flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Khi xã hội có quá nhiều "người phán xử"!

Ngày đăng: 22-10-2018 Lượt xem: 4064

               Khi một ca sĩ bày tỏ chính kiến về việc xây dựng nhà hát ngàn tỉ thì bỗng dưng cô hứng lấy rất nhiều lời công kích, phê phán, sỉ vả, thậm chí lôi những chuyện đời nảo đời nào ra để chỉ trích. Khi một nhà giáo đề xuất cách viết tiếng Việt mới thì thiên hạ ào ào chửi bới, thậm chí gán ghép cho ông những lời rất nặng nề, cay độc. Khi một giáo sư sáng tạo cách học tiếng Việt mới với các biểu tượng hình tam giác, hình vuông, hình tròn thay cho các tiếng thì vô số người có vẻ chưa hiểu đầu đuôi vấn đề đã mạt sát giáo sư và “sáng chế” ra nhiều trò châm chọc sáng kiến này một cách vô lối… Đó vài trong số rất nhiều vụ việc mà sự “ném đá” trở nên rất dữ dội khi nhiều người đã tự phong cho mình thành “người phán xử”!

Đã là “người phán xử” thì người đó hẳn có một quyền nào đó. Bản thân họ phải nắm chắc được chân tướng sự việc, từ đó mới có thể vạch ra được đâu là “tội”, “tội” đến mức nào và đáng bị xử lý như thế nào… Trong cuộc phán xử đó, “bị cáo” không phải chỉ nghe lời buộc tội mà còn được tự bào chữa, được giải thích, thậm chí còn có được “luật sư” viện dẫn các chỗ buộc tội chưa đúng, vạch ra các chứng cứ thiếu thuyết phục để bênh vực cho “bị cáo”. Trên hết, trong bất kỳ cuộc phán xử công bằng và hợp lẽ nào, người bị buộc tội vẫn chưa phải là người có tội cho đến khi có những kết luận chính thức, được các bên “tâm phục khẩu phục” hoặc bằng các chứng cứ là lý lẽ không thể chối cãi.

Thế nhưng, trong không ít cuộc phán xử trong xã hội ta thời gian qua, nhiều người tự cho mình có quyền phán xử mà dường như bản thân họ chẳng có quyền gì cả. Nếu ai đó bảo rằng mỗi người có quyền tự do ngôn luận, tức là quyền tự do bày tỏ chính kiến, thì sao lại cố tình dùng cái quyền của mình để bác đi quyền của người khác, những người nói khác với họ và chính người trong cuộc? Không ít cuộc phán xử, bản thân người tự cho mình có quyền phán xử đã không hiểu đầu đuôi sự việc, lại bị những người phán xử khác tác động hoặc đơn giản chỉ a dua theo số đông mà không hiểu tường tận sự việc. Trong nhiều cuộc phán xử, “bị cáo” không có cơ hội trình bày ý kiến của mình hoặc có trình bày thì các ý kiến đó lại bị “cắt khúc” thành các mẩu rời rạc, không đúng với bản chất của sự việc và lại tiếp tục bị công kích, tiếp tục bị buộc thêm tội. Khi có người đứng ra phân tích để phân định ranh giới của sự việc thì đám đông ào ào công kích cả luôn người đóng vai trò “luật sư” đó, khiến nhiều người hoảng hốt tháo chạy để tránh vạ lây!

Khi xã hội có quá nhiều “người phán xử”, về mặt tích cực cho thấy mức độ dân chủ được thể hiện rõ nét, mọi người có quyền thể hiện quan điểm của mình đối với mọi vấn đề của xã hội. Thế nhưng, ai cũng có thể phán xét người khác một cách vô tội vạ, không theo quy chuẩn nào, không dựa vào căn cứ nào, thậm chí không thể hiện được tính văn minh cần thiết khi phê bình, buộc tội người khác, thì dường như sự dân chủ đó lại bộc lộ sự hỗn tạp, vô trật tự. Bởi người nói thì có người nghe chứ ai cũng nói, thậm chí tranh cướp nhau nói, thì ai nghe? Kể cả người có sai sót thì cũng không có điều kiện biết mình sai điểm nào, sẽ phải sửa như thế nào, vì có quá nhiều “thầy” phán rằng thế này thế khác. Chính vì chỉ cho riêng mình đúng nên vô hình trung, rất nhiều người đã giẫm lên ý kiến của người khác, giẫm lên những điều đúng đắn khác, cũng có nghĩa là hạn chế quyền của người khác. Và, khi ai cũng là “người phán xử”, đến lượt một trong số những người đó thành “bị cáo” thì dường như cái trật tự của một xã hội văn minh, một xã hội có kỷ cương đã không còn được bảo đảm!

Hở một tí là “ném đá” gần như là một biểu hiện của xã hội ta hiện nay, nhất là khi mạng xã hội phát triển bùng nổ. Người ta “ném” không thương tiếc, “ném” cật lực, “ném” bằng mọi thứ họ có và ném vào bất kỳ nơi nào có thể ném được (kể cả chỗ không liên can)…, chính điều đó biến một số “phán quan” thành những người hành xử vượt ra ngoài khuôn khổ, thậm chí thành kiểu của Chí Phèo! Điều đó không phải chỉ là sự hạn chế về mặt văn hóa, ứng xử mà còn mà một biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, trong tư duy.

Khi nói về tự do, những nhà tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã nói: Tự do là được làm tất cả những gì không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Cho nên, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận thì mỗi người phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người khác, đồng thời không được dùng quyền của mình xâm hại đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Nếu ai đó tự cho mình là “người phán xử” thì phải am tường sự việc, phải phán xử trên những căn cứ của lẽ phải (bao gồm pháp luật, đạo đức, tập quán…), phải lắng nghe chứ không thể phán bừa, xử ẩu. Bởi điều đó không chỉ gây thiệt hại cho người khác mà còn để lại hậu quả cho chính bản thân khi đã góp phần tạo nên một sự hỗn tạp trong ngôn luận mà ngày nào đó “người phán xử” có thể trở thành “bị cáo”!

Trúc Giang