Ngày đăng: 13-02-2020 Lượt xem: 3163
Trước việc nhiều địa phương chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 17/02/2020, trên báo chí và mạng xã hội tiếp tục có nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, hoang mang lo lắng trước nguy cơ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) sẽ bùng phát tại Việt Nam. Với những bất an đó, thiết nghĩ chúng ta cần điểm lại một số thông tin
1. "Chống dịch như chống giặc!"
Ngay khi có thông tin dịch bệnh bùng phát tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, và lây lan sang nhiều địa phương Trung Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ, Chính phủ Việt Nam mà trực tiếp là Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương đến cấp xã, triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó, với sự khẩn trương, quyết liệt chưa từng có. Lần đầu tiên dừng tổ chức các lễ hội, sự kiện đông người; Lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến; lần đầu tiên tổ chức chuyến bay đưa công dân từ vùng tâm dịch về nước.
Tất cả với tinh thần "chống dịch như chống giặc", sẵn sàng hy sinh sự phát triển kinh tế để bảo vệ tính mạng người dân. Thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và công tác phòng chống dịch tại Việt Nam được thông tin, cập nhật thường xuyên đến công chúng một cách nhanh nhất, minh bạch nhất, chính xác nhất. Tinh thần "VIỆT NAM QUYẾT THẮNG ĐẠI DỊCH" đã được chuyển tải đến từng người dân.
2. Những kết quả khả quan bước đầu
Đến hôm nay, trong số các quốc gia tiếp giáp biên giới với Trung Quốc chỉ có Việt Nam cho học sinh sinh viên nghỉ học. Trong số các quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm (ngoài Trung Quốc) cũng chỉ có Việt Nam và Hàn Quốc cho học sinh sinh viên nghỉ học.
Hiện nay sắp tròn 14 ngày từ ngày Chính phủ quyết định công bố dịch Covid19, dừng các chuyến bay, dừng xuất nhập cảnh đến Trung Quốc đại lục, cơ quan y tế vẫn chưa ghi nhận trường hợp lây lan trong cộng đồng nào tại Việt Nam (trừ Vĩnh Phúc có dấu hiệu lây lan 1 trường hợp em bé 3 tháng tuổi không đến Vũ Hán, không tiếp xúc với người từ Vũ Hán mà bị lây từ bà ngoại, người có tiếp xúc với người từ Vũ Hán). Tại TPHCM, các trường hợp có tiếp xúc với người từ vùng dịch đến nay đều âm tính. 2 người Trung Quốc dương tính với Covid19 đã được điều trị thành công và xuất viện.
Có thể khẳng định rằng Việt Nam đã kiểm soát được tình hình và ngăn chặn được sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh vào nội địa (Trong khi đó, Singapore đã có lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn chưa dừng hoạt động dạy học).
Những thông tin này, cùng với 2 tuần chuẩn bị, các cơ sở giáo dục, hệ thống y tế chuyên nghiệp của cả nước nói chung, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng để bắt đầu trở lại guồng máy thường ngày, đi đôi với việc tiếp tục giữ gìn vệ sinh, nâng cao ý thức phòng dịch của mỗi người dân.
3. Không hoang mang để chiến thắng đại dịch
Hậu quả, tác hại của dịch bệnh không chỉ là sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn là sự hoang mang lo lắng, đình trệ sản xuất, sinh hoạt, lễ hội. Nhẹ thì gây ra một bầu không khí ảm đạm, còn nặng hơn sẽ là sự sợ hãi và hoảng loạn. Tác hại của dịch bệnh còn là tạo ra cơ hội cho tin giả, thông tin sai sự thật xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, báo điện tử, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, phá hoại môi trường ổn định - môi trường cần thiết để chống dịch hiệu quả.
Một thái độ đúng luôn là điều cần thiết để chiến thắng bệnh tật. Do đó, mỗi người dân bên cạnh việc nâng cao ý thức phòng dịch, cũng cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, cần cảnh giác nhưng tránh hoang mang lo lắng quá mức. Dịch không biết bao giờ sẽ kết thúc, nhưng với ý thức và biện pháp phòng dịch tốt, chúng ta sẽ tiếp tục lao động, học tập để chiến thắng đại dịch.
THÁP MƯỜI