flag header

Tin tứcChống DBHB

Không thể phủ nhận thành tựu công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng (Bài 2)

Ngày đăng: 03-10-2020 Lượt xem: 927

Hai là, mượn một câu chuyện vốn không chỉ xảy ra ở Việt Nam (bởi vấn nạn chạy chức, chạy quyền thì ở xã hội nào cũng có, thời nào cũng có, có chăng là ở mỗi một quốc gia và vào các giai đoạn lịch sử khác nhau thì vấn nạn này xảy ra ít hay nhiều mà thôi) để công kích công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam như: "Biến các cuộc bầu cử trở thành thị trường mua quan bán chức một cách trắng trợn", "những kẻ nhiều tiền lắm của nhưng thiếu đạo đức nhân cách lại có dịp chui vào bộ máy quyền lực, qua đó tiếp tục vơ vét và móc họng dân một cách vô tội vạ", "tại một số nơi, giá cả cho các chức vụ gần như công khai. Chức càng lớn thì giá càng cao. Không phải các cá nhân này bỏ tiền ra, mà có cả một hệ thống sân sau, gọi là nhóm lợi ích, sẵn sàng chung chi cho “người của mình” lọt vào nắm các chức vụ lớn", "quy trình tuyển dụng cán bộ sai từ đầu. Lỗi từ đầu vào và lỗi cả hệ thống" theo chủ ý của tác giả[1]…chính là sự xuyên tạc, bôi đen đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế, nhận thức sâu sắc rằng,“cán bộ là cái gốc của mọi công việc” vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[2], cho nên, ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Chính phủ là công bộc của dân! Trong các cơ quan công quyền;  trong công tác cán bộ, cả người làm công tác cán bộ và việc lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng cần "phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó"[3].

 Trong suốt 75 năm qua, những chỉ dẫn của Người luôn được chú trọng thực hiện để phòng, chống và đấu tranh với những biểu hiện uy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cả tư tưởng và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên; để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.

Ai cũng biết, từ xa xưa tới nay, vấn nạn “mua quan, bán chức” chính là con đường tiến thân của những kẻ cơ hội, những kẻ thiếu năng lực nhưng lại muốn leo cao, "muốn được đảm nhận những vị trí quan trọng trong dây chuyền của bộ máy" và đó vừa là điểm khởi đầu của tham nhũng vừa là hành vi cụ thể của tham nhũng - tham nhũng quyền lực. Vì thế, câu chuyện "chạy chức, chạy quyền" và hệ lụy của vấn nạn này sẽ làm cho tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước rối ren, nhân dân bất bình và suy giảm niềm tin vào các cơ quan công quyền… Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ: “Chạy chức, chạy quyền” là tham nhũng, là một nguy cơ và thách thức lớn đối với công tác cán bộ, cho nên đã, đang và sẽ chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Từ thực trạng đó và để phòng và chống nạn “chạy chức, chạy quyền”, thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt nguyên tắc mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng; phải thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát trong mọi mặt công tác. Trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao phó để mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình, người thân, dòng họ và nhóm lợi ích; đều phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi người, chức vụ càng cao càng phải thực hiện nghiêm các Quy định về nêu gương, nói đi đôi với làm; phải gương mẫu trong phòng và chống 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"…

Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp"; phải thông qua Hiến pháp, hệ thống pháp luật và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát để phát huy sức mạnh kỷ luật Đảng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân để tạo ra "chiếc phanh cơ chế", "cái lồng kiểm soát" thiết thực, hiệu quả. cũng có thể nói rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng, thì trong công tác cán bộ cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế; trong đó có những kẽ hở để những người cơ hội "luồn lách chạy" - chạy từ tuổi để vào quy hoạch, chạy vào quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm; chạy từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn, từ địa phương lên Trung ương, thậm chí chạy để giữ ghế…

Đặc biệt, một trong những liều "vắc xin đặc chủng" để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong nhiệm kỳ Đại hội XII và cho những nhiệm kỳ sau chính là yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”[4]. Điều này cũng cho thấy, vấn đề chống “chạy chức, chạy quyền” đã được chú trọng thực hiện tương đối đồng bộ và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tiếp đó, Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” của Bộ Chính trị đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/9/2019. Có thể nói, với 4 chương, 15 điều, Quy định 205 nêu rõ: 1) Quy định chung gồm (điều 1 và điều 2); 2) Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gồm (điều 3 đến điều 9); 3) Chống chạy chức, chạy quyền gồm (điều 10 đến điều 13); 4) Điều khoản thi hành gồm (điều 14 và điều 15). Nội dung 15 điều của Quy định 205 một lần nữa cho thấy công tác cán bộ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung Quy định 205 cũng đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng về kiểm soát để phòng và chống sự tha hóa quyền lực được thấu triệt trên tinh thần mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và mọi quyền hạn đều phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Thực tế, những con số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật liên quan đến hối lộ, tham ô, tham nhũng… nói chung đang gây bức xúc trong nhân dân; những cán bộ, đảng viên bị nhận diện suy thoái; những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… bị gạt ra và không để lọt vào cấp ủy khoá mới trong quá trình tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng: “Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'”[5].

Quyết tâm chính trị của Đảng được quán triệt, nghiêm túc triển khai bài bản gắn liền với sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác cán bộ thời gian qua, nhất là kết quả loại trừ nạn “chạy chức, chạy quyền” của những kẻ cơ hội - một ung nhọt đang được cả xã hội quan tâm và loại trừ sự cấu kết của những kẻ cơ hội đang nắm quyền lực chính trị để lũng đoạn, trục lợi - một di chứng của công tác cán bộ đã khẳng định tính hiệu quả, cần thiết của Quy định này.

Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân hãy tin rằng, Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn và đổi mới; công tác cán bộ ngày càng được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện trong các khâu; công tác đấu tranh phòng,  chống tham nhũng được đẩy mạnh và kiên quyết thực hiện trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ"; cơ chế kiểm soát quyền lực ngày càng được triển khai thực hiện chặt chẽ, nhiều lớp; quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng và chống "chạy chức, chạy quyền" - tham nhũng quyền lực được tất cả mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ủng hộ chính là cơ sở, là niềm tin để khẳng định Đại hội 13 này sẽ không có "chạy chức, chạy quyền"./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

 

[1] Thảo Ngọc: Ô hô! "Thưa ông tôi ở bụi này", đăng trên Danlambao

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.21

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII - Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 19/5/2018

[5] “Đại hội XIII sẽ là Đại hội không chạy chức”, Báo Vietnamnet, ngày 25/9/2020