flag header

Tin tứcTin tức

Không có việc “Cảnh sát khu vực nhận 200.000 đồng để được giấy đóng mộc nhận trợ cấp”

Ngày đăng: 14-08-2021 Lượt xem: 4597

 

 

Ngày 14/8/2021, trang cộng đồng trên Facebook của Đài Á châu Tự do (RFA) đã đăng clip có nội dung “TPHCM: Chưa nhận được tiền hỗ trợ, hàng chục người dân ở phường Tân Thuận Đông, Quận 7 kéo nhau đi phản đối”. Trong clip, trước trụ sở Ban Điều hành khu phố 5 phường Tân Thuận Đông, có một người phụ nữ tỏ ra rất bức xúc khi bản thân không được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người này cho rằng “có người được nhận 2 phần nhưng có người không nhận được phần nào”, đồng thời khẳng định “cảnh sát khu vực nhận 200.000 đồng để được giấy đóng mộc nhận trợ cấp”. Kèm theo đó là tiếng nói phụ họa của một số người khác. Chỉ sau hơn 2 giờ đăng, clip đã có 4.000 lượt tương tác, 181.000 lượt xem cùng rất nhiều bình luận sai lệch phiến diện. Điều đó cho thấy clip này đã được lan truyền rất nhanh.

Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết clip này ban đầu xuất phát từ tài khoản “Huệ Huỳnh”, được đăng trên Fanpage “Tôi dân quận 7” từ ngày 12/8/2021. Kèm theo clip, tài khoản này còn có nhiều nội dung phản ánh cách làm việc của trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố tại khu phố 5, phường Tân Thuận Đông…

Ngay sau khi clip được phát tán, Công an phường Tân Thuận Đông đã mời chủ tài khoản “Huệ Huỳnh” lên làm việc nội dung trong clip. Theo đó, chủ tài khoản này có tên thật là Huỳnh Thị Huệ, sinh năm 2002, hiện cư ngụ tại khu phố 5 phường Tân Thuận Đông. Tại Công an phường, cô Huỳnh Thị Huệ cho rằng vì thấy nhiều người dân ở khu phố 5 bức xúc chưa nhận được tiền hỗ trợ nên mới quay clip đăng lên mạng để cầu cứu các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ công bằng cho người dân nghèo trong khu phố. Việc mỗi hộ phải tốn 200.000 đồng như ý kiến trong clip thì cô chỉ nghe nói chứ không biết chính xác.

Qua làm việc tại Công an phường, cô Huỳnh Thị Huệ mới biết, theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố, đến nay người làm việc trong 6 nhóm công việc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được trợ cấp; hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đang tham mưu UBND thành phố hỗ trợ cho người lao động của một số ngành nghề khác bị ảnh hưởng của dịch. Từ đó, cô Huỳnh Thị Huệ nhận thấy việc làm của mình là theo cảm tính, chưa có sự tìm hiểu kỹ, và vì vậy đã làm ảnh hưởng đến địa phương.

Ngoài ra, Công an phường đã mời bà Huỳnh Thị Bo, sinh năm 1969, thường trú tại ấp 2, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, hiện ngụ ở khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, người trong clip mà tài khoản “Huệ Huỳnh” đã đăng có những phát ngôn không đúng về việc “cảnh sát khu vực nhận tiền 200.000 đồng để được giấy đóng mộc nhận trợ cấp”. Qua làm việc, bà Bo thừa nhận phát ngôn trên của bà là sai, do bà Bo bức xúc chưa được nhận tiền trợ cấp, dẫn đến có lời nói thiếu suy nghĩ. Bà Bo cam kết sẽ không có những hành vi phát ngôn sai như trong clip.

Theo đại diện lãnh đạo Đảng ủy phường Tân Thuận Đông, cách thức làm việc của ban điều hành các tổ dân phố và khu phố 5 là đúng quy định và đầy đủ, hoàn toàn không có sai sót như phản ánh của cô Huỳnh Thị Huệ. Còn việc “có người được nhận 2 phần nhưng có người không nhận được phần nào” là trên thực tế có những trường hợp thuộc diện được hỗ trợ đến thời điểm này đã nhận lần thứ hai do dịch bệnh kéo dài và họ vẫn tiếp tục mất việc. Với một số đối tượng khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thành phố đang tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là “không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc” và sẽ thực hiện với tất cả người dân khó khăn đang sống trên địa bàn thành phố, không phân biệt thường trú hay tạm trú.

Hiện cô Huỳnh Thị Huệ đã gỡ bài đăng trên trang “Tôi dân quận 7”. Cô Huệ cũng cam kết không đăng tải những nội dung thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội. Với những thông tin sai trái mang tính bịa đặt, vu khống, Công an phường Tân Thuận Đông đã chuyển Công an quận 7 xử lý theo quy định.

Vì hạn chế về hiểu biết, một công dân đã đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội, từ đó các thế lực xấu đã “vớ cơ hội” để công kích, bôi nhọ công tác phòng chống dịch Covid-19 nói riêng và sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền nói chung, đó là điều rất đáng trách. Do đó, dù xuất phát từ động cơ nào, mỗi người khi đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội cần phải hết sức thận trọng để tránh đưa tin giả, tin bị bóp méo, làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch hiện nay.

TRÚC GIANG