái gai trong mắt giới tư sản Mỹ; ông liên tục bị vu cáo, bịa đặt. Những tờ báo trước khẩn khoản xin bài ông thì nay một dòng cũng không đăng.

[3] Reed bị chính quyền bắt giữ lần đầu tiên tại Paterson, New Jersey, vào năm 1913, vì cố gắng thay mặt cho những người đình công ở những nhà máy sản xuất tơ tằm ở đây. Trong cuộc đời hoạt động của mình, John Reed bị nhà cầm quyền Mỹ bắt đến 20 lần, nhưng nhờ đấu tranh quyết liệt, sự thông minh và sự vận động của bạn bè cùng các tổ chức tiến bộ, ông đều sớm ra tù.

[4] Xem thêm bài viết Mười ngày rung chuyển thế giới, Báo Tin tức, ngày 22-10-2014.

[5] Tháng 6-1917, Albert Rhys Williams đến Petrograd, với danh nghĩa nhà báo của New York Evening Post. Khi Cách mạng tháng Mười nổ ra, Williams có mặt trong đội ngũ những người đánh chiếm Cung điện Mùa Đông. Sau khi cách mạng thành công, Williams chủ xướng thành lập một đội tình nguyện quốc tế, nhằm ủng hộ Hồng quân. Năm 1919, ông cho ra đời 2 tác phẩm 76 câu hỏi và đáp về bolshevik và Xô viết, Nước Nga Xô viết và Siberia với số lượng in hàng triệu bản. Williams là tác giả cuốn tiểu sử đầu tiên về Lenin in ở Mỹ, với tựa đề Lenin – Con người và công việc (in năm 1919). Ông còn viết nhiều đầu sách khác về cách mạng tháng Mười Nga. Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Albert_Rhys_Williams

[6] Mười ngày rung chuyển thế giới, bản dịch của Đặng Thế Bính và Trương Đắc Vỵ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.26.

[7] Albert Rhys Williams kể lại, “bằng đủ mọi phương tiện, anh (John Reed) đã thu thập được một mớ tài liệu quý. Tài liệu quý đến nỗi khi anh trở về New York, sau 1918, tay chân của viên Chưởng lý đoạt mất của anh. Nhưng anh lại tìm cách lấy lại được và giấu ở một căn phòng nhỏ ở New York. (…) Lẽ tất nhiên và bọn phát xít Mỹ không muốn nhân dân được đọc cuốn sách đó. Sáu lần, chúng lẻn vào văn phòng nhà xuất bản để chực ăn cắp bản thảo…”. Mười ngày rung chuyển thế giới, sdđ, tr.28.

[8] Mười ngày rung chuyển thế giới, sdđ, tr.314.