flag header

Tin tứcTin tức

Không thể chống dịch chỉ bằng văn bản...

Ngày đăng: 25-07-2021 Lượt xem: 1350

Đó là câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 sau khi trực tiếp đến thăm, kiểm tra các khu cách ly, phong tỏa tại huyện Củ Chi, quận 8 và làm việc với lãnh đạo các quận- huyện, UBND TPHCM vào chiều ngày 24/7. Nguyên văn câu nói như sau: "Thành phố cần phải làm nghiêm hơn. Chúng ta chống dịch căn cứ vào hiệu quả là trên hết, không phải chống dịch bằng văn bản.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra một khu phong toả trên địa bàn Quận 12.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Câu nhắc nhở của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 đã phản ánh rất khách quan thực trạng ý thức của một bộ phận người dân trên địa bàn Thành phố, và cũng rất quý giá với lãnh đạo Thành phố trong tình hình dịch bệnh căng thẳng trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Lời nhắc nhở của Phó thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố cũng chính là sự quan tâm, lo lắng thậm chí là cả bức xúc của lãnh đạo Thành phố đối với công sức của cả bộ máy chính quyền thành phố và sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã làm ảnh hướng đến kết quả chống dịch.

Thực tế trong suốt thời gian qua để chiến đấu với Covid-19 bảo vệ an toàn tính mạng, chăm lo đời sống của nhân dân, lãnh đạo Thành phố từ Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Thành phố đến các ban, ngành, đoàn thể, đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang từ Thành phố đến cơ sở ngày đêm chủ động nỗ lực, căng mình vượt nắng, đội mưa để chống dịch và phục vụ nhân dân. Tại buổi sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 ở TP HCM chiều 23-7, nhiều con số "biết nói" đã phản ánh đầy đủ, khách quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM. Cụ thể: Huy động 14.129 nhân lực ngành y tế; 13.853 cán bộ chiến sĩ từ lực lượng công an; 27.269 cán bộ, chiến sĩ, dân quân của lực lượng quân đội... tham gia; xây dựng và sửa chữa đảm bảo 12 khu cách ly tập trung của TP; khu cách ly của quận, huyện, TP Thủ Đức chuẩn bị mở rộng khi số F1 tăng lên là 345 khu với sức chứa dự kiến 45.094 người; 72 khách sạn được trưng dụng thành nơi cách ly, tương ứng 5.249 buồng/phòng; tổng số khách sạn chờ khảo sát, thẩm định: 32 khách sạn, ước khoảng 2.308 buồng/phòng; các quận, huyện, TP Thủ Đức đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ bản đồng thuận thực hiện chủ trương cách ly F1 tại khách sạn, với sức chứa khoảng 17.373 phòng; TP HCM đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2; trong 15 ngày giãn cách, đã phản bác nhiều tin sai sự thật, xử phạt hành chính 1 cá nhân và 2 cơ quan báo chí, chuyển Công an TP HCM khởi tố 1 trường hợp, phối hợp với các địa phương, sở - ngành trả lời phỏng vấn, phản hồi, đính chính nhiều thông tin trên báo chí; tổ chức 12 chốt, trạm của TP HCM: tiến hành tổng kiểm soát 1.423.447 lượt phương tiện các loại, kiểm tra 1.350.605 lượt người; lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh 4.911 trường hợp, với tổng số tiền hơn 10,4 tỉ đồng; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã thành lập 969 đoàn kiểm tra; xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỉ đồng (chủ yếu các lỗi vi phạm do tập trung đông người, các loại hình tạm ngưng kinh doanh nhưng vẫn cố tình hoạt động, đi ra ngoài không có lý do chính đáng...); TP HCM đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP HCM… để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên, bên dòng chảy chung đầy trách nhiệm, đầy nhiệt huyết đó thì vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố. Họ không cùng xông ra mặt trận "chống dịch như chống giặc", mà lùi về phía sau như một kẻ đào ngũ, thậm chí còn phản bội lại cộng đồng. Có không ít người ngồi cắm mặt vào bàn phím "chém gió" và chia sẻ những tin bịa đặt, tiêu cực, gây hoang mang, sợ hãi cho người dân. Cùng với những anh hùng bàn phím "tay nhanh hơn não" là những người không chấp hành các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Một số người ra đường không mang khẩu trang, không có lý do chính đáng, tụ tập đông người. Ngang ngược hơn, có những kẻ còn chống lại những người thi hành công vụ, khi được nhắc nhở đeo khẩu trang, cấm tập trung đông người… Những hành động này đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Bởi vì trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 chỉ một người thiếu ý thức thì cả gia đình và xã hội phải gặp khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian tới các địa phương, các cơ quan, lực lượng chức năng phải quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 12 của Thành ủy đến mọi người dân, phải biến những nội dung chỉ đạo của Thành ủy từ văn bản thực sự trở thành nhận thức và hành động của toàn dân. Các cơ quan, lực lượng chức năng, nhất là ở cơ sở như: tổ dân phố, phường, xã, thị trấn phải quyết liệt hơn trong duy trì trật tự đi lại, trong thực hiện các quy định phòng chống dịch, kiên quyết xử lý nghiêm khắc kịp thời các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, mỗi công dân Thành phố cần phải nêu cao ý thức tự giác, chấp hành triệt để các quy định của địa phương và của Thành phố, chỉ có chung sức đồng lòng, đề cao trách nhiệm công dân thì chúng ta mới chiến thắng được dịch bệnh. Bởi vì, thực tế dù cơ quan lực lượng chức năng số lượng có đông đến như thế nào cũng không thể giám sát mọi tuyến đường, ngõ hẻm, mọi ngôi nhà, mọi công dân của Thành phố mà quan trọng nhất vẫn là phải có sự hợp tác, đồng lòng, chung sức của người dân mới hy vọng chiến thắng đại dịch.

 Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy của Bác càng ý nghĩa sâu sắc trong lúc căng thẳng này, trong cuộc chiến đại dịch. Mọi người dân Thành phố hãy cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, chung sức đồng lòng, thì chắc chắn khó khăn nào cũng vượt qua, đại dịch nào cũng chiến thắng./.

Cờ đỏ TP.HCM