flag header

Tin tứcChống DBHB

Không phải ai cầm chổi sơn lên tường cũng là thợ sơn

Ngày đăng: 17-01-2018 Lượt xem: 2368

Theo báo cáo mới nhất của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài có cái tên mĩ miều: Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) thì Việt Nam đang giam giữ ít nhất 10 nhà báo, nằm trong danh sách sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khi nhìn lại danh sách những người bị giam giữ được cho là “nhà báo” thì thực tế không phải vậy. CPJ có chủ trương theo đuổi tôn chỉ, mục tiêu bảo vệ nền tự do báo chí kiểu Mỹ và phương Tây, và như vậy, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu CPJ nói và làm như tôn chỉ, mục tiêu họ đề ra. Song chỉ có điều, thời gian gần đây, CPJ thường xuyên "nhúng mũi" công kích xuyên tạc chống Việt Nam về tự do báo chí. Rõ ràng đúng là có chuyện đáng bàn về CPJ và những người đang điều hành tổ chức này (!).

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm

Cần phải đặt câu hỏi tại sao CPJ lại muốn xếp 10 nhân vật kia vào danh sách nhà báo? Đưa họ vào danh sách nhà báo thì CPJ được lợi gì?

CPJ là ai?

Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ - Committee to Protect Journalists) được thành lập vào năm 1982 xuất phát từ ý tưởng “các nhà báo trên khắp thế giới nên tập hợp để bảo vệ quyền của các đồng nghiệp làm việc trong môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm”. Vào thời đó, ba nhà báo Anh Simon Winchester, Ian Mather, và Tony Prime bị bắt tại Argentina trong chiến tranh Falklands. Sau đó, chỉ một bức thư của Chủ tịch Walter Cronkite của CPJ đã giúp họ giải phóng họ khỏi nhà tù.

Để biện hộ người được tổ chức này bảo vệ, CPJ đã đưa ra định nghĩa hết sức mơ hồ khi coi "nhà báo" là "những người đưa tin, bình luận về các sự kiện công khai trên ấn phẩm báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình hoặc báo điện tử". Với định nghĩa không xác định rõ nội hàm, không làm nổi bật được đặc trưng và sản phẩm của nghề báo, CPJ đã tạo điều kiện cho chính CPJ và một số tổ chức, cá nhân đánh tráo khái niệm để đánh đồng blogger với nhà báo, biến bất kỳ người nào viết và đưa lên mạng thành nhà báo; từ đó cổ vũ, khuyến khích công dân của các quốc gia vi phạm pháp luật. 

Đối với Việt Nam, từ nhiều năm qua, CPJ thường đưa ra các “thông cáo”, “báo cáo”, “kháng nghị”, “tuyên bố”… dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí bị bóp méo, xuyên tạc về những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận. Cùng với đó, CPJ còn “nhũng mũi” gây áp lực, can thiệp nội bộ Việt Nam khi ra rả loan tin cổ xúy, đòi trả tự do cho những công dân Việt Nam mang trọng tội tuyên truyền chống chế độ. CPJ thường gán cho những can phạm (Cù Huy Hà Vũ,  Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… và mới đây nhất là 10 “nhà báo” được CPJ ưu ái gán cho) là những “nhà báo” cho đúng kịch bản bảo vệ (!). Mặc dù trên thực tế, những người này chẳng có ai là “nhà báo” – họ đều là công dân Việt Nam vi phạm pháp luật – bản thân có người làm nghề tự do, là luật sư, bác sĩ hoặc vô nghề.

Không phải ai cầm chổi sơn lên tường cũng là thợ sơn.

Ở Việt Nam khái niệm “nhà báo tự do” hay “nhà báo độc lập” đều không được công nhận, đó chỉ là cách gọi của chính họ. Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 định nghĩa: "Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo" nhưng những đối tượng bị bắt trên thử hỏi ai được cấp thẻ nhà báo? Nếu theo đúng quy định này, trong 10 đối tượng mà CPJ liệt kê, chẳng có ai được gọi là nhà báo cả.

Những đối tượng vi phạm pháp luật được CPJ phong là "nhà báo"

Ai cũng có quyền viết báo nhưng không vì thế có thể gọi họ là nhà báo được. Thực tế, trong nước có một số người trước đây từng làm báo chuyên nghiệp kết hợp với một số phần tử phản động, chống đối chính trị tự lập ra cái gọi là “Hội nhà báo Việt Nam độc lập”. Chuyện nực cười ở chỗ tổ chức hội trái phép này đến nay chưa có bất kỳ bài báo nào ra hồn mà chỉ chuyên tâm tạo ra các thông tin sai sự thật, xuyên tạc chống đối Đảng và Nhà nước ta.  Hầu hết những nhà báo tự phong trong tổ chức đó đều nhằm chống đối với hệ thống báo chí do Nhà nước quản lý.

Chúng ta chẳng lạ gì những cái tên như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm); Nguyễn Văn Hóa; Phan Kim Khánh; bác sĩ Hồ Văn Hải (blogger Hồ Hải); Bùi Hiếu Võ với nhiều bài viết "đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân". Cụ thể, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vì "tàng trữ" tập thơ "Bài thơ một vần" của tác giả Bùi Chát và một CD nhạc có bài hát "Viết về ngư dân Việt Nam" của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Hay việc bắt giữ ông Hồ Văn Hải, chủ tài khoản Facebook 'Hồ Hải' và blog 'BS Hồ Hải' vì hành vi phát tán thông tin, tài liệu chống Nhà nước... Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của những kẻ chỉ làm việc trên mạng xã hội, tận dụng mạng xã hội để viết bài, thông tin xuyên tạc, đả phá chế độ, quan điểm của Nhà nước lại càng không được gọi là nhà báo, dù bài viết trên mạng có thể được báo mạng đăng lại. Tóm lại, những kẻ bị giam giữ trên, thể hiện quan điểm cá nhân của người viết chứ không phải nhà báo, chúng tự khoác cho mình cái mác nhà báo rồi vu cho Nhà nước bắt bớ nhà báo là sai sự thật.

Ở Việt Nam, yêu cầu cần thiết là mỗi nhà báo phải hội đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, nghiệp vụ, luôn thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình thì sẽ được công chúng quý trọng, và cũng sẽ luôn nhận được sự trân trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đó cũng là điều mà mọi người làm báo ở Việt Nam luôn cố gắng để ngày càng hữu ích hơn với xã hội và con người. Đó cũng là bằng chứng xác thực nhất phản bác sự vu cáo, xuyên tạc của CPJ.

 

HM