Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 750
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Minh, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị phát biểu tại hội thảo.
Đại tá Nguyễn Văn Tín, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn và Đại tá, PSG, TS Lưu Ngọc Khải, Chủ nhiệm khoa CNXH khoa học, Học viện Chính trị đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại biểu các cơ quan Tổng cục Chính trị; các học viện, nhà trường quân đội; các tướng lĩnh, sĩ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị.
Cách mạng Tháng Mười Nga - Thắng lợi của CNXH khoa học trong hiện thực
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Tín, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng có ý nghĩa thời đại, là sản phẩm tất yếu của việc giải quyết các mâu thuẫn thời đại đầu thế kỷ XX, của quy luật vận động và phát triển khách quan của lịch sử nhân loại. Cách mạng Tháng Mười đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác, CNXH từ lý luận trở thành hiện thực sinh động ở nước Nga, đồng thời mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Theo Đại tá Nguyễn Văn Tín, 100 năm đã trôi qua, lịch sử nhân loại nói chung, CNXH hiện thực nói riêng đã chứng kiến những biến thiên to lớn, song không có một sự kiện lịch sử nào khác có thể khỏa lấp được tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười.
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Minh, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị trong tham luận của mình cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định tính đúng đắn và làm phong phú thêm nhiều luận điểm lý luận của CNXH khoa học về mục tiêu lý tưởng, con đường và lực lượng của cách mạng vô sản, mở ra cơ hội để xây dựng CNXH trên thực tế. Thời gian trôi qua đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của CNXH hiện thực. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong công cuộc cải cách, đổi mới xây dựng, bảo vệ CNXH và đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có Việt Nam.
PGS,TS Đỗ Thị Thạch phát biểu tại hội thảo.
“Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự phủ định CNXH trên cả phương diện lý luận và thực tiễn mà chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình phát triển cụ thể do không được điều chỉnh kịp thời khi điều kiện thực tiễn đã thay đổi. CNXH vẫn đang tồn tại và phát triển. Ý nghĩa lịch sử vĩ đại và tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống chính trị, trong trái tim những người cộng sản, nhân dân lao động, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới”, Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Đình Minh khẳng định.
Đại tá, PSG, TS Lưu Ngọc Khải, Chủ nhiệm khoa CNXH khoa học, Học viện Chính trị thì khẳng định: Thành tựu nổi bật của Đảng ta trong những năm qua là vừa chú trọng lãnh đạo xây dựng CNXH hiện thực, vừa quan tâm tổng kết lý luận làm phong phú thêm lý luận CNXH, trên những vấn đề như: Nhận thức về con đường đi lên CNXH và các đặc trưng của nó ngày càng sáng rõ hơn; đời sống của nhân dân lao động ngày càng được cải thiện hơn; vị thế của nước Việt Nam ngày càng tăng trong quan hệ quốc tế… Xét cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Bác Hồ, của Đảng và Nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn. Những thành tựu mà công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được nói riêng, của CNXH hiện thực nói chung vừa thể hiện tính ưu việt, vừa thể hiện xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại tiến bộ trong thời đại hiện nay.
Theo Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, CNXH khoa học từ lý luận đã trở thành hiện thực. Từ đó đến nay, chủ nghĩa cộng sản không còn là một “bóng ma ám ảnh châu Âu” nữa mà đã trở thành lẽ sống, niềm hy vọng của nhân dân lao động khắp các lục địa…
Cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Là người đã từng học tập, công tác tại Liên Xô trước đây, PGS, TS Đỗ Thị Thạch, Viện CNXH Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong tham luận trình bày tại hội thảo đã khẳng định giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Cách mạng Việt Nam. Theo PGS, TS Đỗ Thị Thạch, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thay đổi cục diện thế giới và mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới mà vị trí trung tâm chi phối, quyết định sự vận động, phát triển của thời đại mới chính là giai cấp công nhân tự giác được vũ trang bằng lý luận Mác-Lê-nin.
Quang cảnh hội thảo.
“Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười không những thúc tỉnh, cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhờ đó, hàng trăm quốc gia, dân tộc đã vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống bọn tư sản và phong kiến giành độc lập dân tộc, giành dân chủ, tự do, trong đó có nhiều quốc gia, dân tộc tiến lên xây dựng CNXH theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga và theo mô hình Xô viết”, PGS, TS Đỗ Thị Thạch nói.
Có thể thấy, tư tưởng và thành quả Cách mạng Tháng Mười có sức cổ vũ to lớn, là một động lực tinh thần có tính quyết định cho sự xác lập con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam. Theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế… nên đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi vĩ đại đầu tiên là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Theo PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan, Quyền Viện trưởng Viện CNXH khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thực tiễn lịch sử của CNXH hiện thực từ khi ra đời đến nay đã cho thấy ngoài mô hình CNXH Xôviết trước đây, đã xuất hiện đa dạng những mô hình CNXH mới với nhiều tìm tòi, thử nghiệm con đường đi như: CNXH đặc sắc Trung Quốc; CNXH của Việt Nam đang định hướng xây dựng; CNXH Cu ba… Trên cơ sở vận dụng học thuyết Mác-Lênin, mỗi mô hình này đang tìm tòi những cách thức, những biện pháp đa dạng để đi tới mục tiêu chung là chủ nghĩa xã hội. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện của Việt Nam để tìm ra con đường phát triển mang tính đặc thù-con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên CNXH từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là một tất yếu lịch sử mang tính đặc thù của Việt Nam.
Tham luận của Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) cũng khẳng định: Hơn 87 năm qua, nhờ kiên định với con đường, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga - độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên những kỳ tích vẻ vang. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng Mác-Lê-nin vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám vẻ vang, “rũ bùn đứng dậy, sáng lòa”, mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới…
Bảo vệ, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới
Trong tham luận của mình, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Công Toàn, Phó chính ủy Học viện Chính trị cho rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Công Toàn, đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có thể nhìn nhận sự vận dụng sáng tạo trên một số khía cạnh chủ yếu, đó là: Đảng ta luôn xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước sau vẫn là một tất yếu khách quan; thường xuyên giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại-lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, PSG, TS Lưu Ngọc Khải, Chủ nhiệm khoa CNXH khoa học, Học viện Chính trị phát biểu tại hội thảo.
Trong tình hình hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là một bộ phận quan trọng của đấu tranh giai cấp, không chỉ xoay quanh vấn đề lý luận cốt lõi nhất mà thường gắn với thực tiễn, nhất là những biến động trong đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh này, trong tiến trình lịch sử của Đảng đã góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối trong từng thời kỳ cách mạng. Đây là nội dung trong tham luận của đồng chí Vũ Trọng Hà, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương 94 gửi tới hội thảo. Theo đó, trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng diễn ra trong bối cảnh phức tạp, khó khăn và những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trước yêu cầu mới. Theo đó, trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, đòi hỏi phải xác định công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính…
Phê phán những quan điểm phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, nguyên Trưởng ban Lý luận bảo vệ Tổ quốc, Viện Khoa học xã hội và nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị cho rằng: Luận thuyết Cách mạng Tháng Mười Nga là một “sai lầm của lịch sử” mà các thế lực thù địch cố tình bung ra là luận thuyết phản khoa học, phi lịch sử, không đánh lừa được ai; nó đã, đang và nhất định bị phá sản bởi chính sức sống, giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười và sự phát triển của CNXH trên thế giới…
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tá, PSG, TS Lưu Ngọc Khải, Chủ nhiệm khoa CNXH khoa học - Học viện Chính trị cho biết, với hơn 120 bài viết, tham luận của các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, công an nhân dân, các nhà khoa học, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, học viên chuyên ngành CNXH khoa học và Triết học đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội gửi tới hội thảo đã bám sát chủ đề, những định hướng cơ bản xoay quanh giá trị lý luận, thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười và CNXH hiện thực. Các tham luận đã khẳng định, làm rõ sức sống của CNXH hiện thực (trải qua 100 năm) và những phát triển mới trong những năm tới; tập trung làm rõ sự khủng hoảng, dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô. Các tham luận đã làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra đối với CNXH và con đường đi lên CNXH hiện nay, đã làm rõ giá trị của Cách mạng Tháng Mười và CNXH hiện thực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay; đồng thời cũng đã làm rõ giá trị của Cách mạng Tháng Mười và CNXH hiện thực đối với đấu tranh, bảo vệ, phát triển CNXH khoa học, chống các quan điểm sai trái, phản động, phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.
“Hội thảo góp phần quan trọng giúp cho chúng ta nhận thức sâu sắc những giá trí lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười và CNXH hiện thực tròn một thế kỷ ra đời và phát triển. Qua đó, củng cố niềm tin vào sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXH khoa học, kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”, Đại tá PSG, TS Lưu Ngọc Khải khẳng định.
Bài, ảnh: PHÚC THẮNG - KIM OANH
Nguồn: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khang-dinh-tam-voc-vi-dai-va-suc-song-manh-liet-cua-cach-mang-thang-muoi-519182